Đô thị

Chưa có tiêu chuẩn xây dựng đô thị thông minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xây dựng đô thị thông minh (smart city) tại Việt Nam là một trong 4 chủ đề lớn được đưa ra bàn thảo tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2017 (Vietnam ICT Summit 2017) diễn ra mới đây.

 

Trong đó, hai vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất là việc chưa có một tiêu chuẩn cụ thể về smart city cho Việt Nam và vấn đề tương thích giữa các giải pháp, liên thông dữ liệu trong quá trình triển khai.

Theo GS Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện CNTT Đại học Quốc gia Hà Nội, khái niệm smart city đã được nhắc đến từ nhiều năm nay và thế giới cũng đã có bộ tiêu chuẩn ISO dành cho smart city.

Bộ tiêu chuẩn này gồm 18 chỉ số thuộc 6 lĩnh vực: Người dân thông minh; Kinh tế thông minh; Môi trường sống thông minh; Chính quyền số thông minh; Đời sống thông minh; Giao thông, liên lạc thông minh. Tuy nhiên, đây là bộ tiêu chuẩn chung, còn với mỗi quốc gia, với đặc điểm riêng về văn hóa, kinh tế, xã hội thì việc áp dụng sẽ khác nhau.

Vì vậy, ASSOCIO (Hiệp hội Công nghiệp máy tính châu Á và châu Đại Dương) đã đề xuất xây dựng chuẩn về smart city riêng cho các quốc gia trong hai khu vực.

Đến cuối năm 2016, ASSOCIO đã hình thành một mô hình khung và đề xuất triển khai thử nghiệm tại 9 thành phố trong khu vực, trong đó có 3 thành phố tại Việt Nam.

Dự kiến cuối năm nay sẽ tổng hợp kết quả triển khai thử nghiệm tại 9 thành phố này và sẽ hoàn thành bộ tiêu chuẩn trong năm sau.

Theo GS Nguyễn Ái Việt, tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có một bộ tiêu chuẩn chính thức đối với việc triển khai smart city tại Việt Nam. Smart city được hiểu một cách khá chung chung là “việc sử dụng CNTT ở mức độ cao để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân”.

Là một trong những doanh nghiệp cung cấp giải pháp smart city chủ lực tại Việt Nam hiện nay, nhưng Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm cũng thừa nhận khái niệm còn khá chung chung và mơ hồ về smart city.

Việc chưa có bộ tiêu chuẩn chính thức là một trong những thách thức đối với các nhà cung cấp giải pháp khi tư vấn, triển khai cho khách hàng. Tuy nhiên, ông Liêm khẳng định, đây không phải là vấn đề quá lớn.

Trong quá trình xây dựng giải pháp, VNPT đã hợp tác với nhiều đối tác lớn của nước ngoài và đến các quốc gia khác để học hỏi kinh nghiệm. VNPT nhận thấy nhu cầu khi triển khai smart city ở mỗi một địa phương là khác biệt, dẫn tới giải pháp, lộ trình triển khai cũng như các tiêu chuẩn đi kèm cũng có sự khác biệt.

Vì vậy, trước hết cần làm việc với khách hàng để tìm hiểu nhu cầu cụ thể, sau đó khảo sát tình hình rồi mới đề xuất giải pháp, xây dựng lộ trình. Trước sự e ngại của một số ý kiến về khả năng tương thích các giải pháp của các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau khi triển khai smart city, ông Liêm khẳng định việc tương thích giải pháp là điều bắt buộc khi triển khai.

Giải pháp smart city của VNPT được phát triển trên một nền tảng hoàn toàn mở, hỗ trợ tất cả các giải pháp công nghệ của các đối tác triển khai trên đó.

Ngoài tính tương thích, nền tảng này còn phải đảm bảo để các dữ liệu trên toàn hệ thống có thể liên thông với nhau, hỗ trợ công tác điều hành hàng ngày cũng như phục vụ công tác xây dựng quy hoạch trong tương lai của chính quyền.

Với giải pháp có tính linh hoạt cao, được xây dựng trên một nền tảng hoàn toàn mở và mô hình hợp tác đa dạng (hợp tác công tư hoặc cho thuê dịch vụ…), VNPT đã được nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước lựa chọn trở thành đối tác tin cậy trong chiến lược xây smart city của mình.

Cho tới nay, VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai xây dựng smart city tổng thể với gần 10 thành phố và rất nhiều dự án trong các lĩnh vực giao thông, du lịch… thông minh đang được triển khai riêng lẻ.

Một trong 6 thông điệp được Vietnam ICT Summit 2017 tuyên bố khi bế mạc là: “Khẩn trương xây dựng các smart city, tạo dựng hệ sinh thái cho các dịch vụ phục vụ dân sinh phát triển, an toàn cho người dân theo các tiêu chí, tiêu chuẩn về smart city, cộng đồng thông minh của thế giới và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam; trước tiên cần sớm xây dựng trung tâm điều hành kết nối thông tin của thành phố; đảm bảo hạ tầng thông tin là một cấu phần bắt buộc trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; áp dụng mô hình thông tin đô thị CIM (City Information Model) và sử dụng dữ liệu lớn từ IoT để quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành đô thị”.

Theo đó, smart city phải được xây dựng trên cơ sở lấy người dân, đời sống người dân làm trung tâm phát triển. Mọi cơ sở hạ tầng hiện đại, thông minh được xây dựng và phát triển hướng đến việc phục vụ người dân tốt hơn, đảm bảo và nâng cao chất lượng sống cả cộng đồng cũng như từng cá nhân. Đây được xem là những tiêu chí cơ bản, đầu tiên để phát triển smart city ở Việt Nam hiện nay.

Trần Lưu (sggp)

Có thể bạn quan tâm