Kinh tế

Nông nghiệp

Chú trọng kiểm dịch thực vật tại vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để đưa nông sản xuất khẩu theo đường chính ngạch, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân xây dựng, quản lý tốt mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Đặc biệt, việc kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu được chú trọng đúng mức.

Ngày 3 và 4-4 vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật) đã tổ chức hội nghị phổ biến các quy định kiểm dịch thực vật đối với nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, EU và thị trường khác.

Tại hội nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ chuyên môn ngành nông nghiệp các địa phương đã được phổ biến các kiến thức cơ bản như: công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; điều kiện nông sản xuất khẩu sang thị trường Úc và các loài sinh vật gây hại bị cấm; quy định về kiểm dịch đối với nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc, EU và thị trường khác; ứng dụng công nghệ số trong quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; công tác quản lý sinh vật gây hại theo hướng tiếp cận hệ thống (System approach); quy trình kiểm tra sinh vật gây hại tại cơ sở đóng gói; giám sát sinh vật gây hại ngoài đồng ruộng theo ISPM 06; đăng ký doanh nghiệp sản xuất nông sản vào thị trường Trung Quốc theo Lệnh 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc…

Trang trại trồng sầu riêng quy mô khoảng 70 ha tại làng Hrang, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ. Ảnh: L.N

Trang trại trồng sầu riêng quy mô khoảng 70 ha tại làng Hrang, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ. Ảnh: L.N

Theo ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 225 mã số vùng trồng với diện tích hơn 9.634 ha và 35 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.445-1.595 tấn quả tươi/ngày, chủ yếu là trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ… Sản xuất nông nghiệp đang chuyển dịch theo chiều sâu, nâng cao giá trị, nhất là định hướng sang xuất khẩu.

Còn ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh thì cho hay: Huyện có 12 mã số vùng trồng sầu riêng và 1 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích khoảng 200 ha. Để phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp triển khai xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. “Năm 2024, chúng tôi sẽ tổ chức 2 lớp tập huấn cho người dân, đại diện hợp tác xã về quy trình canh tác đảm bảo theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”-ông Khánh thông tin.

Công nhân sơ chế và đóng gói chuối tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa). Ảnh: L.N

Công nhân sơ chế và đóng gói chuối tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa). Ảnh: L.N

Trao đổi với P.V, ông Lê Nhật Thành-Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I-cho biết: Việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Sau 14 năm từ lúc những mã số vùng trồng đầu tiên được cấp ở Việt Nam, đến nay, công tác thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cả nước hiện có khoảng 7.344 mã số vùng trồng và 1.613 mã số cơ sở đóng gói ở 50 tỉnh, thành phố.

“Những năm gần đây, Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành đàm phán mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản và quả tươi của Việt Nam như thanh long, vải, nhãn, chôm chôm, măng cụt, vú sữa, xoài, bưởi, sầu riêng, chuối, dưa hấu, chanh dây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc, EU, Hàn Quốc…

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phân cấp việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các địa phương, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan liên quan nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác. Vì vậy, thời gian tới, công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói rất cần sự vào cuộc của các ngành, địa phương để chung tay phát triển các vùng trồng phục vụ xuất khẩu, đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu”-Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm