Qua thời gian, nghề đan võng gai nơi đây bị mai một nhưng những người có tâm huyết vẫn giữ nghề, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, của đồng bào dân tộc Thổ.
Lưu giữ tinh hoa
Vừa từ Quảng Trị trở về sau chuyến đi giới thiệu, quảng bá sản phẩm võng gai truyền thống của dân tộc mình, bà Trương Thị Thống - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất võng gai ở xóm Long Thọ, xã Giai Xuân (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) hồ hởi nói về võng gai - tinh hoa của đồng bào Thổ: “Đối với phụ nữ Thổ, biết đan võng gai giống như người Thái biết dệt vải.
Từ nhỏ, các bé gái người Thổ đã nhìn theo các bà, các mẹ làm nghề rồi tự mày mò, học hỏi cách đan võng. Trong lúc nông nhàn, họ lại tỉ mẩn bện từng sợi gai để tạo nên những chiếc võng với hoa văn cầu kỳ, bền đẹp. Mỗi chiếc võng phải mất từ 2,5 - 4kg sợi gai khô để đan. Do vậy, đợi đến khi thu hoạch được một lượng sợi gai kha khá, bà con mới bắt tay vào đan võng”.
Võng gai có nhiều loại hoa văn, từ loại 3 dây, 4 dây và 5 dây nên kỹ thuật bện sợi dây, tạo hoa văn trên võng do đó cũng rất khác nhau. Bên cạnh đó, còn có loại đan bông thang sẽ cầu kỳ, phức tạp hơn, võng có độ rộng, dày và đẹp hơn. Thông thường người mới học nghề chỉ biết đan loại võng gai có hoa văn đơn giản, còn chiếc võng có kỹ thuật, hoa văn phức tạp thì những người lành nghề mới biết làm.
“Cái khó - cũng là nét tinh hoa nhất của võng gai người Thổ là cách tết phần tăng võng và tạo hoa văn từng mắt võng. Từng sợi gai được đôi bàn tay những người phụ nữ vừa đan, vừa xoắn sao cho săn chắc. Tùy thuộc vào cách tết, cách bố trí hoa văn khác nhau mà có võng được tết then hai, then ba, có võng tết then sáu, then bảy. Do quá trình làm võng gai tỉ mỉ, thủ công nên không thể sản xuất hàng loạt”, bà Trương Thị Thống chia sẻ.
Là người có tay nghề thuần thục nhất của làng Long Thọ, cụ Nguyễn Thị Giang (85 tuổi) cho biết, đan võng là công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng. Các sợi gai không quá dài, khi đan võng, người dân phải khéo léo tiếp thêm sợi để vừa giấu đi nếp nối mới bảo đảm thẩm mỹ, vừa để từng sợi đều nhau.
Như vậy võng mới bền. Khi đan, bà phải dùng lực rất mạnh của cả hai bàn tay để xoắn sợi gai cho săn chắc. Công đoạn khó nhất trong việc đan võng là khi kết đai đầu võng và thắt quả căng. Việc này phải có từ 2 - 3 người cùng làm. Nếu làm không khéo, để đầu và đuôi võng bị lệch nhau là phải tháo ra làm lại. Mỗi chiếc võng gai hoàn chỉnh có chiều dài khoảng 2 - 2,5m, rộng 1,5 - 1,6m. Võng dày mắt thì nằm sẽ êm và bền hơn.
Để hoàn thành mỗi chiếc võng gai hoàn chỉnh, một người đan liên tục phải mất từ 15 ngày đến 20 ngày. Nếu nhiều người cùng tham gia có thể đẩy nhanh tiến độ.
Vừa thoăn thoắt đan võng, bà Bùi Thị Tuyết, tổ phó Tổ hợp tác sản xuất võng gai ở xóm Long Thọ cho hay: “Với đồng bào người Thổ, chiếc võng gai là của hồi môn không thể thiếu cho những người con khi lập gia đình với mong muốn tượng trưng cho tình cảm vợ chồng luôn bền chặt, sắt son.
Thêm nữa, do là vật dụng thân thuộc nên khi có một người qua đời, người ta còn đan một võng gai cỡ nhỏ nhằm tri ân người đã khuất”.
“Tới đây, huyện Tân Kỳ sẽ ban hành các nghị quyết tạo cơ chế, chính sách để hoàn thiện cơ sở vật chất tại các điểm du lịch của địa phương; duy trì và phát huy hiệu quả các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái, Thổ, các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan võng gai… Nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch mang nét đặc trưng riêng của Tân Kỳ”.
Ông Nguyễn Văn Thực, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ
Nâng tầm thương hiệu
Với mong muốn duy trì và phát triển nghề truyền thống của dân tộc một cách bài bản, từ năm 2021, tại xóm Long Thọ, xã Giai Xuân (huyện Tân Kỳ) đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất võng gai truyền thống.
Đến nay, Tổ đã thu hút hơn 30 hội viên tham gia. Không chỉ riêng xóm Long Thọ, tại xã Giai Xuân còn có xóm Kẻ Mui nơi sinh sống của đồng bào người Thổ cũng đang lưu giữ, bảo tồn được nghề đan võng gai truyền thống của dân tộc.
Từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, võng gai của Tổ hợp tác sản xuất võng gai người Thổ xã Giai Xuân đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của Nghệ An, được khách hàng ưa chuộng và có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố. Theo bà Trương Thị Thống, từ ngày có Tổ hợp tác và tham gia chương trình OCOP, đồng thời thông qua các kênh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, facebook, zalo…, nhiều người đã biết đến võng gai truyền thống của người Thổ.
So với các loại võng dù, võng gai tuy không phong phú về mẫu mã, màu sắc nhưng vẫn được rất nhiều người ưa chuộng vì êm mát, thân thiện với môi trường, sử dụng được bền lâu, thậm chí đến hàng chục năm không bị hỏng. Một chiếc võng gai đồng bào Thổ xã Giai Xuân hiện nay có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng. Những loại đặc biệt được làm theo đơn đặt hàng riêng giá thành có thể dao động từ 2,5 - 5 triệu đồng/chiếc.
Đến nay, sản phẩm võng gai Giai Xuân đã có mặt trong các khu du lịch các khách sạn, resort, homestay trong cả nước và một số nước ở châu Âu. Đặc biệt, từ sản phẩm truyền thống của địa phương, bà con đồng bào Thổ xã Giai Xuân đã hoàn thiện việc phục dựng chiếc võng gai gắn với tuổi thơ của Bác Hồ.
Tháng 7 âm lịch vừa qua, nhân lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiếc võng đã được trao gửi đến Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn) với sự kính trọng, tri ân.
Tuy nhiên, đến nay việc đan võng gai của đồng bào Thổ vẫn chỉ là nghề lúc nông nhàn của những người phụ nữ và người già. Thêm nữa, số lượng khách đặt hàng chưa nhiều và chưa ổn định, khó mở rộng sản xuất, và khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn nhân lực trẻ. Đây là trăn trở của Tổ hợp tác võng gai tại Giai Xuân.
Theo MINH CHÂU - CẢNH HUỆ (TPO)