Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Pưh nâng tầm thương phẩm dê thịt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi cây hồ tiêu bị dịch bệnh chết và giá xuống thấp, nhiều hộ dân ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) lâm vào cảnh khó khăn. Để lấy ngắn nuôi dài, nhiều hộ chuyển sang chăn nuôi dê. Trước sự phát triển của nghề nuôi dê, huyện đang tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu dê thịt Chư Pưh.

Thu nhập ổn định

Ông Huỳnh Ngọc Công (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa) cho hay: “Những năm trước, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào cây hồ tiêu. Năm 2015, cây hồ tiêu bị bệnh chết, cuộc sống gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Khi vốn liếng chỉ còn 12 triệu đồng, tôi mua 6 con dê Bách Thảo về nuôi. Sau 6 tháng, đàn dê bắt đầu sinh sản. Lúc này, tôi bán dê thịt với giá 100 ngàn đồng/kg hơi, sau đó giá tăng dần và ổn định. Từ đó, tôi chọn chăn nuôi dê để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, đàn dê của gia đình lên đến 40 con, chưa kể liên kết với một số hộ dân xã Chư Don cùng nuôi khoảng 200 con, thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/năm”.

Trang trại dê của ông Trương Viết Thảo ở thôn Phú Hòa (xã Ia Le). Ảnh: Nguyễn Diệp
Trang trại nuôi dê của ông Trương Viết Thảo ở thôn Phú Hòa (xã Ia Le, huyện Chư Pưh). Ảnh: Nguyễn Diệp


Trước đây, Ia Le là một trong những xã trồng nhiều hồ tiêu ở huyện Chư Pưh. Sau khi cây hồ tiêu chết, người dân chuyển qua nuôi dê. Hiện xã này có đàn dê lớn nhất huyện. Ông Trương Viết Thảo-Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vinh Phát (thôn Phú Hòa, xã Ia Le) cho biết: “Hiện 22 thành viên của HTX đang chăn nuôi khoảng 600 con dê. Bên cạnh đó, chúng tôi còn liên kết với 40 hộ nuôi dê tại xã Ia Phang để cung cấp con giống, nguồn thức ăn; đồng thời đứng ra thu mua toàn bộ dê thịt cho các hộ với giá ổn định. Trước khi dịch Covid-19 tái bùng phát, mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường các tỉnh, thành phố: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế và Hà Nội khoảng 15-20 con dê thịt với giá 130-140 ngàn đồng/kg hơi”.

Theo ông Đỗ Văn Đặng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Le, nuôi dê ít bị dịch bệnh hơn các loại vật nuôi khác. Cùng với đó, người dân tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, thị trường tiêu thụ thịt dê ổn định. Hiện nay, đàn dê của xã lên đến 8.000 con. Người dân bắt đầu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để lai cải tạo đàn dê nhằm mục đích nâng cao năng suất và chất lượng. Đây là bước đột phá giúp nhiều hộ có nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi dê.

Xây dựng thương hiệu dê thịt

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pưh, giai đoạn 2010-2015, toàn huyện chỉ có khoảng 2.510 con dê. Từ năm 2016 đến nay, đàn dê phát triển mạnh với khoảng 24.930 con. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nuôi dê, huyện đang xây dựng kế hoạch phát triển đàn dê theo hướng bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030. Theo đó, giải pháp chủ yếu là phòng-chống dịch bệnh, đầu tư nâng cao chất lượng đàn dê, hình thành cơ sở giết mổ tập trung, chăn nuôi an toàn sinh học… hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu dê thịt Chư Pưh.

Ông Đỗ Văn Đặng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Le. Ảnh: Nguyễn Diệp
Theo ông Đỗ Văn Đặng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Le, hiện đàn dê của xã lên đến 8.000 con. Ảnh: Nguyễn Diệp


Phó Giám đốc HTX Vinh Phát thông tin: “Hiện nay, HTX đang lập dự án xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm tại xã Ia Le. Trong đó, sản phẩm chủ lực là thịt dê sau chế biến để xây dựng thành sản phẩm đặc trưng của địa phương (OCOP), từng bước nâng tầm đưa vào chuỗi bán hàng ở các siêu thị để cung cấp đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình có cuộc sống ổn định nhờ nuôi dê. Ủy ban nhân dân huyện giao các HTX chế biến các sản phẩm thịt dê đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đưa vào các siêu thị. Đồng thời, huyện kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu giết mổ tập trung và đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP từ thịt dê.

“Trong điều kiện giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao, nông dân chuyển sang nuôi dê thương phẩm là tín hiệu đáng mừng. Những năm tới, huyện tập trung đầu tư hỗ trợ giống dê cỏ, xây dựng mô hình lai cải tạo đàn dê cho người dân học tập, ứng dụng; phấn đấu đến năm 2025, đàn dê của huyện đạt hơn 38.500 con. Mặt khác, huyện kêu gọi, khuyến khích và hỗ trợ các HTX, nông hội tham gia nuôi dê; từ đó, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu dê thịt Chư Pưh”-Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin thêm.

 

 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm