(GLO)- Chính quyền, ngành chức năng huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) luôn chú trọng triển khai các hoạt động quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Do vậy, hoạt động khai thác khoáng sản đã dần đi vào nền nếp, tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Chư Pưh là địa phương có nhiều tài nguyên khoáng sản như: đá, cát, đất… Trong đó, chiếm số lượng lớn nhất là các loại đá làm vật liệu xây dựng. Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, trên địa bàn hiện có 6 doanh nghiệp, đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản.
Cụ thể, Công ty TNHH Sản xuất đá granite Hồng khai thác đá granite ở xã Ia Phang; Công ty TNHH Bách Long 1 khai thác đá fluorit ở xã Ia Le; Công ty TNHH một thành viên Duy Nhất, Công ty TNHH một thành viên Loan Duy Nhất, Công ty cổ phần Đá Chư Pưh Trang Đức, Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Đức Sang Gia Lai khai thác đá xây dựng ở xã Ia Le, Ia Hrú và thị trấn Nhơn Hòa.
Công nhân khai thác đá tại mỏ đá của Công ty TNHH một thành viên Loan Duy Nhất (huyện Chư Pưh). Ảnh: Thiên Di |
Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra định kỳ; đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra theo kế hoạch, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các doanh nghiệp vi phạm. Nhờ đó, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về tài nguyên khoáng sản và môi trường. Các công ty được cấp phép tổ chức khai thác khoáng sản theo đúng tọa độ, ranh giới được giao; đầu tư kinh phí mua sắm máy móc hiện đại phục vụ hoạt động khai thác nhằm nâng cao năng suất và giảm thiểu tác động tới môi trường, người dân sinh sống xung quanh mỏ.
Bà Võ Thị Kim Loan-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Loan Duy Nhất-cho biết: “Công ty được cấp phép khai thác đá xây dựng tại cánh đồng làng Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa. Chúng tôi thực hiện theo quy định của ngành chức năng trong quá trình khai thác đá. Nếu có thiếu sót, hạn chế mà lực lượng chức năng kiểm tra nhắc nhở, chúng tôi đều điều chỉnh cho phù hợp. Công ty cũng đầu tư kinh phí mua sắm máy móc hiện đại thay thế máy cũ để giảm thiểu tác động tới môi trường và người dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên rải đá, sửa chữa các con đường giao thông dẫn từ mỏ ra quốc lộ 14 để không ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của người dân”.
Bên cạnh đó, huyện Chư Pưh cũng chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn và các phòng chuyên môn phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra bảo vệ khu vực khoáng sản chưa khai thác.
Ông Lê Việt Hưng-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện-cho hay: “Từ đầu năm 2020 đến nay, chúng tôi phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức hơn 100 lượt kiểm tra bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Xã Ia Le và Ia Blứ được chúng tôi kiểm tra nhiều vì thường trực nguy cơ khai thác khoáng sản trái phép, nhất là việc khai thác cát xây dựng trên suối Ea Hleo, đoạn tiếp giáp giữa xã Ia Le với huyện Ea Hleo, tỉnh Đak Lak. Nhờ vậy, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện đã được kéo giảm”.
Các công ty được cấp phép khai thác khoáng sản ở huyện Chư Pưh đầu tư mua sắm máy móc hiện đại để tăng năng suất, giảm thiểu tác động với môi trường. Ảnh: Thiên Di |
Mặt khác, phòng chức năng và các địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên khoáng sản; tố giác hành vi khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản trái phép. Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm 2020 đến nay, cơ quan chức năng huyện đã phát hiện 2 vụ khai thác khoáng sản trái phép và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 22 triệu đồng, giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2019.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh cho biết thêm: “Thời gian tới, ngoài việc phối hợp với Công an huyện, UBND các xã, thị trấn để kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác khoáng sản ở các mỏ và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, chúng tôi tiếp tục triển khai vận động người dân ký cam kết không khai thác khoáng sản trái phép. Phòng cũng phối hợp với các xã, thị trấn lồng ghép tuyên truyền các quy định về khai thác khoáng sản tại các buổi sinh hoạt thôn, làng. Chúng tôi cũng sẽ chú trọng hơn ở 2 xã Ia Le và Ia Blứ với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khai thác cát làm vật liệu xây dựng”.
THIÊN DI