Du lịch

Chưa phát huy được tiềm năng du lịch của làng nghề truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai hội tụ 34 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đối với một địa phương có trên 46% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nét văn hóa đặc trưng không thể bỏ quên là dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng và nghệ thuật cồng chiêng. Thế nhưng để định hướng xây dựng sản phẩm hàng lưu niệm góp phần đa dạng dịch vụ du lịch địa phương còn là một chặng đường đầy gian nan. Cái khó không những phụ thuộc vào cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, sự phát triển của khoa học kỹ thuật mà còn ở niềm đam mê tiếp nối nghề truyền thống của thế hệ trẻ.

Sản phẩm truyền thống khó cạnh tranh về giá thành

 

Ảnh: Tú Uyên
Ảnh: Tú Uyên

Theo thống kê của ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, khá nhiều buôn làng vẫn còn tồn tại nghề truyền thống, điển hình như các huyện: Chư Pah, Chư Pưh, Đak Đoa, Ia Grai, Chư Sê, Kbang, Krông Pa, Mang Yang, Phú Thiện. Các sản phẩm đều có giá trị khai thác và vận dụng trong hoạt động du lịch, nhưng hầu hết chỉ hoạt động cầm chừng, hay sản phẩm làm ra chỉ dừng lại ở mục đích sử dụng cá nhân mà thôi.

Hợp tác xã Dệt thổ cẩm xã Ia Ka (huyện Chư Pah) gồm có trên 80 thành viên. Các thành viên luân phiên nhau dệt vào 2 buổi tối trong tuần vì số lượng khung dệt có hạn, chỉ 6 khung. Vì thế, để làm ra 1 bộ đồ thành phẩm truyền thống phải mất khoảng thời gian đến cả tháng. Bà Lê Thị Thanh-Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia Ka (huyện Chư Pah), cho biết: “Một bộ váy truyền thống có giá bán lên đến 1 triệu đồng. Hầu như các hội viên bán lại cho người trong làng chứ chưa thể bán ra bên ngoài thị trường do giá cao hơn sản phẩm dệt bằng máy. Trong khi sản phẩm dệt máy hoa văn đều hơn và chất lượng như sản phẩm truyền thống. Đó cũng là một điều trăn trở cho chị em hội viên”.

Đứng trước sự cạnh tranh với trang phục may sẵn, anh Rah Lan Ven-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Pah, bày tỏ: “Cần có cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đầu tư thêm máy móc, nguyên liệu và giới thiệu đầu ra sản phẩm để nghề truyền thống tồn tại và người dân đam mê với nghiệp của mình”. Đồng thời, du lịch làng nghề muốn phát triển phải đi cùng sự phát triển của mô hình làng du lịch văn hóa. Tức có cảnh quan môi trường sạch đẹp, có sắc thái địa phương, có các di sản văn hóa phong phú và mang tính độc đáo, hấp dẫn đối với du khách.

Nghề truyền thống dần bị mai một

 

Ảnh: Tú Uyên
Ảnh: Tú Uyên

Nghề truyền thống mang tính lâu dài và bền vững, đòi hỏi sự gắn kết của một cộng đồng. Nghề truyền thống không thể tự kéo dài tuổi thọ nếu không có sự gìn giữ, bảo tồn của con người-những thế hệ đi sau. Ngoài việc học con chữ, rất ít con em theo bà, theo mẹ để học nghề truyền thống của dân tộc. Nếu có cũng chỉ là sự xem xét qua loa. Cùng quan điểm đó, Trưởng thôn Siu Ayưn-làng Nhin, xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) tỏ ra thất vọng: “Làng tôi có 1 đội chiêng hay đi diễn phục vụ lễ hội, ma chay và tôn giáo. Nhưng những người già chết dần cả rồi, thanh niên thì không chịu tập đánh chiêng để giữ gìn nét văn hóa. Giờ đội chiêng chỉ còn 4 hay 5 người. Nghĩ cũng buồn”. Anh Rah Lan Ven cho biết, đã tổ chức đi đến từng nhà, từng ngõ xóm, thôn buôn để vận động học nghề truyền thống của dân tộc nhưng hầu hết thanh niên không mặn mà với điều ấy.

Chư Pah, Chư Pưh, Đak Đoa, Chư Sê… là các huyện gần kề với trung tâm TP. Pleiku, có tiềm năng thu hút khách du lịch. Ở mỗi huyện đều có nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số còn duy trì nghề truyền thống. Chỉ tính riêng huyện Chư Pah có 123 thôn làng thì có 73 làng đồng bào dân tộc thiểu số còn duy trì nghề truyền thống như dệt, cồng chiêng, tạc tượng… Tuy nhiên Gia Lai vẫn chưa thể đưa làng nghề truyền thống trở thành thế mạnh du lịch địa phương vì hầu hết sinh hoạt nhỏ lẻ, thiếu sự đầu tư bài bản. Người dân và chính quyền địa phương mong muốn có được nguồn thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm của khách du lịch để ngành du lịch địa phương được phát triển, đem lại đời sống kinh tế khá cho bà con. Đó cũng là mong mỏi của ngành du lịch tỉnh nhà.

Tú Uyên

Có thể bạn quan tâm