Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Sê: Đẩy mạnh tái canh để tăng năng suất cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Chư Sê (Gia Lai). Tuy nhiên, những năm gần đây, hiệu quả sản xuất loại cây này bị ảnh hưởng lớn bởi thời tiết, sâu bệnh hại, đặc biệt là giá cả xuống thấp. Vì vậy, thời gian qua, ngành nông nghiệp địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng việc tái canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê trên địa bàn.
 Người dân thị trấn Chư Sê làm đất để chuẩn bị tái canh cà phê. Ảnh: Q.T
Người dân thị trấn Chư Sê làm đất để chuẩn bị tái canh cà phê. Ảnh: Q.T
Để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê trên địa bàn, những năm gần đây, huyện Chư Sê đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tái canh với những diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp. Huyện cũng huy động nhiều nguồn lực khác nhau để hỗ trợ người dân tái canh cà phê bằng những giống chất lượng cao như: TRS1, TR4, TR9…
Hơn 3 năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Hậu (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê) quyết định chặt bỏ 500 cây cà phê già cỗi, năng suất thấp để đưa giống cà phê mới TRS 1 vào trồng. Bà Hậu cho biết: “Đến nay, vườn cà phê phát triển rất tốt, ít bị sâu bệnh. Đặc biệt, giống cà phê này cho quả khá to và rất sai. Ước năng suất năm đầu tiên đưa vào kinh doanh sẽ đạt hơn 4 tấn nhân/ha”.
Năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Trang (thôn Bầu Zút, thị trấn Chư Sê) cũng đã đăng ký tái canh gần 1 ha cà phê già cỗi. “Đến thời điểm này, gia đình tôi đã hoàn thành việc làm đất, bón lót phân và nhận giống hỗ trợ từ chính quyền địa phương, chỉ đợi mưa đủ độ ẩm sẽ tiến hành trồng”-bà Trang cho biết. Bà Trang cũng mong muốn chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cho gia đình tiếp cận với nguồn vốn vay tái canh cà phê của Nhà nước.  
Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, giai đoạn 2016-2019, huyện đã xuất ngân sách hơn 1,6 tỷ đồng để mua cây giống cà phê cấp hỗ trợ cho người dân tái canh. Cụ thể, huyện đã cấp hỗ trợ gần 500 ngàn cây cà phê giống cho người dân. Ngoài ra, người dân còn đăng ký mua cây giống cà phê theo chương trình hỗ trợ của Công ty Nestle Việt Nam (hỗ trợ 1.000 đồng/cây) qua Hội Nông dân huyện. Nhờ vậy, từ năm 2016 đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã tái canh được hơn 1.363 ha cà phê. Trong đó, 1.680 hộ người Kinh tái canh được gần 1.014 ha; 526 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tái canh gần 350 ha. Diện tích cà phê trồng tái canh được người dân sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước là 21,6 ha.
Ngành chức năng khuyến cáo người dân sử dụng các giống cà phê chất lượng để tái canh. Ảnh: Q.T
Ngành chức năng khuyến cáo người dân sử dụng các giống cà phê chất lượng để tái canh. Ảnh: Q.T
Qua khảo sát mới nhất của ngành chức năng huyện Chư Sê, trong số gần 8.000 ha cà phê kinh doanh của địa phương có gần 900 ha đã già cỗi hoặc sử dụng giống kém chất lượng. Diện tích này cần tái canh trong những năm tới. Tuy nhiên, do giá cà phê xuống thấp cùng với tình hình thời tiết bất lợi đã tác động nhiều đến khả năng tái canh của người dân. Mặt khác, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ tái canh cà phê của người dân còn gặp khó khăn. Theo thống kê, trong số hơn 2.200 hộ đã triển khai tái canh cà phê trên địa bàn huyện chỉ có 17 hộ đủ điều kiện vay vốn với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Đây là con số quá nhỏ so với nhu cầu thực tế của người dân nên ảnh hưởng nhiều đến quá trình tái canh cà phê trên địa bàn.
Huyện Chư Sê đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành chương trình tái canh cà phê, tiến tới nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, từng bước xóa nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Để đạt được mục tiêu này, theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân. Đồng thời, Phòng phối hợp với các cơ quan, ban ngành như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ… thường xuyên vận động, hướng dẫn người dân về quy trình trồng, chăm sóc cà phê phù hợp với thực tế địa phương; có các chính sách hỗ trợ người dân tái canh cà phê; hàng năm sẽ tổ chức hội nghị tổng kết, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tái canh cà phê. Ngoài ra, Phòng cũng thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh cây giống cà phê, đảm bảo người dân tái canh được sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao.
TẤN DUNG

Có thể bạn quan tâm