(GLO)- Những năm qua, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) triển khai rất hiệu quả các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa người dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo đảm tiêu thụ với giá ổn định cho người dân.
Năm 2020, ông Ksor Sương (làng Kênh Hmek, xã Ia Le) tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dê Bách Thảo an toàn của HTX Vinh Phát. Với 4 con dê giống ban đầu, đến nay, gia đình ông đã phát triển được 21 con. Ông Sương cho biết: Năm 2020, ông vay Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 30 triệu đồng để mua dê giống và làm chuồng trại. Ông được HTX hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng, trồng cỏ, chế biến thức ăn, cách chăm sóc đàn dê. “Đến nay, tôi đã bán được 6 con dê thịt cho HTX, lãi gần 20 triệu đồng. Khi tham gia chuỗi liên kết với HTX, tôi không lo đầu ra sản phẩm và giá cả. Ngoài ra, lúc nào cần tiền thì tôi bán được ngay”-ông Sương vui vẻ nói.
Hợp tác xã Vinh Phát đang liên kết với 30 hộ dân xã Ia Le nuôi 1.000 con dê Bách Thảo. Sau khi có sản phẩm, HTX thu mua cho bà con với giá cao hơn so với thị trường. Ông Trương Viết Thảo-Phó Giám đốc HTX-cho biết: Ngoài việc cung cấp giống đảm bảo chất lượng và thu mua sản phẩm của bà con, HTX còn hướng dẫn làm chuồng trại hợp lý, cách chăm sóc và trồng cỏ để có thức ăn tươi, vừa ủ chua dự trữ cho mùa khô. Dê rất phù hợp với điều kiện khí hậu ở đây, không bị dịch bệnh và cho chất lượng thịt tốt. Sau 6-8 tháng nuôi, dê đạt trọng lượng từ 30 kg trở lên thì xuất bán. “Riêng gia đình tôi nuôi khoảng 250 con dê. Mỗi tháng, tôi xuất bán 10-20 cặp với giá 110-120 ngàn đồng/kg, lãi 20-25 triệu đồng”-ông Thảo chia sẻ.
Ông Trương Viết Thảo-Phó Giám đốc HTX Vinh Phát cho dê ăn. Ảnh: Lê Nam |
Còn ông Võ Ngọc Giàu-Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất kinh doanh nông lâm nghiệp Long Hưng thì cho hay: Từ năm 2019 đến nay, HTX đã liên kết với gần 200 hộ dân xã Ia Phang sản xuất giống lúa ML48 và J02. Chúng tôi hỗ trợ 70% giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá 7.500 đồng/kg. Mô hình giúp người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất. Năng suất lúa bình quân đạt khoảng 6,5-7 tấn/ha. Mỗi héc ta người dân lãi trên 25 triệu đồng, cao hơn 10 triệu đồng so với trước đây. “Năm 2021, sản phẩm gạo chất lượng cao J02 đã đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh”-ông Giàu thông tin.
Từ năm 2019 đến nay, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Chư Pưh đã triển khai thực hiện được các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gồm: mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm mít Thái an toàn do HTX nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong) liên kết với 9 hộ dân; trồng dâu nuôi tằm do các tổ liên kết làm đầu mối thu mua của 50 hộ dân ở các xã: Ia Le, Ia Blứ, Ia Phang, Chư Don, Ia Rong và thị trấn Nhơn Hòa bán cho doanh nghiệp; trồng măng tây tại thị trấn Nhơn Hòa với 10 hộ tham gia tổ hợp tác; sản xuất tiêu thụ gạo chất lượng cao J02 với 140 hộ dân liên kết với HTX dịch vụ sản xuất kinh doanh nông lâm nghiệp Long Hưng (xã Ia Phang); sản xuất tiêu thụ sản phẩm nghệ sạch có 30 hộ dân liên kết với Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai; trồng nhãn hương chi có 215 hộ liên kết với HTX nông lâm nghiệp dịch vụ Trường Xuân (huyện Ea Kar, tỉnh Đak Lak); chuỗi tiêu thụ sản phẩm sầu riêng hữu cơ an toàn do HTX nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ) liên kết với 18 hộ dân; chuỗi tiêu thụ chanh dây do HTX Thành Đạt (xã Ia Hla) liên kết với 140 hộ dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho Công ty Nafoods Tây Nguyên-Chi nhánh Gia Lai; sản xuất hồ tiêu bền vững do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Trường Thịnh-Olam liên kết với 278 hộ dân... Tổng kinh phí của chương trình lên đến hơn 3,86 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hơn 3,52 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 341 triệu đồng và hơn 58 triệu đồng do người dân đóng góp.
Mô hình trồng sầu riêng của thành viên HTX nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lê Nam |
Nói về hướng đi trong thời gian tới, ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, huyện tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn, phù hợp lợi thế địa phương, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý để sản xuất bền vững, xây dựng sản phẩm đặc trưng, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích.
LÊ NAM