Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Pưh tạo đột phá từ xây dựng mã vùng trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cùng với vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp thị trường tiêu thụ, hiện nay huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đang tập trung xây dựng mã vùng trồng trên các loài cây chủ lực, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Hiệu quả từ chuỗi liên kết sản xuất

Huyện Chư Pưh từng được mệnh danh là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh Gia Lai nhờ diện tích, năng suất và sản lượng vượt trội, mang lại thu nhập cao cho nông dân trong huyện. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, hồ tiêu chết hàng loạt, giá xuống thấp khiến nhiều gia đình trắng tay rơi vào nợ nần.

Sầu riêng Chư Pưh đang đầu tư xây dựng mã vùng trồng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Sầu riêng Chư Pưh đang được đầu tư xây dựng mã vùng trồng. Ảnh: Nguyễn Diệp


Trước thực trạng đó, ngành Nông nghiệp huyện Chư Pưh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả, cây có múi và cây cà phê… tạo vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng cung cấp cho các doanh nghiệp tiêu thụ. Nhiều loại cây trồng thay thế đang mang lại thu nhập khá cho nông dân.

Ông Nguyễn Viết Bình-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ)-cho biết: “Những năm gần đây, HTX chủ động liên kết với người dân sản xuất gần 50 ha sầu riêng và cây có múi theo hướng VietGAP. Nhờ đó, giá trị sản phẩm tăng cao và được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Việc liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống nhỏ, lẻ”.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, đến nay toàn huyện có khoảng hơn 1.530 ha hồ tiêu, khoảng 2.515 ha cà phê, 7.334 ha cao su, 1.128 ha điều và 1.780 ha cây ăn quả… Đặc biệt, trong 3 năm (2019-2021) huyện đã triển khai 20 dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp với giá trị hơn 12 tỷ đồng. Nhiều dự án liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao như: sản xuất gắn tiêu thụ gạo chất lượng cao J02; dự án sản xuất tiêu thụ nghệ sạch (xã Ia Phang); dự án sản xuất tiêu thụ mít Thái an toàn cho 27 hộ tại các xã Ia Hla, Ia Dreng, Ia Blứ, Ia Hrú, Ia Rong và thị trấn Nhơn Hòa; dự án liên kết sản xuất-tiêu thụ nhãn Hương Chi… Ngoài ra, từ năm 2019 đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trường Thịnh (Olam) đã liên kết nông dân sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững với diện tích hơn 476 ha. Việc liên kết sản xuất-tiêu thụ đã giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất, kiên trì theo đuổi trồng trọt theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, tạo thị trường tiêu thụ bền vững.

Tập trung xây dựng mã vùng trồng

Từ các mô hình liên kết, để đảm bảo hình thành vùng chuyên canh hiệu quả, HĐND huyện Chư Pưh đã phê duyệt Đề án xây dựng vùng sản xuất chuyên canh các loại cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Mới đây, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) khảo sát xây dựng mã vùng trồng cây sầu riêng tại xã Ia Rong theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, xã đã hình thành Tổ liên kết sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, mở ra cơ hội phát triển sầu riêng ổn định trong những năm tới.

 Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ tổ chức hướng dẫn người dân sản xuất sầu riêng theo hướng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tổ chức hướng dẫn người dân sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Nguyễn Diệp



Ông Hồ Sỹ Quang-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ia Sâm, Tổ trưởng Tổ liên kết-cho hay: Tổ có hơn 30 thành viên sản xuất sầu riêng, trong đó khoảng 20 thành viên đã có sản phẩm thu hoạch. Sau khi khảo sát sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng mã vùng trồng, người dân chúng tôi rất quyết tâm thực hiện mô hình này để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm cây trồng, hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
 

Để nâng cao nhận thức chung về quy trình sản xuất trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ-thông tin cũng đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho cán bộ và người dân trồng sầu riêng xã Ia Rong áp dụng quy trình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng mã vùng trồng. Ông Lê Minh Hải-Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ-thông tin: “Hiện nay, đơn vị đã tập huấn kỹ thuật, sắp tới sẽ lấy mẫu đất, nước và sản phẩm để phân tích. Ngoài cây sầu riêng, Trung tâm sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai trên một số loại cây trồng chủ lực khác”. 

Dù vậy, khó khăn hiện nay là diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ chưa hình thành vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh quy mô lớn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, các chuỗi liên kết còn thiếu tính bền vững, chưa áp dụng VietGAP, chưa có mã số vùng trồng, chưa có nhãn hiệu, hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc gia và xuất khẩu…

Để hướng đến mục tiêu xuất khẩu chính ngạch nâng cao giá trị và chất lượng nông sản trên địa bàn như sầu riêng, bơ, mít thái, nhãn Hương Chi…, các cấp, ngành liên quan của huyện Chư Pưh đang nỗ lực xây dựng mã vùng trồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh Nguyễn Minh Tứ nhấn mạnh: “Trong những năm tới, UBND huyện tiếp tục cân đối nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh và huyện hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư lồng ghép xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhất là xây dựng mã vùng trồng trên từng loại cây chủ lực, tìm các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu chính ngạch mang lại hiệu quả kinh tế cao để người dân được hưởng lợi…”.

NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm