Du lịch

Chuẩn bị các khâu sẵn sàng mở cửa lại du lịch khi thực sự an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tham dự Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển”, từ đầu cầu tại Văn phòng Chính phủ (Hà Nội), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sẵn sàng mở cửa lại du lịch khi thực sự an toàn.
Về giải pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho khách du lịch trong bối cảnh "bình thường mới", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành sẽ tiếp thu ý kiến của các địa phương, các đơn vị lữ hành, lưu trú, hãng hàng không để đưa ra giải pháp tối ưu, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch khi đón khách du lịch vào Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đã xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan ngày càng nhanh. Việt Nam đã có vaccine và đã tổ chức tiêm vaccine, đã và đang triển khai dùng thuốc điều trị với các trường hợp mắc Covid-19. Các nước trên thế giới cũng đã thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch cho phù hợp với tình hình mới.
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, sau các đợt bùng phát dịch, ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Đến nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vaccine (người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine) của 77 quốc gia và đề nghị các nước công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam. Với những cơ sở dữ liệu trên, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng hướng dẫn các hãng hàng không, đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch các giải pháp thay đổi theo từng cấp độ dịch.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, từ ngày 1-1-2022 sẽ bắt đầu thí điểm áp dụng quy định du khách vào Việt Nam đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, có xét nghiệm RT-PCR âm tính 72 giờ trước khi nhập cảnh sẽ không phải cách ly mà chỉ theo dõi sức khỏe 3 ngày tại nơi lưu trú. Với du khách chưa tiêm đủ hoặc chưa tiêm vaccine sẽ cách ly tại nơi lưu trú 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 3 và thứ 7. Trong thời gian cách ly sẽ được tiêm miễn phí. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, trong tình hình mới, chúng ta không được lơ là, chủ quan.  
Từ đầu cầu tại Văn phòng Chính phủ (Hà Nội), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước đại dịch Covid-19, Bộ Chính trị đã có nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và nhiều việc đang được triển khai đúng hướng. Du lịch Việt Nam đã có những bước thay đổi rất rõ. Tuy nhiên, 2 năm qua, du lịch là một trong những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp, hộ gia đình làm du lịch, các ngành phục vụ cho du lịch đã vượt qua rất nhiều khó khăn, với trách nhiệm cao nhất, nỗ lực duy trì hoạt động, hỗ trợ ở mức tốt nhất có thể cho các lực lượng trực tiếp, gián tiếp làm du lịch; cho công tác phòng, chống dịch. Nếu không nỗ lực duy trì như vậy, nhiều chuyên gia nhận định, du lịch Việt Nam có thể mất 7 đến 10 năm để khôi phục.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại đầu cầu Văn phòng Chính phủ
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, những vấn đề chung liên quan đến phát triển du lịch như thủ tục xuất/nhập cảnh, xúc tiến thị trường, hạ tầng gắn với sản phẩm, môi trường, số hoá… đã được triển khai trong những năm qua. Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều hội nghị liên kết du lịch vùng cũng đã được tổ chức để tranh thủ những “khoảng lặng” trong đại dịch để thúc đẩy ngành du lịch.
Phó Thủ tướng chia sẻ thêm 2 vấn đề đối với phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.
Thứ nhất là tăng cường du lịch cộng đồng với sức hấp dẫn của văn hoá dân gian, vừa bổ trợ cho sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp lớn, đồng thời giúp người dân cải thiện sinh kế, tiếp cận với văn minh bên ngoài qua du khách. “Làm du lịch cộng đồng tưởng chừng dễ nhưng rất khó. Ví dụ, những thứ hoang sơ nguyên vẹn mới giá trị nhưng nhiều khi chúng ta lại phá vỡ bằng những thứ hiện đại, tưởng chừng tốt nhưng về lâu dài lại không tốt. Điều này rất cần những doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm, phối hợp với chính quyền địa phương để đầu tư, kết nối với các cộng đồng du lịch”, Phó Thủ tướng nói.
Thứ hai là cần khẩn trương số hoá các nguồn tài nguyên về du lịch, đặc biệt là văn hoá.
Theo Phó Thủ tướng, lãnh đạo Tổng Cục du lịch có nói đến việc mở cửa, nhưng dù có mở thế nào đi chăng nữa thì nếu không an toàn thì không ai đến. Ngay cả trong nước không an toàn thì du lịch nội địa cũng không phát triển được. Chúng ta vẫn phải thực hiện tốt các công tác phòng, chống dịch; không nên quá nóng vội.
“Ngành du lịch đã có chiến lược, tầm nhìn, giải pháp lớn, vấn đề là thực hiện”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý phải thực hiện thật tốt các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất, đồng thời chuẩn bị các khâu sẵn sàng mở cửa lại du lịch khi thực sự an toàn thay vì “vội vã mở ra nhưng không kèm theo những biện pháp thật chắc chắn”. Trước mắt là khẩn trương tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ ba, bảo đảm có đủ thuốc điều trị bệnh.
MAI AN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm