Kinh tế

Giá cả thị trường

Chuẩn bị nguồn lực đón cơ hội từ CPTPP

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14-1-2019. 
Đến nay, qua 3 tháng đầu tiên thực thi CPTPP đã có 269 giấy chứng nhận xuất xứ (CO) theo mẫu CPTPP được cấp. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp đã bước đầu hiện thực hóa cơ hội từ CPTPP để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), ngay khi CPTPP có hiệu lực và đi vào thực thi đã có những doanh nghiệp chủ động tận dụng được cơ hội. 
Cụ thể, thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP đã tăng cao. Như với Nhật Bản đạt 2,9 tỉ USD, tăng cao hơn so với 2,6 tỉ USD cùng kỳ; Canada đạt 506,8 triệu USD so với 370,9 triệu USD; Mexico đạt 321 triệu USD, trong khi cùng kỳ là 289 triệu USD... 
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong quý I-2019 đạt 4,62 tỷ USD, tăng 6,68% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng tháng 3-2019, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 1,68 tỷ USD, tăng mạnh 62,25% so với tháng 2-2019 và tăng 2,71% so với tháng 3-2018. 
 
Doanh nghiệp cần phải xây dựng được nền tảng năng lực cạnh tranh trên cơ sở sản xuất và chất lượng sản phẩm. (Ảnh minh hoạ internet)
Trong khi đó, Canada cũng được đánh giá là một trong những thị trường mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP. 
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản tăng nhanh trong quý I-2019 được cho là nhờ Hiệp định CPTPP. Theo đó, Nhật Bản lần đầu tiên cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Thông tin từ Tập đoàn Hoa Sen cho biết, mới đây DN đã xuất khẩu lô hàng 15.000 tấn tôn vào thị trường Mexico. Với trị giá lên tới 12 triệu USD, đây được xem là lô hàng tôn mạ lớn nhất xuất khẩu vào thị trường này sau khi CPTPP có hiệu lực. 
Hiệp định mở ra kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, để có được những lô hàng lớn đến các thị trường khó tính, DN phải có lợi thế cạnh tranh cốt lõi như sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cả hợp lý, thời gian giao hàng nhanh”, đại diện Tập đoàn Hoa Sen nói.
Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) Bùi Tuấn Hoàn phân tích, dệt may và da giày là hai ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi CPTPP có hiệu lực. 
Trong đó mức thuế nhập khẩu hàng dệt may được giảm từ 16 -17% xuống còn 0% theo lộ trình 4 năm; da giày được giảm thuế từ 18% xuống còn 0% trong lộ trình 7 -11 năm. 
Với một số mã sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ của CPTPP có thể được xem xét xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay tại thời điểm hiện tại. Mức chênh lệch khá cao về thuế suất nhập khẩu sẽ là lợi thế lớn của Việt Nam trong việc cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu hàng dệt may và da giày vào Canada thời gian tới. 
Một ngành hàng khác cũng có nhiều dư địa để hợp tác với Canada là chế biến, xuất khẩu gỗ. Theo đó, Việt Nam và Canada có nhiều lợi thế bổ sung cho nhau trong quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi. 
Tuy nhiên, tất cả các cơ hội xuất khẩu vào Canada có thể chỉ nổi bật trong một thời gian ngắn, vì vậy DN Việt cần chủ động tận dụng nhanh, hiệu quả, nhằm chiếm lĩnh ưu thế trước khi các quốc gia có lợi thế tương tự gia nhập CPTPP, đồng thời khai thác Canada như một cửa ngõ để tiếp cận hiệu quả các thị trường giàu tiềm năng tại châu Mỹ.
CPTPP là thị trường có quy mô lên tới 13% GDP toàn cầu, chiếm 14,4% thương mại thế giới nên đặt ra nhiều kỳ vọng cho hàng hóa Việt Nam nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là những thách thức không nhỏ đặt ra với DN Việt Nam để thâm nhập được vào các thị trường khó tính trong CPTPP. 
Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (CIEM) Nguyễn Ánh Dương cho rằng, để đón đầu cơ hội từ CPTPP hay các FTA, vấn đề quan trọng nhất là sự chuẩn bị các nguồn lực. Theo đó, DN cần quan tâm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nước ngoài, nâng cao chất lượng sản phẩm theo nhu cầu khách hàng. Ngoài ra, cơ quan nhà nước cũng cần chuẩn bị tốt về cơ chế, chính sách hỗ trợ DN đón đầu cơ hội.
Để có thể hưởng được ưu đãi thuế từ CPTPP, ngoài việc đáp ứng yêu cầu chứng nhận xuất xứ, DN cần phải xây dựng được nền tảng năng lực cạnh tranh vững chắc trên cơ sở sản xuất và chất lượng sản phẩm. Thực tế, ngay khi hiệp định chưa có hiệu lực, hàng loạt DN nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam để đón đầu cơ hội từ CPTPP. 
Thực tế này đặt ra yêu cầu DN cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh từ nội tại để hiện thực hóa các cơ hội khi vào các thị trường khó tính trong CPTPP.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam có thêm điều kiện thu hút mạnh đầu tư, để thực hiện tiềm năng xuất khẩu, gia tăng hàng xuất khẩu. 
Theo ông Khánh, sức ép cạnh tranh là có nhưng chưa phải thách thức lớn, lớn nhất là các doanh nghiệp phải tự đổi mới chính mình, tư duy, coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường, sau đó, trong cạnh tranh cần chuyển từ bị động, phòng ngự, kêu họi hỗ trợ chuyển sang tích cực, chủ động. 
Nhà nước sẽ đồng hành cùng DN nhưng sự chủ động của DN là cần thiết, yếu tố quyết định sự thành bại của DN trong Hiệp định CPTPP.
Lưu Hiệp (Công an nhân dân)

Có thể bạn quan tâm