Cuộc thi viết về chủ đề "Thành phố Pleiku: Bản sắc và Hiện đại"

Nhà rông phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những mái nhà rông ở phố núi Pleiku không chỉ là niềm tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương mà còn là điểm đến yêu thích của nhiều du khách.

Nói về 2 ngôi nhà rông của làng mình, ông Hmrik (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ) chia sẻ: Vì làng đông dân nên thường phải chia làm đôi để triển khai các hoạt động của làng tại 2 nhà rông này. Đây không chỉ là nơi để dân làng, nhất là lớp trẻ hiểu thêm về nguồn cội, từ đó góp sức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình mà còn là điểm dừng chân của du khách. Bà con rất tự hào khi có 2 ngôi nhà rông này.

Nhà rông làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku. Ảnh: T.D
Nhà rông làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku. Ảnh: T.D

Tương tự, già Siu Núi (làng Ốp, phường Hoa Lư) cũng không giấu được niềm tự hào khi nói về ngôi nhà rông của làng mình. Theo già Siu Núi, nhà rông được xem là linh hồn của buôn làng. Từ khi lập làng, các bậc tiền nhân đã chọn một khoảng đất trống, rộng rãi giữa làng để dựng nhà rông. Khi làm nhà rông, mỗi gia đình đều góp công sức để hoàn thiện.

“Ngôi nhà rông của làng được làm cách đây hơn 20 năm. Để có ngôi nhà rông to đẹp như vậy, làng đã được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí và huy động thêm sự đóng góp của người dân. Nhìn tổng thể, nhà rông rất mạnh mẽ và thanh thoát, thuộc loại to nhất nhì ở thành phố. Mái nhà như lưỡi rìu chĩa thẳng vào không trung, rất nổi bật khi nhìn từ xa. Vào dịp lễ, Tết, bà con thường tập trung về đây để cùng chung vui”-già Núi tâm sự.

Ông Dương Ngọc Anh-Phó Chủ tịch UBND phường Hoa Lư-cho biết: Nhà rông làng Ốp được làm từ năm 2001 và đã qua 2 lần tu sửa. Điểm khác biệt của nhà rông làng Ốp với các làng khác là mái lợp tranh, cột và vách đều bằng gỗ. Nhà rông được thiết kế theo đúng nguyên bản nhà rông mà trước đây người Jrai dựng ở các làng.

Trong 2 năm (2019-2020), nơi đây thu hút rất đông khách du lịch. Sau dịch Covid-19, hoạt động du lịch, tham quan được phục hồi. Phường đang triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng tại làng Ốp và triển khai hoạt động truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ.

Tới đây, phường sẽ phối hợp với cơ sở dạy nghề triển khai hướng dẫn các tour du lịch giả định cho bà con làng Ốp. Phường cũng đang xây dựng phương án trình cấp trên phê duyệt kinh phí duy tu, sửa chữa những phần hư hỏng của nhà rông để thành điểm du lịch.

Nhà rông làng Ia Nueng, xã Biển Hồ. Ảnh: Phạm Ngọc

Nhà rông làng Ia Nueng, xã Biển Hồ. Ảnh: Phạm Ngọc

Còn theo bà Đinh Thị Hoa-Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ: Dù ít nhiều ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa nhưng làng Ia Nueng vẫn còn nét mộc mạc, hoang sơ và lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống. Làng Ia Nueng còn 6 nhà sàn truyền thống, 2 nhà rông cùng với cụm cây đa hàng trăm năm tuổi. Nhiều gia đình vẫn giữ được một số nghề truyền thống như: đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm. Đặc biệt, các nhà rông ở làng Ia Nueng được làm theo kiến trúc truyền thống của người Jrai. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động chung của cả làng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: Trên địa bàn thành phố có nhiều nhà rông, trong đó có 4-5 nhà rông được làm theo nguyên bản nhà truyền thống. Những ngôi nhà rông này điểm xuyết cho một thành phố với kiến trúc hiện đại đi liền với bảo tồn kiến trúc truyền thống.

Ủy ban nhân dân TP. Pleiku đã giao phòng chức năng khảo sát để chọn địa điểm làm nhà rông có quy mô lớn nhất Tây Nguyên. Mục đích là tạo điểm nhấn cho thành phố về nét đặc trưng của dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn và góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm