Sức khỏe

Chung tay đẩy lùi bệnh lao vào năm 2030

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Năm 2021, toàn tỉnh Gia Lai chỉ phát hiện 500 bệnh nhân lao, đạt 66,1% so với kế hoạch đề ra. Số bệnh nhân lao còn tiềm ẩn trong cộng đồng khá lớn cùng với tình trạng kháng thuốc là những khó khăn đặt ra đối với công tác phòng-chống lao trong thời gian tới.

Nhiều khó khăn, thách thức

Bác sĩ Mai Minh Hiền-Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh-cho biết: Bình quân mỗi năm, Gia Lai phát hiện khoảng 670 bệnh nhân lao các thể, trong đó có trên 400 bệnh nhân lao phổi; tỷ lệ phát hiện bệnh lao các thể trung bình là 44/100.000 dân. Xu hướng phát hiện bệnh nhân lao có chiều hướng giảm. Đặc biệt, năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc triển khai các hoạt động phòng-chống lao còn nhiều hạn chế, không triển khai khám phát hiện chủ động, bệnh nhân ngại đi khám bệnh nên toàn tỉnh chỉ phát hiện 500 trường hợp lao các thể, đạt 66,1% so với kế hoạch đề ra. Hiện nay, tỷ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao các thể tại Gia Lai đạt 93%.

Theo bác sĩ Phạm Chí Quang-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện, công tác phòng-chống lao tại huyện gặp nhiều khó khăn, trong đó, chương trình phòng-chống lao chưa đảm bảo hoạt động tư vấn chăm sóc trực tiếp cho người bệnh trong thời gian dịch Covid-19 xảy ra. Công tác điều trị dự phòng và điều trị lao tiềm ẩn nhiều khó khăn do tâm lý người dân còn chủ quan, chưa hợp tác với cán bộ y tế. Ngoài ra, công tác khám phát hiện bệnh nhân nghi lao ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn do họ thường ở nương rẫy; tập quán sinh hoạt theo cộng đồng nên dễ lây lan bệnh lao… Bên cạnh đó, tính đồng thuận và hỗ trợ của ngành Y tế tại một số xã chưa thật sự cao trong quá trình triển khai các hoạt động phòng-chống lao tại địa phương; công tác phối hợp y tế công tư còn nhiều hạn chế do hệ thống y tế cơ sở tư nhân trên địa bàn huyện chưa phát triển là một trong những khó khăn trong công tác phòng-chống lao hiện nay.

 Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không triển khai khám phát hiện chủ động nên Gia Lai chỉ phát hiện 500 bệnh nhân lao các thể, đạt 66,1% so với kế hoạch đề ra. Ảnh: Như Nguyện
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Gia Lai không triển khai khám phát hiện chủ động nên chỉ phát hiện 500 bệnh nhân lao các thể, đạt 66,1% so với kế hoạch đề ra. Ảnh: Như Nguyện


Năm 2021, công tác phòng-chống lao tại huyện Kông Chro cũng gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ Phan Văn Chơi-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-chia sẻ: “Do dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhiều hoạt động liên quan đến công tác phòng-chống lao không thể triển khai được. Bên cạnh đó, công tác khám phát hiện chủ động không thực hiện được, chủ yếu là khám phát hiện thụ động qua việc bệnh nhân đến cơ sở y tế. Do vậy, trong năm qua, huyện chỉ phát hiện 17 bệnh nhân lao mới. Con số này rất thấp so với số bệnh nhân lao tiềm ẩn trong cộng đồng”.

Cộng đồng trách nhiệm phòng-chống lao

Mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra là chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, công tác phòng-chống lao đòi hỏi phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Bà Khuất Thị Hải Oanh-Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cho biết: Qua đi thực địa tại Gia Lai, chúng tôi nhận thấy công tác phòng-chống lao còn gặp rất nhiều khó khăn bởi địa bàn rộng; nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về phòng-chống lao còn hạn chế; điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn… Vì vậy, người dân chưa chủ động trong việc sàng lọc, khám-chữa bệnh lao. Trong khi đó, bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nên rất dễ làm lây lan trong cộng đồng.

Theo Chương trình chống lao quốc gia, ước tính hàng năm tại Gia Lai có khoảng 2.500 người mắc lao. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân lao các thể phát hiện hàng năm chỉ khoảng 670-700 trường hợp. Như vậy, số bệnh nhân lao tiềm ẩn nhiều và là nguồn lây lan trong cộng đồng. Với mong muốn chung tay trong công tác phòng-chống lao tại Gia Lai, năm 2021, SCDI đã hỗ trợ 5.000 suất ăn và 200 thùng sữa để góp phần nâng cao thể trạng cho bệnh nhân lao trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên chương trình đã bị gián đoạn. “Năm 2022, SCDI sẽ phối hợp với Chương trình chống lao của tỉnh triển khai khám sàng lọc chủ động bệnh lao trong cộng đồng. Chúng tôi sẽ chủ động xuống tận các thôn, làng khám tầm soát bệnh lao cho người dân. Những trường hợp người già yếu không thể đi được thì cán bộ y tế sẽ tới tận nhà lấy mẫu xét nghiệm, qua đó kịp thời phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, tiến tới từng bước giải quyết được mầm bệnh trong cộng đồng, góp phần vào công tác phòng-chống lao của tỉnh nói riêng cả nước nói chung”-bà Oanh thông tin.

Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế-cho rằng: Để công tác phòng-chống lao đạt hiệu quả cao hơn nữa rất cần sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội, góp phần thực hiện xã hội hóa công tác y tế trên địa bàn tỉnh để chương trình chống lao sớm đạt mục tiêu của WHO đề ra.

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm