Bạn đọc

Chư Pưh: Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhằm nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công, huyện Chư Pưh, Gia Lai đang áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong cải cách thủ tục hành chính.

Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, đến nay, huyện Chư Pưh đã hoàn thiện việc xây dựng và đưa vào áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 tại 9/9 xã, thị trấn để nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính. Ông Nguyễn Văn Hạ-Trưởng phòng Nội vụ huyện, cho biết: Bước đầu, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia đã giúp cán bộ, công chức giải quyết công việc thông suốt, kịp thời và hiệu quả. “Chỉ một vài xã do chưa cập nhật thường xuyên, kịp thời một số thủ tục hành chính mới ban hành nên đôi lúc còn lúng túng trong việc áp dụng”-ông Hạ cho biết.

 

Tiếp nhận và trả hồ sơ tại bộ phận một cửa huyện Chư Pưh. Ảnh: L.V.N
Tiếp nhận và trả hồ sơ tại bộ phận một cửa huyện Chư Pưh. Ảnh: L.V.N

Trong số 9 xã, thị trấn trên địa bàn, UBND thị trấn Nhơn Hòa được UBND huyện đánh giá cao về việc áp dụng ISO 9001:2008. Chia sẻ kết quả sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa Nguyễn Hữu Dương cho biết: “Việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 giúp giảm đáng kể thời gian đi lại và chi phí cho các cá nhân, tổ chức đến giao dịch, mức độ hài lòng của công dân cũng tăng cao so với trước. Qua đó, công dân còn có thể giám sát tính công khai, minh bạch đối với các loại thủ tục, giám sát cách thức giải quyết hồ sơ của cán bộ, công chức. Điều này tạo ra môi trường có tính chuyên nghiệp hơn, thân thiện hơn”.

Được biết, hơn 1 năm trước, khi mới bắt đầu triển khai ISO 9001:2008, nhiều cán bộ, công chức, nhất là cán bộ ở cấp xã, vẫn còn lúng túng và chỉ dừng lại ở việc giải quyết thủ tục giấy tờ, hồ sơ; thực hiện việc ghi chép, lưu trữ từ bộ phận văn phòng. Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nói trên trong cải cách thủ tục hành chính, Ban Chỉ đạo ISO huyện đã chú trọng đến công tác đào tạo để nâng cao nhận thức của từng cán bộ, chuyên viên; tổ chức nhiều lớp đào tạo với nhiều đối tượng cho nhiều cấp quản lý tương ứng với tài liệu tổng thể để các kiến thức tới đúng người, đúng việc. Ngoài ra, các đơn vị cấp xã cũng chủ động, nỗ lực học tập, hỗ trợ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình triển khai và áp dụng ISO 9001:2008.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo ISO huyện, đến nay vẫn còn một số xã chưa xây dựng đầy đủ những lĩnh vực thường xuyên phát sinh hồ sơ, như: môi trường-đất đai; nông-lâm nghiệp; lao động-thương binh và xã hội; khiếu nại-tố cáo; tư pháp-hộ tịch. Lý giải về vấn đề này, Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết: Ở cấp xã hiện vẫn còn một số cán bộ có trình độ năng lực chuyên môn hạn chế nên khả năng tiếp cận còn chậm; thậm chí có cán bộ, công chức chưa hiểu ISO là gì dẫn đến tình trạng xây dựng xong hệ thống quản lý chất lượng nhưng không vận hành.

Bên cạnh đó, một lý do khách quan là văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên thay đổi nên cán bộ, chuyên viên cấp xã chưa cập nhật kịp thời. “Để nâng cao hiệu quả triển khai và áp dụng, ngày 18-4-2018, Ban Chỉ đạo ISO huyện đã đề nghị Chủ tịch UBND huyện kiểm điểm Chủ tịch UBND các xã: Ia Phang, Ia Blứ, Ia Hrú do thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo triển khai thực hiện, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008”-ông Hạ nhấn mạnh.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm