Điểm đến Gia Lai

Chư Prông quyết tâm giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ triển khai hiệu quả nhiều giải pháp giảm nghèo nên trong năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Chư Prông, Gia Lai giảm 3,04% (tương ứng với 812 hộ). Hiện nay, huyện đang tập trung các nguồn lực vì mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Siu Byơng (tổ dân phố 5, thị trấn Chư Prông) khi ông đang chuẩn bị lùa đàn bò ra đồng. “Năm nay, gia đình mình được chính quyền địa phương hỗ trợ 25 triệu đồng để sửa chữa nhà ở. Mình cũng tiết kiệm được một số tiền và vay thêm để mua 3 con bò về nuôi. Hiện một con bò đã đẻ bê con”-ông Siu Byơng cho biết. Năm 2017, gia đình ông Siu Byơng là hộ nghèo của thị trấn. Nhưng năm 2018, nhờ mạnh dạn vay vốn để đầu tư chăm sóc 500 cây cà phê và 4 sào lúa nước, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình ông đã thoát nghèo.
 Vợ ông Siu Byơng đang chăm sóc đàn bò. Ảnh: V.H
Vợ ông Siu Byơng đang chăm sóc đàn bò. Ảnh: V.H
Ngoài gia đình ông Siu Byơng, năm nay, nhiều hộ dân ở huyện Chư Prông cũng được hỗ trợ từ các chương trình, dự án giảm nghèo. Theo thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Prông, đầu năm 2018, toàn huyện có 3.522 hộ nghèo, chiếm 12,16%. Trong đó có 2.889 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm hơn 82% số hộ nghèo của địa phương. Để giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững, ngay từ đầu năm, huyện Chư Prông đã điều tra, rà soát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các hộ để từ đó tìm ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm đối tượng. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã phân cấp cho 11/19 xã làm chủ đầu tư để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các Huyện ủy viên trực tiếp theo dõi, giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn; các cơ quan, đơn vị của huyện giúp đỡ các làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, huyện Chư Prông cũng đã thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Theo đó, 11 xã trên địa bàn huyện được đầu tư gần 7,7 tỷ đồng để xây dựng 28 công trình. Trong đó, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các thôn, làng đặc biệt khó khăn hơn 4 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện cũng đã đầu tư gần 400 triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng các công trình. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững cũng được triển khai và mang lại hiệu quả cao. Từ đầu năm đến nay, huyện đã đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất, trong đó hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ các xã thuộc Chương trình 135 của Chính phủ; ngoài ra còn hỗ trợ 300 triệu đồng giúp 55 hộ gia đình ở các xã: Ia Băng, Ia Me, Bình Giáo, Ia Kly xây dựng mô hình kinh tế.
Ia O là xã đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đầu năm 2018, toàn xã có 168 hộ nghèo, chiếm 21,8%. Nói về những giải pháp để giúp người dân thoát nghèo, ông Kpă Geo-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: “Nhờ triển khai hiệu quả các mô hình giảm nghèo bền vững nên đến thời điểm này, toàn xã đã giảm được 51 hộ nghèo, tương đương 6%, trong đó có 40 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số”.
Đề cập kết quả giảm nghèo trên địa bàn huyện, ông Lê Văn Ba-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Đến thời điểm này, toàn huyện đã giảm được 812 hộ nghèo, tương ứng với 3,04% (vượt 0,4% so với kế hoạch). Có được kết quả này là nhờ huyện đã triển khai nhiều giải pháp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, các gia đình nỗ lực để vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, huyện cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm 3% số hộ nghèo. “Thời gian tới, ngoài việc triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, điều quan trọng là phải tạo được sinh kế bền vững để các hộ đã thoát nghèo không tái nghèo”-ông Ba nói.
Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm