Chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung tâm có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại biểu đại diện trí thức, văn nghệ sĩ, nghiên cứu văn hóa và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố tại các điểm cầu.
Nhiều thành tựu nổi bật
Tại hội nghị, đồng chí Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trình bày tóm tắt báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW. Theo đó, nhận thức rõ tầm quan trọng các văn bản của Đảng về phát triển VHNT, nhất là Nghị quyết số 23-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 46-CTr/TU ngày 27-10-2008 để thực hiện Nghị quyết. Giai đoạn 2008-2023, kinh phí đầu tư cho lĩnh vực VHNT gần 6 tỷ đồng. Tỉnh cũng dành nguồn lực đầu tư kinh phí cho lĩnh vực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong 15 năm qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng các địa phương đã tổ chức gần 300 cuộc diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống để giới thiệu, quảng bá văn hóa, nghệ thuật; đồng thời khuyến khích cộng đồng tham gia hoạt động bảo tồn và phát triển.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Các di tích văn hóa được quan tâm bảo tồn, tôn tạo, xếp hạng, trong đó có 13 di tích cấp tỉnh, 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt. Hoạt động sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác tuyên truyền, dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai và bồi dưỡng đội ngũ nghệ nhân chỉnh chiêng được thực hiện thường xuyên. Các cơ quan báo chí đã xuất bản ấn phẩm bằng song ngữ Việt-Bahnar, Việt-Jrai, từng bước đáp ứng thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT cũng đạt được những kết quả quan trọng. Một số tác phẩm đạt giải cao trong nước và khu vực. Tính riêng năm 2022, toàn tỉnh có 85 tác phẩm đạt giải thưởng quốc tế, cấp ngành và khu vực, riêng lĩnh vực nhiếp ảnh đạt 69 giải thưởng từ các cuộc thi, triển lãm khu vực và quốc tế.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng phát triển, ngày càng nâng cao cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị cũng như năng lực sáng tạo. Số lượng hội viên Hội VHNT tỉnh từ 90 người (năm 2008) đã tăng lên 190 người (năm 2023), trong đó có 1 nghệ sĩ nhân dân, 7 nghệ sĩ ưu tú, 20 hội viên là người dân tộc thiểu số, có 59/190 hội viên là hội viên các hội chuyên ngành Trung ương.
Phát huy vai trò của VHNT
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Chương trình số 46-CTr/TU, một số hạn chế, tồn tại đã được hội nghị chỉ ra. Đó là việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của một số cấp ủy, chính quyền chưa kịp thời, chung chung, chưa cụ thể, thiếu tính khả thi. Việc đầu tư cho sự nghiệp văn hóa nói chung, VHNT nói riêng những năm gần đây có tăng nhưng còn thấp so với yêu cầu. Công tác lý luận, phê bình VHNT phát triển chậm, chưa theo kịp trào lưu sáng tác. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao.
Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, phát hành tác phẩm còn hạn chế, chưa có giải pháp cho đầu ra tác phẩm VHNT. Công tác quy hoạch đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ lĩnh vực VHNT chưa tương xứng so với sự phát triển xã hội; nhất là công trình thiết yếu như nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm. Hội nghị cũng ghi nhận nhiều tham luận của các địa phương, cơ quan, đơn vị, văn nghệ sĩ nhằm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW tốt hơn trong thời gian tới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến hỗ trợ hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương; đồng thời, bày tỏ nhiều vấn đề liên quan đến chế độ chính sách đối với hoạt động VHNT hiện nay. Đề cập vấn đề đào tạo, bồi dưỡng lực lượng sinh viên chuyên ngành văn hóa-nghệ thuật phục vụ sự nghiệp VHNT của tỉnh, đại diện Trường Cao đẳng Gia Lai cho biết, công tác tuyển sinh, chiêu sinh những năm qua gặp nhiều khó khăn. Đây là ngành học đặc thù, ngoài kiến thức còn yêu cầu cao về năng khiếu. Trong khi đó, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La đề xuất tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến những người làm công tác văn hóa-văn nghệ và có sự đầu tư xứng đáng để đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo.
Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Xuân La thay mặt văn nghệ sĩ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Về hoạt động quảng bá, giới thiệu tác phẩm VHNT đến với công chúng, nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh-cho biết: Mỗi kỳ báo Gia Lai đều dành trang 6 và 7 để đăng tải các bài phản ánh về hoạt động VHNT cũng như các sáng tác của văn nghệ sĩ. Riêng số báo cuối tuần, Ban Biên tập mời nhà thơ Văn Công Hùng phụ trách chuyên mục “Gương mặt thơ” giới thiệu các nhà thơ có nhiều cống hiến và một số tác phẩm nổi bật. Đây là chuyên mục hiện được giới văn chương trong cả nước đánh giá cao. Bên cạnh đó, năm 2023, Báo Gia Lai còn phối hợp với UBND TP. Pleiku tổ chức cuộc thi “Ảnh đẹp Pleiku”. Đây là cơ hội để các nhà nhiếp ảnh giới thiệu tác phẩm ảnh nghệ thuật với công chúng thông qua Báo Gia Lai điện tử.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương, văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân góp phần vào sự phát triển VHNT của tỉnh. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT theo chủ trương của Đảng và tinh thần phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, thời gian đến, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp, các ngành và Hội VHNT tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn xã hội và đội ngũ văn nghệ sĩ quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, VHNT, nhất là những nội dung cơ bản Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 46-Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, hướng về cơ sở và trong các trường học; tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ phát huy tài năng, trí tuệ, tâm huyết cống hiến và sáng tạo. Khuyến khích, động viên văn nghệ sĩ tích cực sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm để có nhiều tác phẩm, công trình giá trị. Phát huy vai trò văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách, nhất là thế hệ trẻ. Anh chị em văn nghệ sĩ cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Triển lãm mỹ thuật là một trong những hoạt động được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức nhằm phát huy sự sáng tạo của hội viên. Ảnh: Đức Thụy |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Hội VHNT tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò là mái nhà chung, tổ chức tập hợp, động viên, giáo dục để mỗi hội viên nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; không dao động, không bị lôi kéo bởi các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị đang tìm mọi cách để chống phá Đảng, Nhà nước ta trên mặt trận tư tưởng văn hóa-văn nghệ. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, giới thiệu, quảng bá tác phẩm, tác giả đến với công chúng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình VHNT, bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo, khác biệt của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn cũng đề nghị các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục lãnh đạo quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 46 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phát huy vai trò của VHNT và tạo điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ hoạt động đúng mục đích, sở trường, phát huy hết khả năng sáng tạo. Cần lắng nghe, đối thoại với văn nghệ sĩ để kịp thời giải quyết, cho ý kiến giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Chủ động nghiên cứu, tham mưu với tỉnh các cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, tôn vinh các văn nghệ sĩ tài năng, có phẩm chất đạo đức tốt, có nhiều cống hiến cho sự phát triển của tỉnh.