Kiêu hãnh Chư Pao!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Bom pháo nổ rồi, khói vẫn bay/Xới lên đất đá, lớp khá dày/Nhưng sao xới nổi lòng chiến sĩ/Điểm chốt hiên ngang đợi chúng mày”. Những câu thơ đậm đặc khói lửa chiến trường và ngời chất “thép” của chiến sĩ Trung đoàn 95B như thúc giục chúng tôi tìm về địa danh Chư Pao, Chư Thoi, Chư Dút... để hiểu thêm về những trận đánh cắt đường 14 oanh liệt của quân và dân ta trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, góp phần vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sáng tháng tư, trời Tây Nguyên trong xanh và cao vời vợi. Quốc lộ 14 từ Pleiku đi Kon Tum vừa mới được nâng cấp rộng thênh, phẳng lì. Chưa đầy 30 phút đi ô tô, chúng tôi đã có mặt tại dãy Chư Pao (thuộc địa phận xã Ia Khươl, huyện Chư Pah). Cùng đi với chúng tôi có một vị khách đặc biệt đó là bà Rơ Chăm H’Yéo-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 31(thuộc khu 4)-đơn vị trực tiếp tham gia đánh địch trên con đường này cách đây 43 năm.     

 

Hồi ức của “những người trong cuộc”
 

Bà H’Yéo tại khu vực Đồi Tròn thuộc dãy Chư Pao. Ảnh: Duy Lê
Bà H’Yéo tại khu vực Đồi Tròn thuộc dãy Chư Pao. Ảnh: Duy Lê

Mặc dù đoạn quốc lộ 14 từ ngã ba Trà Huỳnh đến núi Chư Pao đã ken dày những cụm dân cư đông đúc với cà phê, cao su xanh ngát, nhưng với người nữ Đại đội trưởng, dấu vết của những trận chiến đấu ác liệt năm xưa vẫn còn hiển hiện đâu đây. Lần theo hồi ức của bà, những kẻ hậu sinh chúng tôi lần đầu tiên được biết đến các địa danh nổi tiếng một thời như: ngã ba Trà Huỳnh, Chư Pao, Chư Thoi, Chư Dút, Đồi Tròn, Ia Xe Lế, làng Pót, suối Đầu Trâu...

Với khách lữ hành bình thường thì bụi le ven đường 14 chẳng khác là mấy so với hàng trăm ngàn vạt rừng le trên cao nguyên hùng vĩ. Tuy nhiên, với bà H’Yéo thì đó là nơi khiến cho Mỹ-Ngụy phải khiếp vía kinh hoàng. Đưa tay gạt những cành cây lấm láp bụi đỏ để lộ ra một khoảng giao thông hào ngang tầm ngực, bà nhớ lại: “Sau gần 2 năm chuẩn bị chiến trường, cuối tháng 3-1972, bộ đội khu 4 phối hợp với lực lượng Trung đoàn 95B, Tiểu đoàn 631 và Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn 24 đánh cắt giao thông trên đường 14-đoạn từ cầu Ia Tơwe đến chân Chư Pao. Do con đường huyết mạch từ Pleiku đi Kon Tum bị chia cắt hoàn toàn nên địch tập trung lực lượng đánh vào các cứ điểm của ta. Trên mặt đường 14, quân ta hình thành 4 điểm chốt chặn. Đây là điểm chốt chặn Đồi Tròn, kế đó là các điểm: Ia Xe Lế (nghĩa là xe rớt), làng Pót và suối Đầu Trâu”.

Quốc lộ 14 đoạn này bị kẹp chặt giữa 2 dãy núi: Chư Pao và Chư Ren. Dãy Chư Pao ở phía Tây kéo dài ra sát mép đường có một mỏm đá lớn đồng bào địa phương gọi là “Đồi Tròn”. Nơi đây, bộ đội ta chọn làm điểm tập kết lực lượng, quan sát trận địa và cơ động ra mặt đường đón đánh địch từ hướng Kon Tum xuống. Tại suối Đầu Trâu, làng Pót, Ia Xe Lế... ta đón đánh địch theo hướng từ Pleiku lên. “Để khai thông tuyến đường huyết mạch nối hai căn cứ quân sự lớn nhất khu vực Bắc Tây Nguyên và đưa lực lượng lên Đak Tô-Tân Cảnh, địch tập trung một lực lượng khổng lồ để tấn công dồn dập về phía ta. Tuy lực lượng mỏng, nhưng với ý chí sắt đá và tinh thần dũng cảm vô song, quân và dân ta lần lượt bẻ gãy nhiều cuộc tấn công của địch. Giao thông trên tuyến đường 14 bị ta chia cắt gần một tháng, con đường vận chuyển của địch bị tê liệt hẳn”- bà H’Yéo cho biết.

 

Màu xanh dưới chân dãy Chư Pao. Ảnh: Duy Lê
Màu xanh dưới chân dãy Chư Pao. Ảnh: Duy Lê

Nhấn mạnh yếu tố “quân và dân ta” là bởi, theo bà H’Yéo: “Hồi đó, nhân dân các làng trong vùng đan rất nhiều sọt chứa đất đá làm chướng ngại vật trên mặt đường để ngăn xe địch. Ngoài ra, bội đội địa phương, dân quân du kích phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực để chống chọi với lực lượng hùng hậu của đối phương”.

Cũng theo sự giới thiệu của bà H’Yéo, chúng tôi may mắn được gặp ông Ksor Luih-nguyên chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 95B. Là chiến sĩ trinh sát nên ông Luih hầu như có mặt trước khi diễn ra các trận đánh lớn. Nói về thiệt hại của địch, ông Luih chỉ khái quát mấy từ: “Xe cháy lủ khủ, địch chết cũng lủ khủ”. Với ông, địa danh Ia Xe Lế theo tiếng Jrai là “suối xe rớt”. Thời điểm ấy, hễ khi xe của địch đến khu vực này là bị bắn cháy và rớt xuống suối nên từ đấy đồng bào lấy tên là Ia Xe Lế.

Trong chuyến hành trình tìm về vùng chiến địa cách đây 43 năm, chúng tôi được những cựu chiến binh tại xã Ia Khươl cung cấp thêm một thông tin rất quan trọng: Ngoài các trận đánh trên đường 14, bộ đội ta còn lập nên chiến công vang dội khi đánh tiêu hủy gần như hoàn toàn một đoàn xe địch trên đường 14B thuộc khu vực xã Ia Phí. Nơi đây vẫn còn đó một chiếc cầu bê tông bị đánh sập và thêm một con đường vận chuyển của địch từ Pleiku lên Kon Tum đã bị cắt đứt hoàn toàn.

Cần lắm một công trình tưởng niệm!

 

Ảnh: Duy Lê
Ảnh: Duy Lê

Dưới chân dãy Chư Pao giờ đã xanh màu lúa và vườn cao su nhưng sườn núi vẫn trơ màu đá trắng. Đồi Tròn nhô về hướng quốc lộ 14 như một chiếc lô cốt tự nhiên trên dãy Chư Pao. Có một điều đặc biệt là nơi đây hiện diện đến hàng chục cây kơnia cổ thụ. Đưa tay chỉ vào vết chém sâu hoắm trên thân một cây kơnia to nhất, bà H’Yéo bảo đó là hậu quả của bom đạn địch.

Đến đây, đứng ở đây, dù chưa hề trải qua chiến tranh, nhưng chúng tôi cảm nhận được phần nào sự mất mát hy sinh của quân dân ta trong chiến thắng Chư Pao ngày ấy. Cũng tại đây, chúng tôi thực sự đạt đến trạng thái cảm xúc lặng lòng khi nghe một đồng đội nhắn gửi vào vách núi đá chập trùng thăm thẳm kia những lời rất đỗi thân thương: “Các đồng chí ơi, Yéo đây, các đồng chí ở đâu? Chúng ta thắng rồi! Giải phóng rồi! Thống nhất rồi! Các đồng chí về nhà thôi!”.

Sau giây phút lặng người với đồng đội, trên đường xuống núi, bà H’Yéo tâm sự: “Để làm nên chiến thắng ấy, 15 chiến sĩ của Đại đội 31 đã phải vĩnh viễn nằm lại đất này. Có đồng chí bị thương nặng nhưng vẫn ngoan cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Cũng với bà, nếu tính các đơn vị khác nữa thì con số thương vong là không hề nhỏ. Vì vậy, xây dựng một công trình tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh tại Chư Pao là việc nên làm!

Duy Lê

Có thể bạn quan tâm