Điểm đến Gia Lai

Chư Thoi-Chư Pao: Dấu son trên đường 14

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dãy núi Chư Thoi (xã Ia Phí)-Chư Pao (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) từng là cứ điểm quan trọng và là nơi Trung đoàn 95 (Đoàn Mang Yang) cùng các đơn vị tăng cường bố trí đội hình, kiên gan chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ cắt đường 14 trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, chiến thắng Chư Thoi-Chư Pao năm 1972 xứng đáng được ghi danh, dựng bia tưởng niệm để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau.

“Lũy thép” Chư Pao

Năm 1972 là năm bản lề trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Những chiến thắng trong năm này có ý nghĩa to lớn đến mục tiêu chiến lược “đánh cho Mỹ cút”. Tháng 5-1971, Bộ Tổng Tư lệnh xác định, xuân hè 1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược trên 3 hướng: Trị-Thiên (chủ yếu), Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (phối hợp). Trong đó, chiến trường Tây Nguyên được Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ: tiêu diệt địch, giải phóng Đak Tô-Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kon Tum. Hướng phát triển có thể là hướng Pleiku, có điều kiện thì mở rộng vùng giải phóng Tây Pleiku.

Đoàn khảo sát chụp hình lưu niệm tại núi Chư Pao (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh). Ảnh: Xuân Toản

Đoàn khảo sát chụp hình lưu niệm tại núi Chư Pao (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh). Ảnh: Xuân Toản

Quán triệt, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và chỉ thị, nhiệm vụ của Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, cuối tháng 10-1971, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên họp bàn ra Nghị quyết về Chiến dịch Xuân Hè năm 1972, xác định quyết tâm: Tích cực tạo mọi điều kiện, tập trung bộ đội chủ lực và binh khí kỹ thuật mở chiến dịch tấn công, đồng thời sẵn sàng phản công đánh bại quân địch, sau đó, chuyển sang tấn công và mở chiến dịch tổng hợp phá ấp giành dân ở các tỉnh, nhằm tiêu diệt một số chiến đoàn, trung đoàn địch, đánh quỵ sư đoàn thuộc Quân đoàn 2 và tổng dự bị quân ngụy; giải phóng một vài thị xã và giải phóng phần lớn nông thôn…

Để tạo thuận lợi cho hướng chính của chiến dịch tiến công vào các mục tiêu then chốt, vấn đề chia cắt, vây hãm cụm quân địch ở Kon Tum là biện pháp chiến dịch rất quan trọng. Bộ Tư lệnh chiến dịch đã tổ chức 2 tầng chia cắt chiến dịch trên đường 14. Tầng thứ nhất do Trung đoàn 28 đảm nhiệm cắt đường 14 trên đoạn Võ Định-Kon Kô, chia cắt Tân Cảnh với thị xã Kon Tum. Tầng thứ 2 do Trung đoàn 95 đảm nhiệm cắt đường 14 trên đoạn từ Ninh Đức đến dãy Chư Thoi-Chư Pao dài gần 20 km, chia cắt thị xã Kon Tum với thị xã Pleiku; trong đó, đoạn cắt chủ yếu từ ngã ba làng Pok đến núi Chư Pao. Để thực hiện nhiệm vụ này, Trung đoàn 95 được bổ sung Tiểu đoàn 63, tăng cường Tiểu đoàn 631, Đại đội cối 120 mm, Đại đội ĐKZ, Đại đội súng máy cao xạ 12,7 mm.

Dãy Chư Thoi-Chư Pao nằm phía Tây đường 14, cách Pleiku về phía Bắc khoảng 30 km, cách thị xã Kon Tum về phía Nam khoảng 15 km. Sườn phía Đông và trên đỉnh núi có nhiều đá tảng, nhiều hang đá, cây cối rậm rạp nên thuận lợi cho việc đặt kho tàng vũ khí, lương thực, trạm xá tiền phương và nơi đặt sở chỉ huy Trung đoàn 95. Sườn phía Tây hầu hết là đất mùn, rừng thưa và nhiều tảng đá, thuận lợi đào công sự, trận địa súng cối, súng phòng không bảo vệ và chi viện hỏa lực cho bộ binh.

Đối diện dãy Chư Pao, nằm phía Đông đường 14 là dãy Chư Ren cao 1.152 m. Chân dãy Chư Pao và dãy Chư Ren hợp lại ở đường 14 tạo thành dốc cao, 2 sườn núi như 2 cánh cửa ôm trọn đoạn đường dài khoảng 5 km từ cầu Ia Tơwe lên đến đỉnh dốc. Cấu trúc tự nhiên đó khiến đoạn đường trở thành điểm xung yếu, dễ bị hỏa lực đặt trên các dãy núi cao hai bên đường khống chế.

Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Nhâm-nguyên cán bộ Trung đoàn 95-kể lại: “Đak Tô-Tân Cảnh là căn cứ quân sự mạnh nhất của kẻ địch ở phía Bắc Tây Nguyên. Các đơn vị quân giải phóng đã mở đợt tiến công quyết liệt từ đầu xuân hè 1972 đến ngày 24-4-1972, toàn bộ cứ điểm này đã bị tiêu diệt. Tham gia chiến dịch này, suốt 68 ngày đêm (từ ngày 26-3 đến 17-6-1972), dưới mưa bom bão đạn của quân thù, bằng mưu trí và lòng dũng cảm, Trung đoàn 95 đã dựng nên “lũy thép” trên quốc lộ 14, kiên cường chiến đấu, chia cắt địch giữa 2 thị xã Pleiku và Kon Tum, làm cho chúng không ứng cứu được nhau. Đây là chiến thuật mang tầm vóc chiến lược, làm cho kẻ địch mạnh hóa yếu, góp phần vào chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh. Những địa danh như: cầu Ia Tơwe, điểm cao 738, ngã ba làng Pok, làng Ruồi, ngã ba Ia Phí, ngã ba Trà Huỳnh, Đồi Tròn, Chư Thoi, Chư Pao, Chư Dệt... thấm đẫm máu đào của các chiến sĩ Trung đoàn 95”.

Nguyên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 95 tham gia khảo sát tại núi Chư Pao (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh). Ảnh: Xuân Toản

Nguyên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 95 tham gia khảo sát tại núi Chư Pao (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh). Ảnh: Xuân Toản

Thiếu tướng Nguyễn Văn Chỉnh-nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 95-hồi nhớ: “Cách đây hơn 50 năm, Trung đoàn 95 được Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 giao nhiệm vụ triển khai đội hình chiến đấu; chặn đứng đường giao thông tiêu diệt địch và không cho địch tiếp viện từ Pleiku lên Kon Tum. Địch phản công vô cùng ác liệt. Máy bay B52 dội bom 12 lần mỗi ngày. Phải nói là vô cùng khó khăn; mỗi ngày có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ hy sinh”.

Trong khoảng thời gian này, quân ta đã phá hủy 116 xe, 7 đại liên, 2 máy 15 W, 3 máy PRC25; diệt 1.638 tên địch, bắt 42 tên làm tù binh, thu 117 súng các loại, 11 máy PRC 25, 1 máy 15 W và 2 bản đồ. Ta diệt gọn 5 đại đội, đánh thiệt hại 4 đại đội khác cùng Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 7 và 1 Chi đội thiết giáp; tiêu diệt căn cứ hỏa lực 41 và 1 căn cứ hỏa lực khác; phá hủy 4 khẩu pháo 105 mm, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy 1 kho đạn.

Quan tâm xây dựng di tích

Giờ đây, vùng chiến địa năm xưa đã thay thế bằng màu xanh ngút ngàn của rừng tràm, bạch đàn, ruộng nương. Đường 14 được mở rộng, đầu tư bài bản, phẳng lì, nối mạch giao thông xuyên suốt, thuận lợi. Đan xen niềm tự hào, trái tim người lính Trung đoàn 95 luôn hướng về những đồng đội đã ngã xuống.

Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Nhâm tâm sự: Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, biết bao hài cốt của cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn, ai đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ, còn bao người vẫn ở khe suối hay thung sâu? Những nhân chứng còn lại cũng đã ngoài 70 tuổi. “Việc công nhận di tích lịch sử và xây dựng công trình tưởng niệm là rất cần thiết. Điều đó vừa thể hiện lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với những người đã hy sinh vì đất nước, vừa tạo dựng “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho người dân, nhất là thế hệ trẻ”-ông Nhâm bày tỏ.

Các thành viên đoàn khảo sát tiến hành định vị trên đỉnh núi Chư Pao. Ảnh: Văn Đại

Các thành viên đoàn khảo sát tiến hành định vị trên đỉnh núi Chư Pao. Ảnh: Văn Đại

Tháng 9 vừa qua, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Păh phối hợp với Bảo tàng tỉnh và Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 95 tổ chức khảo sát, lập hồ sơ di tích lịch sử Chiến thắng Chư Thoi-Chư Pao. Đoàn đã tiến hành định vị (trích lục bản đồ bằng vệ tinh) tại khu vực đỉnh núi Chư Thoi-Chư Pao.

Sau chuyến khảo sát, Thiếu tướng Nguyễn Văn Chỉnh đã ký công văn gửi UBND huyện Chư Păh đề nghị quan tâm, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích núi Chư Pao (chiến thắng Chư Thoi), xây dựng bia di tích tại vị trí dưới chân đài quan sát trong chiến dịch thuộc xã Ia Phí; xem xét bố trí diện tích đất 2.000 m2 để xây dựng nhà bia tưởng niệm cùng hoa viên tại thôn Tân Lập (xã Ia Khươl).

Tham gia đoàn khảo sát, ông Hồ Xuân Toản-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ (Bảo tàng tỉnh) khẳng định: Dãy núi Chư Thoi-Chư Pao có vị trí quan trọng trong việc đánh chặn, chia cắt các cuộc hành quân của địch từ Pleiku chi viện lên Kon Tum. Việc làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh là rất cần thiết. Để lập hồ sơ, trước mắt, địa phương cần phối hợp với các đơn vị chuyên môn tiếp tục thu thập tài liệu liên quan, tổ chức thêm các đợt khảo sát thực địa. Đặc biệt, cần phối hợp với tỉnh Kon Tum và Ban Quản lý rừng để tháo gỡ những vấn đề liên quan. Bởi có một số địa điểm của chiến dịch phân bố trên đất của tỉnh Kon Tum và liên quan đến đất rừng.

Những hòn đá lớn rải khắp trên núi Chư Thoi-Chư Pao thuận lợi cho việc đặt kho tàng vũ khí, lương thực, trạm xá tiền phương. Ảnh: Văn Đại

Những hòn đá lớn rải khắp trên núi Chư Thoi-Chư Pao thuận lợi cho việc đặt kho tàng vũ khí, lương thực, trạm xá tiền phương. Ảnh: Văn Đại

Theo Quyết định số 312/QĐ-UBND năm 2018 của UBND tỉnh phê duyệt Danh mục kiểm kê di tích và dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích giai đoạn 2018-2023 trên địa bàn tỉnh, trong 51 di tích dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng trong giai đoạn này, huyện Chư Păh có các di tích gồm: ngôi mộ chung (xã Nghĩa Hưng), núi Chư Pao (xã Ia Khươl), nhà bia tưởng niệm (xã Ia Phí) và núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya).

Ông Nguyễn Minh Đức-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Păh-cho hay: Phòng đang phối hợp với các phòng, ban liên quan và UBND xã Ia Khươl và Ia Phí khảo sát cụ thể tại khu vực này, sau đó tham mưu UBND huyện xin ý kiến có kế hoạch triển khai. Dự kiến sẽ tiến hành lập hồ sơ vào đầu năm 2024.

Đến nay, việc khảo sát di tích núi Chư Pao đang được tiến hành và nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành huyện Chư Păh. Đây cũng là niềm mong mỏi của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 95. Hy vọng rằng, nguyện vọng chính đáng về một nhà bia tưởng niệm để nhắc nhớ về công ơn những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc sẽ sớm trở thành hiện thực.

Có thể bạn quan tâm