Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Chư Prông ưu tiên làm đường giao thông nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, người dân đi lại thuận tiện và hàng hóa lưu thông thông suốt.

Hơn 2 năm qua, kể từ khi con đường đi ra khu sản xuất được bê tông hóa, người dân làng Nẻh Xo (xã Ia Tôr) đã không còn lo lắng khi mùa mưa đến. Chỉ tay về phía con đường, anh Kpuih Vương phấn khởi cho hay: “Ngày trước, con đường này là đường đất. Mỗi khi trời mưa, đường lầy lội, trơn trượt rất khó đi. Từ khi con đường được bê tông hóa, việc đi lại của người dân thuận tiện hơn rất nhiều”. Còn bà Kpuih Hạnh-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nẻh Xo thì cho hay: Con đường dẫn ra khu sản xuất của làng dài khoảng 1 km, trước đây chỉ rộng khoảng 3 m. Hiện nay, con đường được mở rộng lên 6 m nên người dân rất phấn khởi.

Tương tự, người dân làng Blu (xã Ia Tôr) cũng rất phấn khởi khi con đường nội thôn dài 400 m vừa mới được bê tông hóa. Anh Siu Đức-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Blu-cho biết: “Làng Blu có 86 hộ, trong đó có 83 hộ người Jrai. Được huyện đầu tư làm đường vào khu sản xuất nên đời sống của bà con bớt khó khăn hơn. Đến nay, hệ thống đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 70%”.

Con đường dẫn ra khu sản xuất của làng Nẻh Xo (xã Ia Tôr) được bê tông hóa giúp việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân thuận lợi. Ảnh: N.H

Con đường dẫn ra khu sản xuất của làng Nẻh Xo (xã Ia Tôr) được bê tông hóa giúp việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân thuận lợi. Ảnh: N.H

Ông Bùi Văn Cường-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tôr-cho hay: Từ nguồn vốn của Nhà nước, từ năm 2018 đến nay, xã được đầu tư xây dựng, sửa chữa 13 công trình, trong đó có 9 công trình đường giao thông nông thôn. Các công trình giao thông được đầu tư đã giúp cho việc đi lại và vận chuyển nông sản thuận lợi hơn. Hiện toàn xã chỉ còn 101 hộ nghèo, 116 hộ cận nghèo.

Tương tự, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2016 đến nay, xã Ia Lâu được đầu tư xây dựng và sửa chữa 16 công trình hạ tầng, trong đó có 12 công trình đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí đầu tư 7,472 tỷ đồng. Chủ tịch UBND xã Lê Thành Công thông tin: Toàn xã có 2.196 hộ/10.069 khẩu, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 92%. Khi được Nhà nước quan tâm đầu tư làm đường giao thông nông thôn, người dân chủ động hiến đất, đóng góp hơn 3,44 tỷ đồng để hoàn thành các công trình. “Việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông giúp cho việc đi lại, sinh hoạt, sản xuất của người dân thuận tiện hơn; đồng thời, làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”-Chủ tịch UBND xã Ia Lâu khẳng định.

Trao đổi với P.V, ông Trương Quang Bảo-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Prông-cho hay: Toàn huyện có 146 thôn, làng, tổ dân phố; trong đó có 98 thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 39 thôn, làng đặc biệt khó khăn. Do đó, huyện tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ưu tiên đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn. Trong đó, chú trọng đầu tư về hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, đặc biệt là hạ tầng giao thông nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản, kết nối giao thương.

Giai đoạn 2016-2022, huyện đã đầu tư trên 391,996 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hơn 243,824 km đường giao thông và các công trình cầu, cống. Nhờ đó, toàn huyện có 94,9 km đường huyện được nhựa hóa, bê tông hóa (chiếm 60,67%); 280,93 km đường trục xã được nhựa hóa, bê tông hóa (chiếm 96%); 230,85 km đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa (chiếm 89%); 245 km đường ngõ, xóm được cứng hóa (chiếm 69%); 267,71 km đường trục chính nội đồng được cứng hóa (chiếm 63%).

“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cứng hóa hệ thống đường liên xã, liên xóm và kết nối các xã trên địa bàn huyện với nhau. Huyện cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm, tiếp tục phân bổ kinh phí hỗ trợ cho địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý bảo trì, sửa chữa các công trình giao thông nhằm đảm bảo thuận tiện, an toàn cho người dân đi lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm