Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Pưh đẩy mạnh giao khoán quản lý, bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, đồng thời, đẩy mạnh giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho người dân được hưởng lợi.
Chư Pưh hiện có hơn 10.284 ha rừng và hơn 10.847 ha đất rừng. Phần lớn rừng và đất rừng nằm trên địa hình phức tạp, giáp ranh với nhiều địa phương, đặc biệt có nhiều tuyến đường giao thông đi lại giữa các vùng nên công tác quản lý, bảo vệ gặp không ít khó khăn. Trước thực tế đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ rừng. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 15 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, chủ yếu là tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép, giảm 8 vụ so với cùng kỳ năm ngoái.
Người dân xã Ia Blứ nhận khoán trồng rừng gỗ lớn trên đất trống đồi trọc. Ảnh: Nguyễn Diệp
Người dân xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) nhận khoán trồng rừng gỗ lớn trên đất trống đồi trọc. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Trần Hoàng-Chủ tịch UBND xã Ia Phang-cho hay: Trên địa bàn xã có khoảng 2.035 ha rừng, chủ yếu là rừng nghèo kiệt nằm trên địa hình hiểm trở, giáp ranh với huyện Phú Thiện và Chư Sê. Mới đây, qua công tác tuần tra, tổ nhận khoán bảo vệ rừng làng Ia Ke phát hiện ông Y Bur (thị trấn Nhơn Hòa) lén lút phát dọn khu đất canh tác cũ với diện tích đất rừng thiệt hại gần 1 sào. Qua tuyên truyền, vận động, ông Y Bur đã cam kết không xâm lấn đất rừng nữa.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Ia Phang, từ năm 2014, xã giao khoán cho 47 hộ đồng bào dân tộc thiểu số làng Ia Ke quản lý, bảo vệ 500 ha rừng. Đến năm 2020, xã tiếp tục xây dựng đề án giao 1.000 ha rừng cho 43 hộ ở 3 làng Ia Ke, Briêng và Chư Pố 2. Nhờ đó, người dân đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ xâm lấn đất rừng.
Lực lượng kiểm lâm huyện cùng hộ nhận khoán cùng kiểm tra rừng
Lực lượng kiểm lâm huyện cùng hộ nhận khoán tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành và chính quyền địa phương, những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã chuyển biến rõ rệt. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nhất là các công ty được UBND tỉnh giao đất trồng cao su, nhưng không trồng hoặc trồng kém hiệu quả, hạn chế tối đa người dân xâm lấn đất rừng. Đặc biệt, UBND huyện chỉ đạo các xã đẩy mạnh giao khoán bảo vệ rừng cho người dân quản lý nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền giao khoán rừng, đất rừng cho người dân khoanh nuôi, tái sinh và bảo vệ. Đây là giải pháp căn cơ để người dân phát hiện và ngăn chặn kịp thời những vụ vi phạm tài nguyên rừng, góp phần nâng cao độ che phủ rừng”-ông Tứ cho biết thêm.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm