Đô thị

Không gian sống

Chư Sê: Chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, huyện Chư Sê (Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Tích cực thu gom rác thải

Bà Phùng Thị Hà-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Sê-cho biết: Trung bình mỗi ngày, trên địa bàn có khoảng 71 tấn chất thải rắn phát sinh. Để thu gom, xử lý rác thải, từ năm 2016 đến nay, huyện đã bố trí trên 10 tỷ đồng để xây dựng lò đốt rác tại xã Al Bá (xử lý rác thải cho 2 xã Bờ Ngoong, Al Bá) và mua thùng chứa rác, xây dựng bể thu gom rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đào hào chôn rác; hỗ trợ các tổ dịch vụ thu gom rác thải và chi trả các khoản xử lý rác thải.

 Từ khi tổ dịch vụ thu gom rác thải đi vào hoạt động, tình trạng vứt rác trên các tuyến đường xã Al Bá không còn nữa. Ảnh: H.T
Từ khi tổ dịch vụ thu gom rác thải đi vào hoạt động, tình trạng vứt rác trên các tuyến đường xã Al Bá không còn nữa. Ảnh: H.T



Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 tổ dịch vụ thu gom rác cùng với Ban Quản lý Công trình đô thị và Vệ sinh môi trường tham gia thu gom rác thải tại địa bàn thị trấn Chư Sê và các xã: Dun, Ia Blang, Ia Hlốp, Ia Glai, Ia Pal, Al Bá và Bờ Ngoong. Bình quân mỗi ngày, Ban Quản lý và các tổ dịch vụ thu gom khoảng 34 tấn rác (đạt 50% lượng rác phát sinh), trong đó khu vực đô thị khoảng 20 tấn/ngày (đạt 80%); khu vực nông thôn 14 tấn/ngày (đạt 30%). Tất cả rác thải được chuyển về nhà máy của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Môi trường Viwaseen-Phương Hướng và lò đốt rác tại xã Al Bá để xử lý. Riêng đối với 7 xã chưa có tổ dịch vụ thu gom rác, huyện đã chỉ đạo chính quyền cùng các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân đào hố chôn lấp, tiêu hủy rác thải phù hợp với điều kiện của địa phương.

Nhờ triển khai thực hiện tốt việc thu gom rác nên trên địa bàn huyện không còn tình trạng chất thải rắn sinh hoạt tập kết thành điểm ô nhiễm, tình hình vệ sinh môi trường từ đô thị đến nông thôn được cải thiện đáng kể. Chia sẻ niềm vui này, bà Nguyễn Thị Dung (thôn Tứ Kỳ Nam, xã Al Bá) cho biết: “Từ khi tổ dịch vụ và lò đốt rác đi vào hoạt động, chúng tôi không còn phải đào hố chôn rác nữa. Tại các tuyến đường chính, đặc biệt ở khu chợ trung tâm của xã cũng không còn tình trạng xả rác bừa bãi”.

Tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường

 


Bà Phùng Thị Hà-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Sê: “Thời gian tới, huyện sẽ đầu tư xây dựng bể đựng rác, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại 14 xã, thị trấn (mỗi xã có 50 bể) với kinh phí dự tính khoảng 2,27 tỷ đồng; đồng thời, xây dựng các lò đốt rác tại các xã theo từng cụm 2-3 xã gần nhau để tạo thuận lợi cho việc thu gom, xử lý chất thải rắn”.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Chư Sê hiện có 1.186 cơ sở kinh doanh, 8 chợ, 3 siêu thị, 4 khách sạn, 11 cơ sở chăn nuôi, 1 lò giết mổ gia súc tập trung, 1 kho xăng dầu, 9 nhà máy sản xuất, chế biến các loại nông sản, khoáng sản và 2 khu du lịch sinh thái. Để hạn chế ô nhiễm môi trường, từ năm 2016 đến nay, huyện đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra định kỳ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, kiểm tra đột xuất đối với cơ sở giết mổ gia súc tập trung và 10 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Qua đó, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm với số tiền 101 triệu đồng. Ngoài ra, ngành chức năng huyện cũng tăng cường kiểm tra, giải quyết các trường hợp gây ô nhiễm từ ý kiến phản ánh của cử tri.

Theo bà Phùng Thị Hà, những cơ sở có nguồn ô nhiễm lớn chủ yếu là xí nghiệp chế biến mủ cao su (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê), 7 trang trại chăn nuôi heo và cơ sở giết mổ gia súc tập trung. Với các hình thức xử phạt hành chính, yêu cầu nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, tận dụng nguồn nước thải vào mục đích nông nghiệp, không xả thải trực tiếp ra các nguồn nước mặt... nên tình trạng ô nhiễm cơ bản được giải quyết và ý thức bảo vệ môi trường của các chủ cơ sở được nâng lên.

Tuy nhiên, theo bà Hà, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn chất thải lớn hầu hết là những hộ cá thể nên nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường không nhiều. Ngoài ra, nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hạn chế nên công tác kiểm tra chủ yếu về mặt giấy tờ pháp lý, các biện pháp bảo vệ môi trường, các công trình xử lý môi trường chứ chưa đi sâu vào chất lượng của nguồn thải và việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nguồn thải.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm