Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Sê nâng tầm yến sào thành sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hội Yến sào huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đang triển khai nhiều giải pháp để nâng tầm yến sào thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như thu nhập cho người nuôi chim yến trên địa bàn.

Ông Phạm Tiến Dũng-Chủ tịch Hội Yến sào Chư Sê-thông tin: Trên địa bàn huyện có gần 400 nhà nuôi yến của 300 hộ dân. Đến nay, khoảng 70% nhà yến đã cho thu tổ với sản lượng trung bình 1-3 kg tổ thô/hộ/tháng. Đặc biệt, nhiều hộ thu đến 30-40 kg/tháng. Dự kiến năm 2022, sản lượng tổ yến thô đạt 1 tấn. Với giá bán 18-20 triệu đồng/kg tổ yến thô, 28-30 triệu đồng/kg tổ yến sạch, nhiều gia đình có thu nhập vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng.

 Hội Yến sào huyện Chư Sê đang hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP. Ảnh: Minh Phương
Hội Yến sào huyện Chư Sê đang hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP. Ảnh: Minh Phương



Tuy mới thành lập giữa năm 2021 nhưng Hội Yến sào huyện Chư Sê đã thu hút gần 100 thành viên tham gia với khoảng 120 nhà nuôi chim yến. Tại cuộc họp mới đây, 7 thành viên nêu quyết tâm xây dựng sản phẩm yến sào Chư Sê thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh để nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế. Ông Dũng cho hay, trong số này có 3 hộ đã đăng ký giấy phép kinh doanh, các hộ còn lại đang tiến hành làm thủ tục và đưa mẫu xét nghiệm chất lượng sản phẩm. “Hành trình hướng tới việc gắn sao cho sản phẩm có thể sẽ rất gian nan. Vì vậy, tôi mong các thành viên cùng chung tay đoàn kết xây dựng yến sào Chư Sê trở thành sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý nhằm đưa sản phẩm vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước”-Chủ tịch Hội Yến sào Chư Sê kỳ vọng.

2 Hiện giá 1kg tổ chim yến thô khoảng 18 đến 20 triệu đồng
Hiện giá 1 kg tổ chim yến thô khoảng 18 đến 20 triệu đồng. Ảnh: Minh Phương



Cũng theo ông Dũng, 7 hộ hội viên nói trên đều có nguồn thu tổ yến ổn định mỗi tháng từ vài ký đến hàng chục ký nên tâm huyết tìm giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm. Từ năm 2014, ông Dũng đã mạnh dạn cải tạo tầng lầu ngôi nhà đang ở thành nơi nuôi yến. Thấy hiệu quả rõ rệt, ông xây thêm 4 nhà nuôi yến. Đến nay, mỗi tháng, ông thu được khoảng 30 kg tổ yến thô, thu nhập ổn định trên 500 triệu đồng. Với vai trò là người đứng đầu Hội Yến sào Chư Sê, ông cùng với những hội viên tâm huyết đứng ra ký cam kết với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện quyết tâm xây dựng yến sào thành sản phẩm OCOP.

Chủ tịch Hội Yến sào Chư Sê cho biết: “Quy trình xây dựng sản phẩm OCOP rất khắt khe, đòi hỏi các điều kiện về giấy phép kinh doanh, chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm... Điều này đòi hỏi mỗi hội viên phải tự thân vận động, chủ động xây dựng hình ảnh, thương hiệu, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm của riêng mình. Trước mắt, chúng tôi hướng dẫn các hộ tham gia từng bước hoàn thiện theo yêu cầu, trình tự để được công nhận. Đồng thời, tiếp tục tập hợp những hội viên khác cùng thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, logo cho sản phẩm yến sào của Hội”.

Bà Phạm Thị Liên (tổ 4, thị trấn Chư Sê) cho hay: Từ năm 2018, bà bỏ ra hơn 2,3 tỷ đồng đầu tư 2 nhà nuôi yến. Đến nay, bà thu được hơn 2 kg tổ yến thô/tháng và khả năng sinh lợi hàng năm sẽ tăng lên. Nói về quy trình xây dựng sản phẩm OCOP, bà Liên đồng tình: “Tính về lâu dài thì cần xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm yến sào của huyện. Để làm được điều này, các hội viên cần thay đổi tập quán sản xuất, kiên trì thực hiện đúng các quy trình hướng dẫn, chú trọng an toàn thực phẩm nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, mang lại giá trị cao nhất”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: “Cùng với việc vận động các hộ nuôi chim yến đảm bảo vệ sinh môi trường, tiếng ồn và vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi còn vận động họ đầu tư trang-thiết bị chế biến để cung cấp cho thị trường những sản phẩm ngày càng chất lượng. Chúng tôi đang vận động các hộ đăng ký tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Mặt khác, chúng tôi hướng dẫn Hội Yến sào huyện chủ động liên kết với các hội viên xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Trước mắt là từng bước xây dựng thương hiệu yến sào Chư Sê để tham gia vào các sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá sản phẩm”.

 

 MINH PHƯƠNG

 

Có thể bạn quan tâm