Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Sê nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới nâng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chư Sê là một trong những địa phương có số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) cao nhất tỉnh Gia Lai với 11 xã. Xác định “Xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, cùng với việc đăng ký các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM theo kế hoạch, huyện Chư Sê còn chọn 4 xã Ia Blang, Ia Pal, Ia Hlốp và Bờ Ngoong để đầu tư xây dựng đạt chuẩn NTM nâng cao.

 Người dân xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê) chuyển đổi diện tích lúa thường xuyên bị hạn sang trồng bắp sinh khối. Ảnh: Nguyễn Hồng
Người dân xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê) chuyển đổi diện tích lúa thường xuyên bị hạn sang trồng bắp sinh khối để tăng thu nhập. Ảnh: Nguyễn Hồng

Ông Lê Duy Khương-Chủ tịch UBND xã Bờ Ngoong-cho hay: Năm 2021, xã được UBND huyện chọn xây dựng NTM nâng cao. Đến nay, xã còn 4 tiêu chí chưa đạt gồm: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm. Trong đó, tiêu chí khó nhất là xây dựng nhà văn hóa đa năng bởi nguồn kinh phí khá lớn, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung để cung cấp nước cho 100% hộ dân trên địa bàn và tỷ lệ hộ dân tham gia bảo hiểm y tế. Khó khăn là vậy nhưng xã đang nỗ lực để hoàn thiện các tiêu chí, quyết tâm về đích xã NTM nâng cao trong năm 2022.

Còn tại xã Ia Pal, trong năm 2021, huyện Chư Sê tiếp tục đầu tư nhiều hạng mục như: duy tu, sửa chữa đường giao thông từ trụ sở UBND xã ra quốc lộ 25; nâng cấp mở rộng bộ phận một cửa đảm bảo diện tích; triển khai thực hiện chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn ngân hàng thế giới”. Ông Vũ Duy Nhạc-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: Trong năm 2021, xã đã nỗ lực hoàn thiện, củng cố và nâng cao các tiêu chí đạt được từ những năm trước. Tuy nhiên, qua rà soát, xã vẫn còn 4 tiêu chí chưa đạt gồm: hộ nghèo, bảo hiểm y tế; môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự.

“Để hoàn thành 4 tiêu chí này, UBND xã đã đề xuất cấp có thẩm quyền sớm cấp cây-con giống hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững. Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Đồng thời, hướng dẫn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cam kết xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh để bảo vệ môi trường. Từ nguồn vốn hỗ trợ 141 triệu đồng của huyện, xã sẽ tiến hành duy tu, sửa chữa hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ tưới khoảng 100 ha lúa nước 2 vụ của người dân 2 làng Tào Roong và Ia Pết. Cùng với đó, vận động bà con đẩy mạnh phát triển chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pal thông tin.

 Hệ thống đường giao thông nông thôn xã Ia Pal đã được bê tông hóa. Ảnh: Nguyễn Hồng
Hệ thống đường giao thông nông thôn xã Ia Pal đã được bê tông hóa. Ảnh: Nguyễn Hồng


Một trong những vướng mắc trong xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao ở huyện Chư Sê là tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Theo quy định, xã NTM nâng cao phải có công trình cấp nước tập trung cung cấp nước sạch cho 100% hộ dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ dân tham gia bảo hiểm y tế phải đạt trên 90%. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nguyễn Văn Hợp, để thực hiện các tiêu chí này, huyện đã đề xuất cấp trên xem xét điều chỉnh quy định bắt buộc xã NTM nâng cao phải có công trình cấp nước tập trung thành “tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch thường xuyên, an toàn đạt 100%, không nhất thiết phải từ công trình cấp nước tập trung”.

“Những năm qua, chương trình xây dựng NTM của huyện nhận được sự quan tâm đồng thuận của người dân và các cấp chính quyền. Số xã được công nhận đạt chuẩn tăng từng năm, các tiêu chí tiếp tục được củng cố và nâng cao để giữ vững xã NTM. Riêng 4 xã được huyện lựa chọn xây dựng NTM nâng cao đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc để các xã trên phấn đấu đến cuối năm 2022 đạt chuẩn NTM nâng cao”-ông Hợp thông tin.

 

 NGUYỄN HỒNG

Có thể bạn quan tâm