Cuộc thi phóng sự, ký sự Gia Lai 50 năm đổi mới và phát triển

Người thầy làm “sống dậy” văn hóa dân tộc thiểu số trong trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mong muốn xây dựng môi trường giáo dục đặc thù mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, năm 2023, thầy Nguyễn Quang Tưởng-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã phục dựng thành công “Làng văn hóa dân tộc” trong khuôn viên trường học.

1logo.jpg

Gắn kết mạch nguồn văn hóa truyền thống

Dù mới chỉ gắn bó với Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai gần 5 năm nhưng thầy Nguyễn Quang Tưởng đã nắm được những đặc thù riêng biệt ở đây.

Thầy kể: “Tôi đã có hơn 11 năm công tác tại môi trường giáo dục ở vùng sâu, vùng xa của huyện. Tôi được sống, được trải nghiệm văn hóa với người dân ở đó. Hơn ai hết, bản thân phụ huynh, học sinh, họ rất yêu và tự hào về văn hóa truyền thống của mình. Năm 2021, tôi về công tác tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện. Điều tôi trăn trở và tâm huyết nhất lúc bấy giờ là làm sao để xây dựng được môi trường giáo dục đặc thù mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số”.

Ý tưởng là thế, song thầy Tưởng chưa dám bộc bạch cùng ai. Bởi thầy biết rằng, muốn làm được điều này cần phải có sự đồng lòng, gắn kết. May mắn là ngay thời điểm đó, thầy nhận được sự chung tay góp sức của cô RCom H’Ni-Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Khi nghe thầy Tưởng chia sẻ về dự định của mình, cô H’Ni khẳng định: “Chúng ta sẽ làm được nếu tạo được niềm tin từ phụ huynh và học sinh. Thầy cô phải là người hiểu và yêu văn hóa truyền thống các dân tộc thì mới chuyển tải được tình yêu ấy đến cho các em”.

Từ đó, thầy Tưởng và cô H’Ni bắt tay hiện thực hóa ý tưởng từ những việc nhỏ nhất như: treo hình ảnh họa tiết, hoa văn của các dân tộc ở những góc sân trường; tổ chức hoạt động ngoại khóa, văn nghệ giới thiệu nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc của các em học sinh hiện đang học tập tại trường thông qua màu sắc trang phục, dụng cụ lao động đặc trưng, lễ hội truyền thống…

thay-nguyen-quang-tuong-va-co-rcom-hni-o-giua-tam-huyet-voi-mo-hinh-lang-van-hoa-dan-toca-td.jpg
Thầy Nguyễn Quang Tưởng và cô RCom H’Ni (thứ 3 từ phải sang) tâm huyết với mô hình “Làng văn hóa dân tộc”. Ảnh: T.D

Khi học sinh đã bắt nhịp và có hứng thú với văn hóa truyền thống, thầy Tưởng chia sẻ với đồng nghiệp về ý tưởng phục dựng ngôi làng văn hóa dân tộc trong khuôn viên trường học với quy mô và thiết kế giống gần như 100% các ngôi làng nguyên bản.

Thầy Tưởng cho biết, theo chỉ tiêu tuyển sinh, mỗi năm toàn trường có 150 học sinh theo học, gồm 7 dân tộc: Jrai, Bahnar, Dao, Thái, Nùng, Tày, Mường. Mỗi dân tộc có một văn hóa riêng. Tuy nhiên, do số lượng học sinh người Jrai chiếm đa số nên nhà trường chọn phục dựng ngôi làng Jrai; đồng thời, kết hợp những nét đẹp văn hóa của dân tộc khác vào trong các hoạt động của làng.

Ban đầu, khi nghe ý tưởng này, nhiều thầy-cô giáo khá ngạc nhiên và cho rằng sẽ khó thực hiện bởi phụ thuộc rất nhiều yếu tố như nguyên vật liệu, nhân công, kinh phí... Và quan trọng nhất là làm sao để gắn kết giữa phụ huynh và nhà trường nhằm tạo được sự đồng thuận. Khắc phục những trở ngại này, thầy Tưởng đã gửi kế hoạch và xin ý kiến chấp thuận của chính quyền địa phương.

Cùng với đó, thầy giao trực tiếp cho mỗi giáo viên chủ nhiệm phụ trách việc kết nối với cha mẹ học sinh thông qua các cuộc họp phụ huynh. “Chúng tôi thực hiện theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Khi phụ huynh toàn trường đồng tình ủng hộ, tôi như vỡ òa cảm xúc. Tháng 6-2023, chúng tôi đã cùng chung tay phục dựng ngôi làng”-thầy Tưởng tâm sự.

thay-tuong-cung-gia-lang-chon-nhung-buc-tuong-go-dan-gian-y-nghia-phu-hop-voi-khong-gian-truong-hoc-anh-td.jpg
Thầy Tưởng cùng già làng chọn những bức tượng gỗ dân gian ý nghĩa, phù hợp với không gian trường học. Ảnh: T.D

Với những đóng góp thiết thực của mình trong việc xây dựng môi trường giáo dục đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thầy Nguyễn Quang Tưởng đã nhận được nhiều giấy khen của các cấp, ngành. Đặc biệt, thầy cùng tập thể nhà trường được Trưởng ban Dân tộc tỉnh khen tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và đoàn kết các dân tộc giai đoạn 2019-2024.

Để thuận tiện cho việc triển khai, nhà trường đã vận động, phối hợp với phụ huynh 13 xã, thị trấn tiến hành xây dựng 1 nhà rông văn hóa, 11 nhà sàn dân tộc, 30 bức tượng gỗ dân gian cùng các biểu tượng văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc Tây Nguyên.

Già làng Rơ Châm No (làng Kmông, xã Ia Tô) là người hỗ trợ nhà trường trong việc tạo dựng ngôi làng đặc trưng của người Jrai. Tất cả cây nêu, tượng gỗ, bậc thang nhà sàn… đều được già chọn kỹ càng, thể hiện sự vui tươi, sinh động và ý nghĩa, phù hợp với môi trường giáo dục.

Già No cho biết: “Ia Tô có 10 gia đình có con đang học nội trú tại trường. Mỗi gia đình góp một ít vật liệu để làm mô hình nhà rông, nhà sàn. Ai có gỗ góp gỗ, ai có tranh, tre thì góp tranh, tre… Nếu chưa có thì mọi người cùng nhau vào rẫy cắt lồ ô, tranh, nứa chở về trường cùng làm. Đời sống của người Jrai không tách rời với nhà sàn và các lễ hội truyền thống. Thế nên, tôi vui mừng vì con cháu mình được học tập trong môi trường đặc biệt như vậy”.

phu-huynh-chung-tay-cung-nha-truong-phuc-dung-lang-van-hoa-cac-dan-toc-anh-td.jpg
Phụ huynh chung tay cùng nhà trường phục dựng Làng văn hóa các dân tộc. Ảnh: T.D

Sau 4 tháng triển khai, ngôi làng đã hoàn thiện với ngôi nhà rông cao vút, cây nêu, những ngôi nhà sàn và hàng loạt tượng gỗ vui tươi. Bên cạnh đó, nhà trường còn tái hiện những nét đặc trưng của văn hóa cộng đồng như: biểu diễn nhạc cụ dân tộc, cồng chiêng, xoang, hát dân ca, dạy tiếng Jrai… trong khuôn viên của ngôi làng.

“Khi ngôi làng được phục dựng xong, tôi đã đứng ngắm nghía thật lâu, trong lòng cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi thầm cảm ơn tập thể nhà trường, phụ huynh, học sinh và những đơn, vị cá nhân tại địa phương đã ủng hộ, sát cánh, đồng lòng để tôi có thể hoàn thành niềm mong mỏi của mình.

Từ ngôi làng này, nhà trường sẽ tiếp tục dựng xây kế hoạch giáo dục toàn diện. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển các hoạt động giáo dục về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giúp cho học sinh có thêm hiểu biết, tình yêu với văn hóa truyền thống”-thầy Tưởng cười hiền.

Khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống cho học trò

“Làng văn hóa dân tộc” được phục dựng trong khuôn viên nhà trường đã tạo hứng thú cho phụ huynh, học sinh và đội ngũ thầy-cô giáo. “Làng văn hóa dân tộc” thường là nơi tổ chức các ngày hội văn hóa dân tộc, các hoạt động ngoài trời, hoạt động trải nghiệm, vui chơi ngoài giờ… cho học sinh.

Em Ksor Nhật Duy (lớp 9) hào hứng chia sẻ: “Chúng em tới trường nhưng vẫn thấy thân thuộc như đang ở trong ngôi làng của mình. Không gian này giúp em tự tin giới thiệu tất cả nét đẹp văn hóa của dân tộc mình tới với các bạn. Hàng tuần, trong các giờ ngoại khóa, em lại cùng các bạn hòa vào tiếng cồng chiêng rộn rã. Em cũng tập luyện để trở thành thế hệ tiếp nối cồng chiêng của dân tộc Jrai”.

Nối rộng vòng xoang cùng các bạn, em Vừ Y Là (dân tộc Tày, học sinh lớp 7) bày tỏ: “Em rất thích “Làng văn hóa dân tộc” bởi ở đây em được tìm hiểu, giao lưu văn hóa với các dân tộc khác. Chúng em không phân biệt dân tộc khác nhau nên luôn thấy gần gũi như ở nhà mình. Thầy cô còn hướng dẫn chúng em sưu tầm, lưu giữ những dụng cụ lao động sản xuất, sinh hoạt của dân tộc mình”.

Sau những giờ học, Vừ Y Là cùng các bạn dọn dẹp khuôn viên những ngôi nhà sàn, nhà rẫy được làm bằng tranh, tre, nứa… Các em cùng nhau trò chuyện, học bài dưới chân nhà sàn và những gốc cây cao mát rượi phía chân nhà rông.

hoc-sinh-tim-hieu-ve-tuong-go-dan-gian-tai-lang-van-hoa-dan-toc-anh-td.jpg
Học sinh tìm hiểu về tượng gỗ dân gian tại “Làng văn hóa dân tộc”. Ảnh: T.D

“Dù xa nhà, xa làng Lang (xã Ia Chía) của mình suốt cả học kỳ nhưng em cũng không thấy nhớ nhiều như những năm học trước. Vì giờ đây, có một ngôi làng đã nằm ngay trong khuôn viên trường, mọi thứ rất gần gũi với em. Việc học tập cũng vì thế mà bớt áp lực hơn”-em Triệu Ksor Thiên Kim (lớp 9) vui vẻ nói.

Nhìn thấy các con thích thú, hứng khởi với “Làng văn hóa dân tộc” có một phần đóng góp từ đôi tay của mình, anh Rơ Lan Thích (làng Lang, xã Ia Chía) cho hay: “Phụ huynh chúng tôi tin tưởng và mến yêu thầy Tưởng cùng tập thể thầy-cô giáo của nhà trường rất nhiều.

Các thầy cô đã tạo lập một môi trường học tập ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số. Khi các con biết tôn trọng, tự hào và gìn giữ văn hóa dân tộc mình, chúng tôi rất hạnh phúc”.

Chung niềm vui ấy, cô H’Ni dắt tay mấy học trò ra vun xới lại những luống hoa nhỏ phía nhà sàn. Cô chia sẻ: “Làng văn hóa dân tộc” đã đưa cô-trò chúng tôi được quay trở về với cảm giác thân thương. Nơi đây là nhà, là ngôi làng, ngôi trường…

Tôi mong muốn, những đứa trẻ dân tộc thiểu số không chỉ đến trường để học kiến thức mà chúng còn được đến với yêu thương, gần gũi. Để từ đó, các con phát triển một cách toàn diện, trở thành những đứa trẻ hạnh phúc.

lang-van-hoa-dan-toc-duoc-phuc-dung-trong-khuon-vien-truong-hoc-da-tao-hung-thu-cho-phu-huynh-hoc-sinh-va-doi-ngu-thay-co-giao-anh-td.jpg
“Làng văn hóa dân tộc” được phục dựng trong khuôn viên trường học đã tạo hứng thú cho phụ huynh, học sinh và đội ngũ thầy-cô giáo. Ảnh: T.D

Tại khuôn viên của “Làng văn hóa dân tộc”, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai đã tổ chức các ngày hội văn hóa dân tộc nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc trên quê hương mình; hình thành và phát triển cho học sinh các kỹ năng tiếp cận, khai thác tri thức và vốn văn hóa truyền thống của địa phương để tiếp thu, học hỏi, vận dụng trong hoạt động hiện tại cũng như sau này.

“Tôi sẽ tiếp tục phát triển mô hình “Làng văn hóa dân tộc” để từ đây, nhiều thế hệ học trò của trường được bồi dưỡng ý thức dân tộc, nâng cao thái độ trân trọng di sản văn hóa dân tộc và trách nhiệm đối với sự phát triển của cộng đồng, quê hương. Đặc biệt, hình thành ở các em tình cảm trong sáng, cao đẹp, biết yêu thương và gắn bó với cộng đồng các dân tộc khác”-thầy Tưởng kỳ vọng.

Có thể bạn quan tâm