Phóng sự - Ký sự

Chung một dòng sông - Kỳ 4: Những doanh nghiệp cầu nối hữu nghị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, mối quan hệ hữu nghị 2 nước Việt Nam-Campuchia luôn được hai bên dày công vun đắp, thể hiện rõ nét qua nhiều chuyến thăm cấp nhà nước, cấp tỉnh. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh ở Campuchia, qua đó giải quyết việc làm và tạo nguồn thu nhập cho người dân nước bạn.
“Mình giúp bạn, bạn giúp mình”
Gia Lai nằm trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Riêng đối với Campuchia, chúng ta có quốc lộ 19 kết nối với đường 78 (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, dịch vụ. Tận dụng lợi thế đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tại Campuchia. Không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp này còn giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nước bạn.
Nói về các dự án đầu tư của doanh nghiệp Gia Lai tại Campuchia, ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Hiện có 188 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia với tổng số vốn đăng ký 2,85 tỷ USD. Trong số này có 14 dự án của các doanh nghiệp tỉnh Gia Lai với tổng vốn 768 triệu USD, đã giải ngân trên 557 triệu USD. Các dự án chủ yếu triển khai trên lĩnh vực trồng cao su, chăn nuôi, chế biến.
Ông Trương Minh Tiến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang-cho hay: Công ty cổ phần Cao su Mang Yang-Ratanakiri đã trồng gần 8 ngàn ha cao su tại Ratanakiri với tổng vốn đầu tư hơn 80 triệu USD. Hiện nay, diện tích cao su của Công ty đã đưa vào khai thác và đem lại hiệu quả kinh tế cao. “Chúng tôi luôn xác định muốn sản xuất kinh doanh có hiệu quả thì phải gắn bó với chính quyền địa phương và tập trung giúp đỡ người dân xóa đói giảm nghèo. Do đó, Công ty đã đầu tư xây dựng hơn 300 căn nhà với 6 cụm dân cư trong vùng dự án, xây dựng 1 ngôi chùa trị giá hơn 200 ngàn USD, 1 trường học. Ngoài ra, Công ty còn xây dựng 1 trạm y tế với diện tích hơn 1.000 m2, có 11 y-bác sĩ (4 người Campuchia) làm việc. Hàng năm, đơn vị trao tặng trên 200 suất quà (500 ngàn đồng/suất) cho người dân địa phương và xây nhà tặng cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn”-ông Tiến thông tin.
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh- nơi thông thương hàng hóa giữa Gia Lai và Camphuchia
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-nơi thông thương hàng hóa giữa Gia Lai và Camphuchia. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Trong khi đó, ông Phan Đình Luyến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh thì thông tin: Công ty đã trồng 5.000 ha cao su và xây dựng nhà máy chế biến mủ tại huyện San Dan, tỉnh Kampong Thom. “Chúng tôi vừa nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh vừa vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa Chính phủ và Nhân dân 2 nước. Chính vì thế, bên cạnh tuyển dụng, đào tạo lao động người Campuchia làm công nhân, chúng tôi còn xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp đỡ các địa phương trong vùng dự án phát triển kinh tế. Đơn vị đã đầu tư xây dựng 1 làng công nhân và hệ thống nước sinh hoạt với nguồn kinh phí hơn 300 ngàn USD; làm 21 km đường giao thông với số tiền hơn 148 ngàn USD”-ông Luyến cho hay.
Dự án của các doanh nghiệp Gia Lai triển khai tại Campuchia không những góp phần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của người dân vùng dự án mà còn tạo diện mạo mới cho nhiều địa phương. Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang: “Trước đây, vùng triển khai dự án của Công ty khá hoang vu, dân cư thưa thớt, người dân chủ yếu bám vào rừng nên cuộc sống rất khó khăn. Khi mới triển khai dự án tại Campuchia, chúng tôi rất khó tuyển dụng lao động. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, qua tuyên truyền, vận động, nhiều người dân Campuchia đã xin làm công nhân của Công ty. Mỗi tháng, công nhân được Công ty trả lương 250 USD/người. Chúng tôi phấn đấu cuối năm nay sẽ nâng lên 280 USD”.
Để các dự án triển khai và đạt hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, chính quyền và người dân Campuchia luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Theo Thượng tá Hà Trọng Bảo-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15), trong quá trình triển khai dự án, đơn vị nhận được những sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và người dân tỉnh bạn. Đặc biệt là trong việc giải quyết các thủ tục để vận chuyển vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất, thủ tục xuất-nhập cảnh giữa hai bên cửa khẩu. Cùng với đó, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với Công ty để tuyên truyền, vận động người dân tham gia làm công nhân trong dự án của đơn vị. Ngoài ra, chính quyền và các lực lượng chức năng của bạn còn phối hợp với Chi nhánh của Công ty trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, tổ chức các hoạt động kết nghĩa giúp đỡ nhau.
Đi tắt, đón đầu
Tỉnh Gia Lai có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) kết nối quốc lộ 19 xuống Cảng Quy Nhơn. Đây chính là cung đường ngắn nhất đưa hàng hóa của các tỉnh Đông Bắc Campuchia vươn ra thế giới. Theo thông tin từ Sở Công thương, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2022 qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh ước đạt 65 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 17,8 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu đạt 38 triệu USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kim ngạch xuất-nhập khẩu qua khu vực này vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng so với tiềm năng thế mạnh các bên.
Là doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực biên giới Đức Cơ từ năm 1996, ông Nguyễn Trọng Điểm-Công ty TNHH một thành viên Mai Nguyễn nắm khá rõ tiềm năng, lợi thế để hợp tác phát triển giữa hai bên biên giới. Ông cho biết: “Các tỉnh Đông Bắc Campuchia có rất nhiều nông sản, hàng hóa mà doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu thu mua. Riêng sản lượng nông sản của tỉnh Ratanakiri chiếm 37% sản lượng nông sản của Campuchia. Các mặt hàng chủ yếu gồm: điều, mì, cao su, hoa quả. Đây là thị trường rất tiềm năng nhưng chúng ta chưa khai thác hết. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã thu mua hơn 7 ngàn tấn hạt điều từ bên kia biên giới”.
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Mai Nguyễn sơ chế hạt điều nhập khẩu từ Campuchia. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Mai Nguyễn sơ chế hạt điều nhập khẩu từ Campuchia. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Ông Điểm phân tích thêm: Hiện nay, khoảng 60% lượng hàng hóa của khu vực Đông Bắc Campuchia chuyển về Cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) và Hoa Lư (tỉnh Bình Phước) để vào Việt Nam. Điều đó không chỉ làm cho doanh nghiệp tốn chi phí vận chuyển mà tỉnh Gia Lai còn mất khoản thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra vào khu vực Cửa khẩu và thu ngân sách vì hàng hóa không lưu thông qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Cũng theo ông Điểm, để phát huy lợi thế có sẵn, tỉnh cần kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kho bãi tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. 
Mới đây, nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của người dân Campuchia, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đã có chuyến thăm và chúc Tết các tỉnh Đông Bắc Campuchia. Tại các nơi đến, ngoài việc chúc mừng chính quyền và người dân nước bạn nhân dịp Tết cổ truyền, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị: Chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất. Cùng với đó, tăng cường hợp tác thúc đẩy kinh tế-xã hội các địa phương phát triển. Ở chiều ngược lại, chính quyền các địa phương cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp của mình đầu tư vào khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Gia Lai cũng là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về du lịch. Do nhu cầu tham quan du lịch sang Campuchia và ngược lại có xu hướng tăng nên nhiều khách nước ngoài đi từ Đà Nẵng, Quy Nhơn đến TP. Pleiku tham quan rồi sang Campuchia qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Mới đây, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức diễn đàn “Du lịch Kon Tum-Tiềm năng và triển vọng, liên kết phát triển du lịch Tây Nguyên và khu vực biên giới”. Ông Nguyễn Trùng Khánh-Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch-cho biết: Mục tiêu đến năm 2025, khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam đón 3,3 triệu lượt khách du lịch, tăng trưởng trung bình 14%/năm; đến năm 2030, tăng gấp 2 lần về lượng khách. Cùng với đó, các địa phương cần hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và tiện nghi tương đối đồng bộ, hệ thống cơ sở hạ tầng và kết nối thuận lợi, nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu phát triển.
Để thúc đẩy hợp tác, giao thương giữa Việt Nam và Campuchia nói chung, tỉnh Gia Lai và các tỉnh Đông Bắc nói riêng thì cơ sở hạ tầng về giao thông là yếu tố quyết định. Bên cạnh đó, bản ghi nhớ Campuchia-Lào-Việt Nam về vận tải đường bộ đã cho phép phương tiện vận tải thương mại và phi thương mại của mỗi nước được đi qua 2 nước kia, góp phần làm giảm chi phí vận tải, rút ngắn thời gian chờ đợi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân của 3 nước, khách du lịch quốc tế, phương tiện và hàng hóa qua lại biên giới giữa 3 nước. Về vấn đề này, ông Đoàn Hữu Dũng-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-cho hay: “Cả Việt Nam và Campuchia đã cùng thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông cũng như giữa 2 nước với khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và khu vực. Chính vì thế, chúng ta cần tranh thủ khai thác có hiệu quả các kết nối hạ tầng giao thông giữa 2 bên, thúc đẩy vận tải và thương mại qua lại biên giới 2 nước, nỗ lực thúc đẩy kim ngạch thương mại tăng trưởng cao”.
Hợp tác phát triển, 2 bên cùng có lợi là một trong những nội dung cơ bản của biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Ratanakiri trong giai đoạn 2022-2025 vừa được ký kết. Đây là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia liên kết, hợp tác đầu tư và vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị trong tương lai.
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm