(GLO)- Qua 3 năm triển khai, mô hình nông hội ở Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đem lại hiệu quả thiết thực. Nông hội không chỉ là nơi trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mà còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Đời sống được nâng lên
Đầu năm 2021, Nông hội mía Hbông (xã Hbông) ra mắt với 23 hội viên. Ông Bùi Đức Miền-Chủ tịch Hội Nông dân xã Hbông-cho biết: “Tiền thân của Nông hội là tổ liên kết sản xuất với 7 hội viên cùng sở thích trồng mía. Tuy nhiên, mối liên kết giữa các hội viên chưa rõ ràng, hiệu quả không cao. Sau khi tỉnh có chủ trương thành lập nông hội để hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với nhà máy chế biến thì đã tập hợp được khá đông người dân tham gia. Sau hơn 1 năm hoạt động, Nông hội đã có 30 hội viên (21 hội viên người Jrai) với tổng diện tích hơn 100 ha mía. Nông hội đã liên kết với Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư tiền giống, làm đất, phân bón và thu mua sản phẩm. Hiện nay, tất cả hội viên đã thoát nghèo, nhiều người có thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm”.
Từ khi tham gia Nông hội mía Hbông, anh Nay Vang (bìa phải, xã Hbông, huyện Chư Sê) có thêm kinh nghiệm sản xuất nên năng suất mía ngày càng cao. Ảnh: Quang Tấn |
Trước đây, gia đình anh Nay Vang (làng Ia Sa, xã Hbông) chủ yếu trồng mì và bắp. Do “được mùa mất giá, được giá mất mùa” nên đời sống gia đình gặp khó khăn. Từ khi tham gia tổ liên kết sản xuất, rồi trở thành hội viên Nông hội mía Hbông, anh đã trở thành triệu phú ở vùng đất khó này. Anh phấn khởi cho biết: “Được anh em trong Nông hội hỗ trợ nên mình gắn bó với cây mía hơn 5 năm nay. Đến nay, mình đã mở rộng diện tích mía lên trên 7 ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình thu được trên 300 triệu đồng/năm”.
Nông hội trồng lúa làng Greo Pết (xã Dun) có 11 hội viên người Jrai liên kết sản xuất 2 ha lúa. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Nông hội trở thành địa chỉ tin cậy để người trồng lúa học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Anh Ksor Thin (làng Greo Pết) vui vẻ nói: “Từ khi tham gia Nông hội, mình đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũng như học hỏi kinh nghiệm canh tác lúa theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ đó, năng suất lúa tăng lên cao so với trước đây”.
Đoàn kết cùng phát triển
Mô hình nông hội hoạt động theo nguyên tắc “3 không, 3 tự, 3 cùng” (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc; cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng). Đây là nơi để bà con nông dân sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm và phổ biến những kỹ thuật mới trong sản xuất, đời sống; cập nhật thông tin về thị trường, giá cả, tiêu thụ sản phẩm... Đến nay, huyện Chư Sê đã vận động thành lập 11 nông hội ở 10/15 xã, thị trấn với 302 hội viên (có 95 người dân tộc thiểu số).
Lúa là cây trồng chính của người dân làng Greo Pết, xã Dun nên việc thành lập Nông hội trồng lúa là tiền đề để phát triển cây lúa theo hướng bền vững tại cánh đồng bậc thang này. Ảnh: Quang Tấn |
Anh Bùi Văn Thơm-hội viên Nông hội mía Hbông-chia sẻ: “Chúng tôi lập nhóm Zalo để trao đổi kinh nghiệm. Cây mía phát triển tốt hay bị bệnh đều được các hội viên chụp hình đưa lên nhóm để cùng nhau thảo luận, chia sẻ. Đặc biệt, nếu hội viên nào khó khăn về vốn sản xuất thì mọi người chung tay hỗ trợ”.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình nông hội, ông Nguyễn Hữu Tỵ-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê-cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như vận động người dân tự nguyện, tích cực tham gia nông hội. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, liên kết với các doanh nghiệp lớn để tổ chức xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế, có giá trị cao của địa phương. Triển khai thực hiện mạnh mẽ Chương trình OCOP, từng bước hình thành, xây dựng một số sản phẩm đặc trưng đạt chuẩn cấp huyện, tỉnh và quốc gia.
QUANG TẤN