Xã hội

Lao động - Việc làm

Gia Lai quan tâm phát triển nguồn lao động có tay nghề cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã chú trọng đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho hay: Tỉnh Gia Lai có nguồn lao động khá dồi dào, trung bình mỗi năm có hơn 25.000 người bước vào tuổi lao động. Những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét. Riêng năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%; toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 26.000 lao động, đưa 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Rcom Sa Duyên, số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật phân bố không đồng đều giữa các địa phương, chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị. Trước những bất cập này, ngày 18-4-2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 884/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10-1-2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội. Ngày 11-3-2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng đã ký ban hành Kế hoạch số 543/KH-UBND nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch số 189-KH/TU ngày 7-12-2023 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4-5-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sinh viên Trường Cao đẳng Gia Lai học nghề cắt gọt kim loại. Ảnh: Đ.Y
Sinh viên Trường Cao đẳng Gia Lai học nghề cắt gọt kim loại. Ảnh: Đ.Y

Triển khai thực hiện chủ trương đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực đào tạo trên 11.000 lao động/năm để triển khai đào tạo nghề hướng đến mục tiêu tạo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Thời gian qua, để góp phần đào tạo nguồn lao động có tay nghề cao, Trường Cao đẳng Gia Lai đã kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đào tạo lại lực lượng lao động. Bên cạnh đó, Trường ký kết hợp đồng đào tạo và cung ứng lao động cho khá nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, tạo môi trường cho sinh viên đến thực tập nghề. Ngoài nắm bắt nhu cầu thị trường việc làm tại doanh nghiệp, Trường còn thường xuyên đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy với mục tiêu giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

“Hiện tại, nhà trường đang lồng ghép dạy kỹ năng mềm cùng với các môn học/mô đun trong chương trình đào tạo đã được ban hành. Ngoài ra, trường còn tổ chức cho các học viên đi tham quan thực tế tại các doanh nghiệp để tìm hiểu về môi trường làm việc tại các doanh nghiệp, sau tốt nghiệp đi làm có thể bắt nhịp với công việc. Kết thúc chương trình học, nhà trường bố trí để học viên tham gia thực tập tại các doanh nghiệp, có giáo viên hướng dẫn trực tiếp”-Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

Đại diện Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai ký kết hợp đồng nguyên tắc đào tạo nguồn nhân lực cho Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh. Đ.Y

Đại diện Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai ký kết hợp đồng nguyên tắc đào tạo nguồn nhân lực cho Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh. Đ.Y

Trong khi đó, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai cũng đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiến sĩ Trần Cao Bảo-Phó Giám đốc Phân hiệu-cho hay: Phân hiệu đang đào tạo 7 chuyên ngành hệ đại học gồm: Thú y, Kế toán, Nông học, Tài nguyên và Du lịch sinh thái, Công nghệ sinh học, Bất động sản, Lâm học; 2 ngành đào tạo cao học gồm: Quản lý kinh tế, Khoa học Cây trồng, được tuyển sinh 2 đợt vào tháng 5 và 11 hàng năm.

“Nhiều năm qua, nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ giảng viên; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo, mở rộng học thực hành tại doanh nghiệp cho sinh viên. Đồng thời, tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng nhằm đảm bảo đầu ra cho người học; lựa chọn đào tạo những ngành nghề đang thiếu lao động.

Nhờ đó, 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng. Riêng ngành Nông học và Thú y không đáp ứng đủ số lượng lao động theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp”-ông Bảo nói.

Bên cạnh các cơ sở giáo dục, một số doanh nghiệp cũng trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng. Ông Nguyễn Hồng Phong-Trưởng Phòng đào tạo Công ty TNHH Toyota Gia Lai-cho biết: “Trong quá trình làm việc, Công ty thành lập Phòng Đào tạo nhân lực với đội ngũ giảng dạy chuyên nghiệp. Khi nhân viên có tay nghề cao và kinh nghiệm làm việc sẽ được Công ty ưu tiên bồi dưỡng để trở thành những người quản lý. Với những công nhân mới vào làm việc sẽ được kỹ sư giỏi trực tiếp hướng dẫn, đào tạo thêm. Ngoài ra, Công ty còn tạo mọi điều kiện cho sinh viên học ở các trường nghề về thực tập”.

Cũng theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thời gian tới, để phát triển nguồn lao động có tay nghề cao, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các giải pháp gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp về giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đào tạo nghề với xây dựng chính sách ưu đãi về học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động.

Sinh viên Trường Cao đẳng Gia Lai học nghề chế biến nước giải khát. Ảnh. Đ.Y

Sinh viên Trường Cao đẳng Gia Lai học nghề chế biến nước giải khát. Ảnh. Đ.Y

“Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, đào tạo có địa chỉ theo nhu cầu doanh nghiệp để thu hút lao động tại chỗ. Đồng thời, Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động phân tích, dự báo nhu cầu, thông tin thị trường lao động về nguồn nhân lực, cung ứng việc làm và nhu cầu đào tạo.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục, đẩy mạnh định hướng phân luồng học sinh sau bậc THCS; định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT; chú trọng định hướng, đào tạo các ngành nghề phát triển trong tương lai của kỷ nguyên số, công nghiệp 4.0, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng nghề mới (tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin…) để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh”-bà Rcom Sa Duyên thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm