Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Sê: Hiệu quả từ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, bà con nông dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã gặt hái được nhiều kết quả, mở ra cơ hội làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Niềm vui từ liên kết sản xuất
Bà Đỗ Thị Thơm (thôn Hồ Nước, thị trấn Chư Sê) cho biết: Khoảng 10 năm trước, gia đình bà bắt đầu trồng dâu nuôi tằm ở tỉnh Lâm Đồng. Năm 2018, khi chuyển về Chư Sê định cư, bà tiếp tục theo nghề để có thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, do ngày trước lấy giống trôi nổi nên tằm bị nhiễm bệnh khiến gia đình thất thu. “Riêng gần 2 năm trở lại đây, nguồn thu của gia đình tôi ổn định hơn nhờ liên kết với Hợp tác xã (HTX) Dâu-tằm-tơ Chư Sê để lấy giống, bán sản phẩm và chưa ghi nhận hiện tượng tằm giống bị lỗi. Nhờ vậy, mỗi tháng, gia đình có thêm khoản thu nhập 15-20 triệu đồng từ nghề trồng dâu nuôi tằm”-bà Thơm phấn khởi.
Tại HTX Dâu-tằm-tơ Chư Sê (290 Hùng Vương, thị trấn Chư Sê), nhân viên kế toán Nguyễn Thị Thuận tranh thủ cho mấy hộp tằm ăn trước khi vào làm sổ sách. Chị Thuận chia sẻ: “Sẵn nguồn giống lấy về để cung cấp cho thành viên, chúng tôi nuôi thêm để có kinh phí hoạt động của HTX. 2 năm nay, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh. Đầu năm 2021, chúng tôi cấp giống cho 20 hộ nuôi trong tỉnh, đến nay đã tăng lên hàng trăm hộ, riêng huyện Chư Sê có 60 hộ. Do nguồn tằm giống đảm bảo chất lượng nên các hộ liên kết rất tin tưởng. Ngoài ra, chúng tôi còn đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế cho hộ liên kết. Sau 15 ngày nuôi, 1 hộp tằm cho 60 kg kén. Theo giá thu mua hiện nay là 160 ngàn đồng/kg, người dân thu về 9,6 triệu đồng. Trong khi đó, tiền giống 1 hộp tằm chỉ khoảng 1 triệu đồng, dâu thì tự trồng, gia đình bỏ công chăm sóc. Khoản thu nhập này là không nhỏ đối với người dân trong thời điểm hiện nay, chưa kể có nhà nuôi 4-5 hộp tằm/tháng. Gia đình tôi cũng thu về khoảng 20 triệu đồng/tháng từ nghề này”.
Gia đình bà Đỗ Thị Thơm có thêm nguồn thu nhập ổn định từ trồng dâu nuôi tằm thông qua liên kết chuỗi giá trị sản xuất. Ảnh: Thiên Di
Gia đình bà Đỗ Thị Thơm có thêm nguồn thu nhập ổn định từ trồng dâu nuôi tằm thông qua liên kết chuỗi giá trị sản xuất. Ảnh: Thiên Di
Dù trời đã đứng bóng nhưng ông Nguyễn Văn Lanh (thôn Rinh Răng, xã Dun) vẫn cần mẫn tỉa cành cho 5 sào nhãn của gia đình. Sau hơn 1 năm xuống giống, vườn nhãn Hương Chi phát triển tốt, cành lá sum suê, thân cao gần 1 m. “Tôi cùng 2 hộ khác trong thôn liên kết với HTX Trường Xuân (tỉnh Đak Lak) trồng nhãn Hương Chi. Theo hợp đồng ký kết, HTX cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Nếu giá thu mua 20 ngàn đồng/kg, gia đình tôi sẽ lãi 300-400 triệu đồng/vụ. Hiện trong xã đã có nhiều hộ thu nhập cao từ liên kết trồng nhãn Hương Chi”-ông Lanh bộc bạch.
Nâng cao giá trị nông sản
Từ giữa năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020. Đây là cơ sở để UBND huyện Chư Sê ban hành các kế hoạch, triển khai tái cơ cấu cây trồng theo hướng liên kết sản xuất chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Từ đây, sản lượng, chất lượng nông sản được nâng lên, người dân có thu nhập cao hơn và là tiền đề để xây dựng thành công nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Văn Long-Chủ tịch UBND xã Dun: Thực hiện chủ trương của UBND huyện, chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết chuỗi. Trên địa bàn hiện có 55 hộ liên kết trồng nhãn với HTX Trường Xuân với tổng diện tích hơn 10 ha. Một số hộ liên kết từ năm 2014 đã có thu nhập ổn định vài trăm triệu đồng/năm. Điển hình là hộ ông Nguyễn Xuân Tảo (làng Greo Sek). Ngay trong vụ bói 2017, gia đình ông Tảo thu hơn 200 triệu đồng, riêng năm 2021 có thu nhập gần 500 triệu đồng. “Giống nhãn này cho năng suất cao, kháng bệnh tốt, quả to và ngọt. Phía HTX cũng thực hiện nghiêm túc theo hợp đồng ký kết. Mặt khác, nhãn Hương Chi rất được thị trường ưa chuộng nên người dân tin tưởng mở rộng diện tích”-ông Long nói.
Ông Lanh đang tỉa cành cho vườn nhãn Hương Chi của gia đình. Ảnh: Thiên Di
Ông Nguyễn Văn Lanh đang tỉa cành cho vườn nhãn Hương Chi của gia đình. Ảnh: Thiên Di
Trên địa bàn huyện Chư Sê hiện có 8 chuỗi liên kết sản xuất trồng trọt với các loại cây trồng gồm: dược liệu, hồ tiêu, mắc ca, cây ăn quả với 1.813 hộ tham gia. Cụ thể, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh liên kết với người dân sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 16,2 ha. Công ty TNHH Olam liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm 43,35 ha hồ tiêu. Hợp tác xã Trường Xuân liên kết chuỗi trồng nhãn Hương Chi cùng 125 hộ dân với 62,5 ha. Công ty Thành Thành Công liên kết chuỗi trồng 600 ha mía. Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Ia Ring liên kết trồng 60 ha cây mắc ca. Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Ia Băng liên kết trồng thâm canh 50 ha cây sầu riêng. Hợp tác xã Dâu-tơ-tằm Chư Sê liên kết chuỗi sản xuất, bao tiêu nuôi tằm, trồng dâu công nghệ cao với 60 hộ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Bước đầu, các chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp với nông dân mang lại hiệu quả khả quan, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập ổn định hơn. Chúng tôi đang tập trung cho 8 chuỗi liên kết giá trị sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Trên cơ sở đó tạo tiền đề để huyện phát triển thêm các chuỗi liên kết trong thời gian tới.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm