Sức khỏe

Chư Prông tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 24-1, đoàn kiểm tra liên ngành đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 của tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP huyện Chư Prông.

Trước khi làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP huyện Chư Prông, đoàn kiểm tra liên ngành đảm bảo ATTP của tỉnh đã làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP xã Ia Băng.

Khó kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm

Thông tin tình hình ATTP trên địa bàn huyện Chư Prông, ông Ksor Việt-Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP huyện Chư Prông cho biết: Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP huyện đã được kiện toàn theo Quyết định số 1908/QĐ-UBND ngày 9-9-2021 của UBND huyện và Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP huyện đã ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP theo Quyết định số 865/QĐ-BCĐLNATTP ngày 5-11-2019. Hiện có 20/20 xã, thị trấn đã kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP và ban hành Quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP.

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn kiểm tra liên ngành đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 của tỉnh với Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP huyện Chư Prông. Ảnh: Như Nguyện

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn kiểm tra liên ngành đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 của tỉnh với Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP huyện Chư Prông. Ảnh: Như Nguyện

Toàn huyện có 1.160 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Tại địa bàn huyện chưa có cơ sở giết mổ tập trung, hiện có 26 cơ sở giết mổ gia súc đang hoạt động ở địa bàn 4 xã: Ia Drang, Ia Lâu, Ia Piơr, thị trấn Chư Prông; trong đó 4 cơ sở giết mổ trâu, bò công suất trung bình 4 con/ngày; 22 cơ sở giết mổ lợn công suất trung bình 29 con/ngày và các quầy sạp bán lẻ gia cầm sống tại chợ, việc giết mổ tại chỗ không nhiều mà chỉ phục vụ theo nhu cầu của số ít khách hàng.

Đa số những điểm giết mổ hiện nay nhỏ lẻ, nằm rải rác ở các chợ thuộc các xã, nằm xen kẽ trong khu dân cư, tổ dân phố gây khó khăn trong công tác quản lý, trong kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc giết mổ tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, nhiều cơ sở không được cơ quan thẩm quyền cấp phép hoạt động nên các cơ quan chuyên môn thú y không thể kiểm soát theo đúng quy định của Luật Thú y. Công tác đánh giá phân loại cơ sở giết mổ, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, quản lý, kiểm tra, kiểm soát trong giết mổ đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Số lượng cơ sở bán lẻ rượu được cấp phép tại huyện Chư Prông còn ít (hiện có 11 giấy phép bán lẻ rượu còn hiệu lực) do các cơ sở kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ, bán kèm tại cửa hàng tạp hóa, xen kẽ với nhiều hàng hóa khác.

Năm 2023, huyện chưa xảy ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm liên quan đến các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên còn ghi nhận tử vong do ngộ độc thịt cóc tại xã Ia Băng. Theo bà Trương Thị Thu Thuý-Quyền Chủ tịch UBND xã Ia Băng, năm 2023, xã xảy ra 1 vụ ngộ độc trứng cóc tại làng Klăh Băng với 3 người ăn, 2 người bị ngộ độc, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Địa phương đã tổ chức tuyên truyền về công tác đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, khuyến cáo người dân không nên sử dụng cóc làm thức ăn.

Cán bộ Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh và xã Ia Băng tuyên truyền đến người dân về đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, khuyến cáo người dân không nên sử dụng cóc làm thức ăn. Ảnh: Như Nguyện

Cán bộ Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh và xã Ia Băng tuyên truyền đến người dân về đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, khuyến cáo người dân không nên sử dụng cóc làm thức ăn. Ảnh: Như Nguyện

Tăng cường kiểm tra ATTP

Ông Ksor Việt cho biết: Năm 2023, thực hiện các kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, huyện Chư Prông đã ban hành các kế hoạch kiểm tra ATTP vào các dịp cao điểm. Huyện đã thành lập 57 đoàn kiểm tra liên ngành từ huyện đến cơ sở tiến hành kiểm tra 731 cơ sở. Qua kiểm tra phát hiện 10 cơ sở vi phạm, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 20.450.000 đồng. Số cơ sở vi phạm không xử lý là 90 cơ sở (vi phạm chủ yếu là hàng hết hạn sử dụng với nhiều chủng loại sản phẩm; hình thức xử lý vi phạm nhắc nhở và tiêu hủy sản phẩm tại chỗ).

Về việc triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, toàn huyện đã thành lập 21 đoàn kiểm tra, trong đó có 1 đoàn kiểm tra tuyến huyện và 20 đoàn kiểm tra tuyến xã.

Tại buổi làm việc, ông Ksor Việt kiến nghị Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, các sở, ngành thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm để giúp công chức, viên chức của ngành Y tế, Nông nghiệp, Công thương của huyện đang thực hiện nhiệm vụ an toàn thực phẩm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được phân công.

Ông Đỗ Tấn Thạnh (người đứng)- Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 của tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP xã Ia Băng. Ảnh: Như Nguyện

Ông Đỗ Tấn Thạnh (người đứng)- Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 của tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP xã Ia Băng. Ảnh: Như Nguyện

Kết luận tại buổi làm việc, ông Đỗ Tấn Thạnh-Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 của tỉnh ghi nhận những kết quả trong công tác đảm bảo ATTP của huyện Chư Prông. Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tồn tại; tổ chức rà soát, thống kê lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện theo ngành và phân cấp quản lý; hướng dẫn và đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ký cam kết đảm bảo ATTP theo quy định.

Đề nghị Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP huyện Chư Prông tăng cường công tác kiểm tra ATTP, đặc biệt là trong các đợt cao điểm trong năm. Quá trình kiểm tra nếu phát hiện vi phạm về ATTP, đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo các quy định hiện hành. Tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, người tiêu dùng thực phẩm biết sử dụng thực phẩm an toàn, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo điều kiện ATTP, khuyến cáo người dân không chế biến thịt cóc để ăn; thường xuyên công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng kinh doanh thực phẩm lưu động trên địa bàn huyện, đặc biệt là các mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán. Thường xuyên tổ chức tập huấn, kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về ATTP tại các xã, thị trấn góp phần triển khai hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm