Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Chư Sê: Ưu tiên phát triển giao thông nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của người dân, huyện Chư Sê, Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Đặc biệt, việc huy động nguồn lực, sức dân để hoàn thành các tuyến đường giao thông nông thôn là thành tích nổi bật của địa phương. 

 

Người dân đồng lòng góp sức

Nhiều năm nay, 30 hộ dân ở đội 7 và đội 8 (thôn 2, xã Ia Hlốp) muốn đến được khu vực sản xuất phải vượt qua đoạn đường “mưa lầy, nắng bụi”. Chỉ cần một cơn mưa, con đường đất đỏ trở nên lầy lội, trơn trượt khiến việc đi lại, vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, khi biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí để bê tông hóa đường giao thông nội đồng, bà con ai cũng vui mừng. Đầu tháng 5-2020, các hộ dân đã họp bàn, tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công lao động hoàn thành đoạn đường bê tông dài 308 m, rộng 3 m với kinh phí gần 260 triệu đồng, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 40 triệu đồng. Ông Đào Bá Chuẩn (đội 8) vui mừng cho hay: “Đoạn đường đất trước đây giờ được thay thế bằng bê tông kiên cố, sạch đẹp. Tôi cũng như bà con trong thôn rất phấn khởi vì từ nay việc đi lại sẽ dễ dàng hơn. Ngoài việc hiến đất, gia đình tôi còn tự nguyện tháo dỡ hàng rào mới xây để phục vụ việc làm đường”.

 Làm đường giao thông nông thôn ở xã Bar Măih (huyện Chư Sê). Ảnh: internet
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Bar Măih (huyện Chư Sê). Ảnh: internet



Theo ông Hồ Nhật Trường Thái-Trưởng thôn 2 (xã Ia Hlốp), khi họp dân thông báo cơ chế Nhà nước hỗ trợ 85% kinh phí làm đường giao thông nội đồng, nhân dân đóng góp 15%, bà con ai cũng đồng tình. Nhờ đó, chỉ trong  thời gian ngắn, 6 tuyến đường giao thông nội đồng có tổng chiều dài 2,1 km đã hoàn thành trong niềm hân hoan của bà con. 

Tương tự, tháng 4-2020, được Nhà nước hỗ trợ 357 triệu đồng, người dân thôn 1 (xã Ia Hlốp) đã đóng góp 63 triệu đồng để hoàn thành đoạn đường bê tông dài 500 m dẫn vào khu sản xuất đội 11. Bà Đinh Thị Báu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hlốp-cho biết: Năm 2020, thực hiện chủ trương xây dựng NTM nâng cao, xã huy động các nguồn lực đầu tư và người dân đóng góp để bê tông hóa đường giao thông nội đồng tại thôn 1 và thôn 2 với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp tiền và ngày công quy đổi là 267 triệu đồng để bê tông hóa 2,6 km đường.

Phấn đấu trở thành huyện NTM

Cũng như Ia Hlốp, chính quyền xã Bar Măih đang ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Đến nay, đường từ trung tâm xã đến huyện dài 9,5 km đã được nhựa hóa 100%; đường trục thôn, làng và đường liên thôn được cứng hóa 17,5 km, đạt trên 70%. Ông Trần Minh Nhật-Chủ tịch UBND xã Bar Măih-khẳng định: “Phong trào làm đường giao thông nông thôn đang được triển khai rộng khắp trong toàn xã. Với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các hộ dân thống nhất góp kinh phí, ngày công lao động hoàn thành nhiều tuyến đường giao thông. Nhiều hộ còn tự nguyện hiến đất, di dời hàng rào, cổng ngõ để mở rộng đường”.

Người dân xã Ia Hlốp tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công lao động hoàn thành nhiều tuyến đường giao thông nội đồng, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. Ảnh: Minh Nguyễn
Người dân xã Ia Hlốp tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công lao động hoàn thành nhiều tuyến đường giao thông nội đồng giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. Ảnh: Minh Nguyễn



Chủ tịch UBND xã Bar Măih phấn khởi cho hay: Sau 10 năm nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019. Tiếp đó, xã xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, cải thiện hơn nữa chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững. “Thời gian tới, xã tiếp tục vận động bà con các làng: Tơ Drăh, Phăm Ó, Phăm Klăh, Phăm Kleo Ngol, Phăm Ngol cứng hóa các tuyến đường đi lại trong làng. Nhiều công trình đường giao thông nội đồng được bê tông hóa giúp việc đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi, tạo điều kiện để bà con phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo”-ông Nhật thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Với cơ chế sáng tạo, linh hoạt cùng với quyết tâm chính trị của cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, huyện Chư Sê đã đạt được những thành tựu quan trọng, làm nền tảng hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM theo kế hoạch đề ra. Phong trào thi đua “Chư Sê chung sức xây dựng NTM” đã làm thay đổi nhận thức người dân, phát huy cách làm sáng tạo góp phần huy động nhiều nguồn lực đóng góp xây dựng NTM.


Đến nay, huyện Chư Sê đã có 10/14 xã đạt chuẩn NTM. Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt chuẩn NTM. “Nhiệm vụ xây dựng NTM thời gian tới còn nặng nề. Tuy nhiên, những kết quả đạt được đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương”-ông Hợp nhấn mạnh.

MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm