Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Prông tập trung phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở nhiều lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ nhằm hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập.

Mặc dù trời mưa nhưng ông Trịnh Văn Trung (thôn Thanh Bình, xã Ia Drang) vẫn ra vườn cắt tỉa bớt cành lá cà phê để tạo sự thông thoáng, hạn chế bệnh nấm hồng lây lan ra diện rộng. Chỉ tay vào các cây cà phê bị bệnh, ông Trung cho biết: Nếu không ngăn chặn kịp thời thì bệnh nấm hồng sẽ lây lan gây rụng lá, thối quả.

Cũng theo ông Trung, những năm gần đây, nhờ được tham gia nhiều lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, ông đã nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho vườn cây. Bên cạnh đó, ông cũng sử dụng giống cà phê mới có khả năng kháng bệnh cao để tái canh gần 3,5 ha, trong đó có 1 ha được xã hỗ trợ trồng theo hướng VietGAP. Giống cà phê mới ít bị sâu bệnh, năng suất đạt 3,5 tấn nhân/ha, cao hơn giống cũ 0,5 tấn/ha.

Nhờ tham gia các lớp tập huấn, ông Trịnh Văn Trung (thôn Thanh Bình, xã Ia Drang) có thêm kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Ảnh: N.H

Nhờ tham gia các lớp tập huấn, ông Trịnh Văn Trung (thôn Thanh Bình, xã Ia Drang) có thêm kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Ảnh: N.H

Cũng nhờ tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, bà Hoàng Thị Thúy (thôn An Hòa, xã Ia Drang) có thêm kinh nghiệm chăm sóc vườn cây. Bà Thúy cho biết: Gia đình bà có 4 ha cà phê, 2 ha hồ tiêu và sầu riêng. Tháng 2 vừa rồi, khoảng 2 ha cà phê bị bệnh rệp sáp trắng, rệp vảy xanh. Từ kinh nghiệm học được, bà lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng để xử lý.

“Ngoài áp dụng các kỹ thuật mới vào chăm sóc cây trồng, tôi cũng đưa giống mới để tái canh nên năng suất đạt cao hơn, bình quân 4-4,5 tấn nhân/năm, cao hơn giống cũ 0,5-1 tấn/ha”-bà Thúy thông tin.

Ông Ngô Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Drang-cho hay: Toàn xã có 1.582 ha cây trồng các loại, trong đó, chủ lực là cà phê (865 ha) và hồ tiêu (154 ha). Hàng năm, UBND xã phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức 13-14 lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, tham quan vườn cây để người dân học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc cây trồng. Xã cũng vận động người dân đưa các giống mới có khả năng kháng bệnh vào canh tác; cử cán bộ nông nghiệp thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân cách phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng. Nhờ đó, các loại sâu bệnh trên cây trồng được phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.

Những năm gần đây, vườn cà phê của bà Thúy phát triển tốt và cho năng suất cao nhờ áp dụng giống mới và các kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh phù hợp. Ảnh: N.H

Những năm gần đây, vườn cà phê của bà Thúy phát triển tốt và cho năng suất cao nhờ áp dụng giống mới và các kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh phù hợp. Ảnh: N.H

Xã Ia Lâu có hơn 1.520 ha lúa, 1.200 ha mì, 679 ha điều, 250 ha bắp, hơn 400 ha đậu và rau màu các loại. Bên cạnh việc tổ chức các lớp tập huấn, xã cũng căn cứ vào văn bản hướng dẫn hàng tháng, hàng quý của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để phổ biến cho người dân cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng.

Bà Võ Thị Hằng Nga-Cán bộ Nông nghiệp xã-cho biết: Mỗi tuần 1 lần, xã cử cán bộ đi kiểm tra các loại cây trồng nên kịp thời hướng dẫn người dân cách phòng trừ, xử lý sâu bệnh. Nhờ đó, 3 năm qua, cây mì không còn xuất hiện bệnh khảm lá, cây lúa chỉ xuất hiện bệnh rầy nâu với diện tích nhỏ, cây bắp cũng hạn chế được sâu keo gây hại.

Theo ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện: Toàn huyện có 31.554 ha cao su, gần 14.750 ha cà phê, gần 5.600 điều, hơn 1.700 ha hồ tiêu, 5.300 ha mì, 2.300 ha lúa và một số diện tích rau màu.

Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên phối hợp với các phòng, ban liên quan và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở rộng áp dụng chương trình quản lý dinh dưỡng (ICM) và dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong chăm sóc cây trồng để giảm chi phí, hạn chế dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.

Vào các ngày từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cử cán bộ trực tiếp kiểm tra tình hình phát triển cây trồng. Hàng tháng, Trung tâm tổng hợp tình hình dịch bệnh, ra văn bản hướng dẫn để các xã, thị trấn hỗ trợ người dân phòng trừ, xử lý.

“Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tình hình sâu bệnh gây hại trên cây trồng những năm gần đây cơ bản được xử lý tốt. Ngoài ra, việc áp dụng các loại giống mới cũng giúp người dân nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập”-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khẳng định.

Có thể bạn quan tâm