(GLO)- Để giúp người dân khắc phục thiệt hại do bão số 12 gây ra trên địa bàn, ngành chức năng và chính quyền địa phương huyện Chư Pưh đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực, vật lực để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.
Theo báo cáo mới nhất, tính đến thời điểm này, bão số 12 đã gây thiệt hại khá nặng nề cho người dân huyện Chư Pưh. Cụ thể, bão đã làm 15 ngôi nhà của người dân bị sụp, tốc mái, 1 nhà xưởng Gara ở xã Ia Hla bị sụp tường; bão cũng làm tốc mái hoàn toàn 1 nhà văn hóa thôn và 1 phòng học của Trường Tiểu học Lê Văn Tám... Ước thiệt hại về nhà cửa, công trình công cộng gần 90 triệu đồng.
Bên cạnh đó, bão số 12 cũng đã gây thiệt hại về cây cối, hoa màu của người dân khá lớn, đặc biệt là cây hồ tiêu. Toàn huyện có gần 31 ngàn trụ tiêu (tương đương với 15,36 ha) bị gió thổi gây đỗ ngã một phần hoặc hoàn toàn, trong đó xã Ia Le là địa bàn chịu thiệt hại nặng nhất với hơn 15,2 ngàn trụ (7,74 ha). Ngoài ra, có 3,81 ha cao su, 5,72 ha điều, 2,53 ha cây ăn quả, diện tích cây hàng năm thiệt hại 7,3 ha bị gãy đỗ, thiệt hại; mưa bão cũng làm 25 con bò ở độ tuổi 1 đến 2 năm bị chết do bị nước cuốn trôi, do bị lanh, thiếu thức ăn, bị tường sụp đè chết... Ước tổng thiệt hại về cây cối, hoa màu và gia súc, gia cầm là trên 3,9 tỷ đồng.
Trong các địa phương bị thiệt hại do bão số 12 gây ra thì xã Ia Le là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cụ thể, mưa lớn kèm lốc xoáy làm cho 15.296 trụ tiêu (chủ yếu là diện tích tiêu đag kinh doanh) của 139 hộ dân bị gió quật ngã một phần hoặc hoàn toàn, 2.592 cây điều, 30 cây mít và 20 cây bơ cũng bị gió quật ngã... Đặc biệt, lốc xoáy đã làm tốc mái 7 ngôi nhà của 7 hộ dân, gây thiệt hại trên 30 triệu đồng, trong đó có 2 hộ thuộc diện hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo không có khả năng tự khắc phục.
Anh Hoàng đang buồn rầu không biết lấy tiền đâu mua tôn, xà gồ để lợp lại nhà. Ảnh: Q.T |
Gia đình cận nghèo Nguyễn Xuân Hoàng ở thôn 6, xã Ia Le, khi ngôi nhà của anh Hoàng đã bị lốc xoáy làm làm biến dạng và hư hỏng 44 m xà gồ bằng thép hình + 60 m2 tôn mới lợp, ước thiệt hại khoảng 12 triệu đồng. Anh Hoàng cho biết: “Nhà mình xây dựng từ năm 2015, nhưng do gia đình khó khăn không đủ tiền nên tích góp làm từng phần, phần mái gia đình mình vừa mới bỏ ra mười mấy triệu để mua tôn, xà gồ thép để lợp. Ai ngờ mới lợp xong được mấy ngày thì bão vào làm phần mái hư hỏng nặng, giờ không biết lấy tiền đâu ra để làm lại”.
Tương tự, ngôi nhà cấp 4 được xây vào năm 2010 theo chương trình định canh, định cư của hộ gia đình ông Rmah Teo (thuộc diện hộ nghèo) ở thôn Ia Bia, xã Ia Le đã bị gió lốc làm tốc mái, làm phần tôn và xà gồ bằng gỗ bị hư hỏng nặng gây thiệt hại trên 5 triệu đồng. “Gia đình mình đã nhận được tiền hỗ trợ của nhà nước và dân làng cũng phụ giúp ngày công để khắc phục lại nhà, mình rất vui”-ông Teo vui mừng.
Ông Trương Viết Trung-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Le, huyện Chư Pưh cho biết, hiện huyện đã xuất ngân sách để hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại về nhà để các hộ dân khắc phục lại nhà ổn định cuộc sống. Xã cũng đang tiếp tục huy động lực lượng giúp các hộ dân có tiêu bị ngã dựng lại nhằm cứu vãng phần nào thiệt hại. Đồng thời, thành lập các đoàn tiếp tục đi rà soát, kiểm tra tình hình thiệt hại để tổng hợp báo cáo cũng như đề xuất hỗ trợ thiệt hại cho người dân.
Mưa bão cũng đã gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là Công ty cổ phần Đầu tư- Xây dựng 194 (xã Ia Le, huyện Chư Pưh). Theo báo cáo của công ty, bão đã gây gãy ngã, không còn khả năng phục hồi 41.870 cây cao su 12 năm tuổi tại 28 lô cao su, tương đương với 80 ha.
Hàng ngàn cây cao su bị đỗ ngã sao khi bão số 12 đi qua. Ảnh: Q.T |
Ông Phạm Văn Thưởng-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư-Xây dựng 194 cho biết, hiện công ty đang huy động hàng chục công nhân, máy cưa lóc, xe đào để dọn dẹp những cây đỗ ngã, dựng lại những cây bị nghiêng dù hy vọng cứu sống cây rất thấp vì đây đã là thời điểm mùa khô.
Theo ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết, ngay sau khi bão đi qua, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn huy động lực lượng dân quân, công an xã phối hợp với hệ thống chính trị các thôn, làng nơi xảy ra thiệt hại có mặt tại hiện trường giúp các hộ dân có nhà bị thiệt hại sửa chữa lại nhà giúp người dân ổn định nơi sinh hoạt. Đồng thời, thành lập các đoàn tiến hành rà soát, kiểm tra tình hình thiệt hại của người dân để báo cáo, đề xuất hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại kịp thời. Hiện huyện cũng đã xuất ngân sách 47,9 triệu đồng để hỗ trợ kịp thời các hộ dân bị thiệt hại về nhà tiến hành khắc phục, ổn định cuộc sống…
Quang Tấn