Kinh tế

Chữa bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu bằng vi khuẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những năm qua, bệnh chết nhanh (CN) hay còn gọi là (thối gốc, rễ) trên cây hồ tiêu, đã gây thiệt hại lớn cho người trồng tiêu trên cả nước. Tuy nhiên vẫn chưa có một phương pháp phòng và điều trị bệnh hữu hiệu. Chia sẻ những khó khăn trên, mới đây các nhà Khoa học tại Đại học Nông lâm Huế đã nghiên cứu thành công giải pháp phòng trị bệnh CN trên cây hồ tiêu bằng chế phẩm sinh học Pseudomonas.

Giải pháp trên đã được áp dụng thử nghiệm tại nhiều vườn tiêu ở Quảng Trị, Đak Lak… và cho kết quả rất cao.

Dùng vi khuẩn ức chế vi khuẩn

 
Hồ tiêu chết hàng loạt do bệnh chết nhanh gây ra tại rất nhiều vườn tiêu trên cả nước. Ảnh: Mi Phương
Hồ tiêu chết hàng loạt do bệnh chết nhanh gây ra tại rất nhiều vườn tiêu trên cả nước. Ảnh: Mi Phương

Hồ tiêu là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam, đem lại giá trị kinh tế và nguồn thu nhập lớn cho nông dân. Tuy nhiên, trong những năm qua, sản xuất hồ tiêu của Việt Nam bị hạn chế do một số bệnh hại gây nên. Trong đó, bệnh CN do nấm Phytophthora capsici là bệnh gây thiệt hại chủ yếu cho người trồng tiêu trong nước và cả trên thế giới.

Nấm Phytophthora capsici có thể tấn công, gây hại tất cả các bộ phận và các giai đoạn sinh trưởng của cây hồ tiêu, gây thiệt hại lớn về năng suất có khi lên tới 40-50% và tại một số vườn tiêu, bệnh CN gây chết hàng loạt có khi lên đến 100% toàn vườn khiến cho nông dân nhiều nơi phải phá bỏ vườn tiêu, chuyển đổi cây trồng gây tốn kém, mất thời gian, công sức…

Trước khó khăn đó, đầu năm 2005, các nhà khoa học tại Đại học Nông lâm Huế đã bắt tay vào nghiên cứu, thực nghiệm tại nhiều vườn tiêu bị bệnh trên cả nước. Qua nghiên cứu, tìm, phân lập, các nhà Khoa học đã phát hiện trong rễ cây hồ tiêu có vi khuẩn Seudomonas, là vi khuẩn có khả năng ức chế nấm gây bệnh chết nhanh Phytophthora capsici trên cây hồ tiêu. Đây được xem là một phát hiện mang tính đột phá mang đến sự thành công sau này.

 

TS. Trần Thị Thu Hà đang giới thiệu chế phẩm Pseudomonas với các đồng nghiệp. Ảnh: Mi Phương
TS. Trần Thị Thu Hà đang giới thiệu chế phẩm Pseudomonas với các đồng nghiệp. Ảnh: Mi Phương

TS. Trần Thị Thu Hà- Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora capsici tồn tại trong đất xâm nhập vào phá hủy bộ rễ cây, gây ra hiện tượng rụng lá và đốt, thường bắt đầu từ ngọn trở xuống… Chính vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng vi khuẩn đối kháng Seudomonas cấy lây nhiễm vào rễ, thân cây hồ tiêu bị bệnh để ức chế và triệt tiêu nấm bệnh gây hại Phytophthora capsici đã cho kết quả rất cao.

Ở nước ta biện pháp phòng trừ sinh học bằng các vi sinh vật đối kháng nói chung còn chưa được nghiên cứu và ứng dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc nghiên cứu sản xuất chế phẩm sinh học Pseudomonas ứng dụng trong phòng và điều trị bệnh CN trên cây hồ tiêu là việc làm cấp thiết nhằm phục vụ sản xuất hồ tiêu xuất khẩu và vực lại diện tích trồng tiêu của cả nước bị bệnh CN tàn phá trong thời gian qua.

Hiệu quả cao - dễ sử dụng

 

Rung lá một biểu hiện của bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu. Ảnh: Mi Phương
Rung lá một biểu hiện của bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu. Ảnh: Mi Phương

Ở Việt Nam, bệnh CN làm giảm năng suất hồ tiêu hàng năm 15 - 20%, nhiều vườn tiêu bị thiệt hại lên tới 100% do không có kinh nghiệm phòng trừ, quản lý bệnh, sử dụng thuốc hóa học không đúng cách và đặc biệt là sử dụng lại giống đã bị nhiễm bệnh. Thực tế cho thấy đã có nhiều phương pháp được bà con nông dân áp dụng tuy nhiên do một số lý do kết quả không được cao. Hơn nữa hiện nay ở Việt nam chưa có giống tiêu chống chịu được bệnh CN.

Theo TS. Hà, chế phẩm pseudomonas dùng để phòng bệnh hơn là chữa bệnh, thực hiện phòng bệnh trước mùa mưa (mùa mưa là thời điểm cao nhất của bệnh CN), dùng để tưới vào thân, gốc và bón lót giống như sử dụng các loại phân hóa học nên rất dễ sử dụng. Nếu áp dụng đúng kỹ thuật có thể giảm tỉ lệ cây chết do bệnh xuống từ 15 - 35%, cao hơn nhiều so với các phương pháp khác.

Bên cạnh đó vi khuẩn Seudomonas còn tiết ra chất kích thích sinh trưởng idole, acetic acid, kích thích cây trồng sinh trưởng phát triển mạnh tăng sức đề kháng chống bệnh. Đồng thời, sản phẩm rất dễ sử dụng, không ảnh hưởng tới môi trường cũng như nông sản sau khi thu hoạch.

Đặc biệt cũng với chế phẩm pseudomonas với phương pháp và liều lượng, kỹ thuật nhất định có thể dùng để xử lý hom tiêu giống, giúp loại bỏ các mầm bệnh cho hom tiêu giống sạch bệnh và phát triển nhanh gấp 2 lần so với nhân hom giống bình thường.

Với sáng kiến sản suất chế phẩm sinh học từ các chủng vi khuẩn seudomonas và phát triển thành chế phẩm sinh học Pseudomonas để phòng trừ bệnh CN được áp dụng từ khâu sản xuất tiêu giống cho đến khi trồng đại trà sẽ mở ra một triển vọng mới giúp người dân trồng tiêu hạn chế thiệt hại do bệnh CN gây ra. Giúp người nông dân chủ động sản xuất với ưu điểm giá thành rất thấp, thấp hơn 2 - 3 lần so với các phương pháp khác, lại không gây ô nhiễm môi trường, không độc hại…

TS. Hà cho biết thêm trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phát triển các chế phẩm sinh học đa dạng hơn, để áp dụng cho một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao khác... Hiện chế phẩm sinh học Pseudomonas mới chỉ được sản xuất quy mô nhỏ phục vụ cho việc nghiên cứu và thử nghiệm tại một số tỉnh như: Quảng Trị, Đak Lak… Trong thời gian tới, sẽ được chuyển giao công nghệ để sản xuất quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Mi Phương
 

Có thể bạn quan tâm