Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Sê đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời chú trọng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Thực hiện Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa IX (nhiệm kỳ 2015-2020), UBND huyện Chư Sê đã triển khai Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025. Theo đó, trong năm 2020, UBND huyện đã phê duyệt và hướng dẫn UBND các xã Al Bá, Ia Hlốp, Ia Tiêm triển khai thực hiện Dự án liên kết sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao.
Dự án được triển khai trên diện tích 16,2 ha với 13 hộ dân tham gia trồng cà gai leo và hà thủ ô đỏ. Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh là đơn vị được lựa chọn để liên kết đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tổng kinh phí thực hiện Dự án là hơn 2,65 tỷ đồng, trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ 648 triệu đồng, vốn Hợp tác xã hơn 41 triệu đồng, người dân đóng góp gần 2 tỷ đồng. Qua 1 năm triển khai, Dự án đạt hiệu quả bước đầu, nhất là việc trồng xen cà gai leo trong vườn cà phê.
2 ha cà gai leo xen trong vườn cà phê của gia đình anh Vương mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Diệp
2 ha cà gai leo trồng xen trong vườn cà phê của gia đình anh Lê Hùng Vương (làng Khối Zét, xã Ia Tiêm) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Quang
Anh Lê Hùng Vương (làng Khối Zét, xã Ia Tiêm) cho biết: “Khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp với cây cà gai leo. Sau 5-6 tháng, cà gai leo bắt đầu cho thu hoạch đợt 1. Cứ sau 3 tháng, cà gai leo lại cho thu hoạch đợt tiếp theo và kéo dài trong 3 năm. Trong năm 2020, tôi thu được gần 30 tấn cà gai leo khô. Với giá 60-100 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi khoảng 40-50 triệu đồng/ha/năm. Cây hà thủ ô cũng đang phát triển rất tốt, dự kiến sau 3 năm sẽ cho thu hoạch”.
Ngoài ra, nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, năm 2020, huyện Chư Sê đầu tư 1 tỷ đồng để thực hiện Dự án xây dựng vùng liên kết trồng dâu nuôi tằm công nghệ cao. Dự án liên kết với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang để triển khai thực hiện trên địa bàn 6 xã với quy mô 50 ha. Khi tham gia Dự án, các hộ dân được hỗ trợ giống dâu, dụng cụ nuôi tằm, một phần giống tằm và được cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, chăm sóc, nuôi tằm, lấy kén…
Trồng dâu, nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình chị Nguyễn Thị Tiêm (thôn Ia Sa, xã Hbông). Ảnh: Nguyễn Quang
Người dân Chư Sê liên kết trồng dâu, nuôi tằm với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang. Ảnh: Nguyễn Quang
Với 2 ha dâu, gia đình chị Nguyễn Thị Tiêm (thôn Ia Sa, xã Hbông) nuôi 15 đến 20 hộp tằm giống/tháng, mỗi hộp thu được khoảng 50 kg kén, giá bán bình quân 120-170 ngàn đồng/kg kén. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình chị Tiêm lãi 30-50 triệu đồng/tháng. Chị phấn khởi nói: “Đầu ra sản phẩm rất ổn định. Nếu đầu tư tốt thì thu nhập từ việc trồng dâu nuôi tằm cao hơn cả trồng hồ tiêu, cà phê và ít rủi ro hơn nhiều”. Sắp tới, gia đình chị Tiêm sẽ mở rộng thêm diện tích trồng dâu và nhà nuôi tằm để tăng quy mô sản xuất kén.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho hay: Theo Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, mỗi năm, huyện đầu tư khoảng 10 tỷ đồng để triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Sau hơn 1 năm thực hiện, huyện đã bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả kinh tế rõ rệt như vùng sản xuất dược liệu tập trung (tại các xã: Ia Hlốp, Ia Ko, Ia Glai, Chư Pơng, Hbông và thị trấn Chư Sê); vùng trồng dâu nuôi tằm (xã Al Bá, Kông Htok, Chư Pơng, Ia Hlốp)…
Thời gian tới, huyện tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng với các hộ dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ở tất cả các khâu: trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế biến và tiêu thụ. Đến năm 2025, huyện phấn đấu sẽ xây dựng 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có liên kết theo chuỗi giá trị gồm: vùng sản xuất dược liệu tập trung; vùng sản xuất cây ăn quả có múi; vùng trồng cây dâu tằm; vùng sản xuất rau củ quả an toàn; vùng sản xuất hồ tiêu sạch; vùng sản xuất cà phê sạch và vùng trồng lúa.
NGUYỄN QUANG

Có thể bạn quan tâm