Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Pưh nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) có nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực được đánh giá cao về chất lượng như hồ tiêu, bơ, tinh bột nghệ, rượu đinh lăng, trà măng tây… Thời gian qua, huyện đã có nhiều giải pháp để mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước khẳng định thương hiệu nông sản địa phương.
Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Sau khi cây hồ tiêu chết hàng loạt, nhiều hộ dân địa phương đã chuyển đổi sang cây trồng khác, chủ yếu là cây ăn quả. Hiện nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện đã liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm với nông dân, hình thành các sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện còn hạn chế, thiếu bền vững. Để tìm được đầu ra ổn định cho nông sản, huyện đã có nhiều chương trình mời gọi, liên kết đầu tư từ các thị trường lớn trong cả nước.
Đặc biệt, vào đầu tháng 7 vừa qua, các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của huyện Chư Pưh đã được mời tham gia hội chợ tại TP. Đà Nẵng. Lãnh đạo huyện Chư Pưh cũng đã có buổi làm việc kết nối cung cầu với Sở Công thương, Trung tâm chợ đầu mối của Đà Nẵng. Đồng thời, đoàn chuyên gia của TP. Đà Nẵng cũng đã lên gặp gỡ nông dân huyện Chư Pưh, hướng dẫn tiếp cận thị trường, tổ chức tập huấn xây dựng sản phẩm nông sản chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường khu vực miền Trung.
Tại Hội chợ nông nghiệp Hòa Vang năm 2020 do TP. Đà Nẵng tổ chức, 10 hợp tác xã, doanh nghiệp của huyện Chư Pưh đã tham gia trưng bày, giới thiệu 25 sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP. Đặc biệt, nông sản của huyện Chư Pưh được ưu tiên đưa lên sàn giao dịch của TP. Đà Nẵng. Đồng thời, huyện kết nối các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu lớn của TP. Đà Nẵng với nông dân để chọn các sản phẩm như bơ, sầu riêng, măng tây… phân phối đến tay người tiêu dùng tại địa phương.
Sản phẩm hồ tiêu Chư Pưh tham gia tại Hội chợ nông nghiệp Hòa Vang (TP. Đà Nẵng). Ảnh: Ngọc Thu
Sản phẩm hồ tiêu Chư Pưh tham gia trưng bày tại Hội chợ nông nghiệp Hòa Vang (TP. Đà Nẵng). Ảnh: Ngọc Thu
Ông Võ Văn Khanh-Trưởng đại diện Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tại Đà Nẵng-nhận định: “Nhu cầu thị trường tiêu thụ nông sản sạch của người dân Đà Nẵng rất lớn. Do đó, những sản phẩm của huyện Chư Pưh đã tiếp cận với thị trường, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết sản xuất, tiêu thụ.  Đây là đợt tiếp xúc đầu tiên, vì vậy, huyện Chư Pưh cần có bước tiến tiếp theo để quan sát thị trường tiêu thụ nông sản nhằm điều chỉnh cho phù hợp các mặt hàng. Đồng thời, đưa các nông sản chất lượng xuống thị trường Đà Nẵng để làm quen”.
Ngoài ra, huyện Chư Pưh còn khuyến khích xây dựng hợp tác xã, mở lớp tập huấn chuẩn hóa sản phẩm và thực hiện các điều kiện xúc tiến thị trường tiêu thụ; đồng thời, chỉ ra các giải pháp bán hàng hiệu quả, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP. Từ đó, huyện định hướng các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, nhãn mác bao bì, hồ sơ pháp lý liên quan đến sản phẩm khi đưa vào các cửa hàng, siêu thị… Đồng thời, cập nhật kiến thức, đánh giá thực trạng của từng đơn vị để từ đó đưa ra những giải pháp hữu ích. Bên cạnh đó, huyện đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu hàng hóa, marketing và các doanh nghiệp phân phối sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP từ TP. Đà Nẵng để tập huấn, hướng dẫn nông dân.
Được hỗ trợ tham gia hội chợ tại Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Nhung (thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang) cho biết: “Đến với hội chợ, mình mang theo sản phẩm bơ sáp, bơ Cuba và bơ Trịnh Mười của Chư Pưh. Những loại bơ này có đặc tính cơm dày, vàng, vị béo, da xanh óng nên rất được khách hàng ưa chuộng. Nhờ tham gia hội chợ, mình đã tìm thêm đầu ra cho sản phẩm bơ tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ ở TP. Đà Nẵng”.
Trái bơ ở Chư Pưh rất được khách hàng tại TP. Đà Nẵng ưa chuộng. Ảnh: Ngọc Thu
Sản phẩm bơ của huyện Chư Pưh rất được khách hàng tại Đà Nẵng ưa chuộng. Ảnh: Ngọc Thu
Còn ông Phạm Ngọc Trung (cùng thôn Hòa Lộc) cho hay: “Tôi đã được huyện hỗ trợ tham dự hội chợ, tập huấn cách làm nhãn mác, thương hiệu… Từ đó, tôi có cơ hội quảng bá, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của mình. Với những nỗ lực tìm kiếm thị trường của chính quyền địa phương, hy vọng sản phẩm hồ tiêu của tôi sẽ được nâng tầm và vươn xa hơn”.
Phát huy hiệu quả đạt được, huyện Chư Pưh đã có những giải pháp cụ thể để tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản địa phương. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Minh Tứ cho biết thêm: Huyện đã xác định các sản phẩm OCOP để xây dựng nhãn hiệu, đề xuất tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, nhanh chóng xúc tiến thị trường làm cơ sở xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương. Bên cạnh đó, huyện sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông dân hình thành các sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia của trung ương là 3 tỷ đồng.
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm