Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Prông: Quan tâm đầu tư giao thông nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), hệ thống giao thông nông thôn ở huyện Chư Prông, Gia Lai đã từng bước được đầu tư nâng cấp, giúp người dân đi lại dễ dàng và thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Những năm qua, hưởng ứng phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng NTM”, nhân dân xã Thăng Hưng đã tích cực đóng góp tiền của, công sức cùng với chính quyền địa phương làm đường giao thông nông thôn. Hiện toàn xã có 58,8 km đường trục xã, đường trục thôn, xóm và đường trục chính nội đồng. Trong đó, đường trục xã đã được nhựa hóa 100%, đường trục thôn cứng hóa được 10 km (đạt 53,8%), đường ngõ xóm được cứng hóa 4,5 km (đạt 50,4%), không lầy lội vào mùa mưa, đường nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm được 10,3 km (đạt 50,8%). Người dân trong xã đã đóng góp 4.419 ngày công và hơn 855 triệu đồng để làm hơn 8,4 km đường giao thông nông thôn.
Một tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Thăng Hưng đã được bê tông hóa. Ảnh: L.N
Một tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Thăng Hưng đã được bê tông hóa. Ảnh: L.N

Năm 2018, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn huyện Chư Prông là hơn 157,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hơn 13,8 tỷ đồng; ngân sách tỉnh, huyện hơn 3,1 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án hơn 137,6 tỷ đồng; vốn đóng góp của người dân gần 2,9 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn NTM; bình quân mỗi xã đạt 10,4 tiêu chí NTM.
Ông Trần Văn Tánh (thôn 3, xã Thăng Hưng) cho biết: “Khi chương trình xây dựng NTM được triển khai, người dân chúng tôi rất vui mừng và đồng thuận cùng Nhà nước tham gia thực hiện các tiêu chí, trong đó có tiêu chí giao thông. Trong những năm qua, với cương vị là Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, tôi đã cùng với Ban Nhân dân thôn vận động 150 hộ dân đóng góp tiền, ngày công để làm hơn 1 km đường bê tông nông thôn. Ngoài ra, chúng tôi còn vận động 100 hộ đóng góp 44 triệu đồng để lắp 40 bóng điện chiếu sáng trên một số đoạn đường của thôn”.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải-Chủ tịch UBND xã Thăng Hưng: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia cùng với địa phương xây dựng NTM, đặc biệt là trong việc làm đường giao thông nông thôn. Qua đó, người dân đã đồng tình hưởng ứng, đóng góp tiền, ngày công, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, xã đã đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM. “Năm 2019, xã tiếp tục đưa vào kế hoạch làm thêm 3,5 km đường giao thông nội đồng và 1,4 km đường giao thông nông thôn. Hiện xã đã đạt 11/19 tiêu chí và đang phấn đấu “về đích” NTM vào cuối năm nay”-ông Hải cho biết thêm.
 Không chỉ ở Thăng Hưng, thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, các xã trên địa bàn huyện Chư Prông cũng đã tích cực vận động nhân dân chung sức làm đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, từ các nguồn vốn khác nhau, UBND huyện cũng đã quan tâm đầu tư cho các xã thực hiện tiêu chí này. Riêng năm 2018, UBND huyện đã đầu tư hơn 37,4 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông trên địa bàn. Cụ thể, nâng cấp được hơn 8 km đường liên xã, 5,9 km đường trục xã, 7 km đường trục thôn, làng, 7,9 km đường ngõ, xóm, 2,4 km đường trục chính nội đồng và 1,4 km đường đô thị. Đến nay, toàn huyện đã có 7/19 xã đạt tiêu chí giao thông, gồm: Ia Băng, Ia Phìn, Ia Drăng, Bàu Cạn, Thăng Hưng, Bình Giáo và Ia Boòng.  
Ông Trần Đắc Lực-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Prông-cho biết: Được UBND huyện phân công phụ trách thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, đơn vị đã hướng dẫn các xã, thôn trong việc thẩm định hồ sơ, thủ tục để triển khai làm đường giao thông nông thôn. Đồng thời, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí giao thông và hỗ trợ các địa phương nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng. “Chư Prông là huyện biên giới có diện tích tương đối lớn, tỷ lệ người dân tộc thiểu số đông nên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động người dân, doanh nghiệp đóng góp cùng Nhà nước xây dựng đường giao thông nông thôn. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ chương trình xây dựng NTM cho huyện còn hạn chế. Vì vậy, kết quả đạt được những năm qua là sự cố gắng rất lớn của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trên địa bàn huyện”-ông Lực chia sẻ.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm