(GLO)- Trước thềm năm học mới 2022-2023, các cấp chính quyền, đoàn thể, nhà hảo tâm đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tiếp sức cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Bên cạnh việc tài trợ hàng ngàn cuốn sách vở, xe đạp và quần áo mới thì nhiều suất học bổng được trao tận tay những học trò nghèo.
Những phần quà ý nghĩa
2 năm trước, bố mẹ lần lượt qua đời vì bạo bệnh, người anh trai đầu của em Đinh Thị Canh (SN 2012, trú tại xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro) vừa hoàn thành bậc THCS đành ngậm ngùi nghỉ học để đi làm thuê nuôi 2 em ăn học. Chuẩn bị bước vào học lớp 5, nỗi lo không đủ tiền mua đồ dùng học tập cứ ám ảnh mãi khiến Canh có ý nghĩ bỏ học. Vì vậy, khi hay tin sẽ được nhận suất học bổng hơn 1 triệu đồng từ các nhà hảo tâm trước thềm năm học mới, Canh vỡ òa hạnh phúc.
Sau buổi lễ trao học bổng do Công ty cổ phần VNG-Hà Nội phối hợp với Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cùng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kông Chro phối hợp tổ chức, Canh tâm sự: “Bố mẹ mất, mấy anh em sống khổ lắm. Thời gian qua, cũng có nguồn tiền Nhà nước hỗ trợ và sự giúp đỡ của họ hàng nhưng khó khăn vẫn chồng chất. Được nhận suất học bổng này, em rất vui. Em cảm ơn các Mạnh Thường Quân rất nhiều và sẽ nỗ lực học tập để không phụ sự quan tâm của mọi người”.
Tỉnh Đoàn Gia Lai kêu gọi Mạnh Thường Quân đóng góp kinh phí mua xe đạp mới tặng học sinh nghèo. Ảnh: Đức Thụy |
Nói về chương trình thiện nguyện ý nghĩa này, ông Đỗ Mạnh Hùng-Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam-chia sẻ: “Giúp đỡ học sinh khuyết tật, mồ côi, khó khăn đến trường là hoạt động thường niên của Trung ương Hội. Riêng năm nay, tại Gia Lai và Nghệ An, Hội trao tặng 200 suất học bổng cho học sinh mồ côi, khuyết tật. Hy vọng món quà này là nguồn động viên tinh thần giúp các em có thêm niềm tin vượt qua khó khăn để tiếp tục đến trường, mai này trở thành người có ích cho xã hội”.
Ông Đỗ Mạnh Hùng tặng học bổng cho học sinh mồ côi huyện Kông Chro. Ảnh: Hà Phương |
Tại huyện Đức Cơ, 17 học sinh dân tộc thiểu số ở 2 xã Ia Pnôn, Ia Dom vừa được Trường Cao đẳng Luật miền Trung nhận vào học hệ trung cấp trong năm học mới. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Rơ Chăm H’Nơ-phụ huynh em Rơ Chăm H’Mei (làng Bò, xã Ia Pnôn) phấn khởi: “H’Mei vừa học hết lớp 9. Vì cuộc sống gia đình khó khăn nên cháu định nghỉ học để phụ giúp cha mẹ. Biết chuyện, các anh ở Đồn Biên phòng Ia Pnôn đến tận nhà vận động gia đình cho cháu đi học theo diện miễn phí 100% ở Trường Cao đẳng Luật miền Trung. Hôm rồi, nhà trường tổ chức lễ tiếp nhận, đưa xe ô tô lên đón 17 cháu, tôi mừng lắm”.
Mạnh Thường Quân tặng sách giáo khoa mới cho học sinh ở huyện Đức Cơ. Ảnh: Đinh Yến |
Ông Võ Khắc Hoan-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Trung-cho biết: Qua sự kết nối của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, nhà trường quyết định nhận 17 học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở huyện biên giới Đức Cơ vào học hệ trung cấp. Trong 3 năm học ở trường, các em được miễn 100% học phí, ăn ở, sách vở. Sau này, em nào có nhu cầu học liên thông lên đại học, nhà trường sẽ tiếp tục hỗ trợ.
Tại Ia Grai, trước ngày tựu trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Sơn Huyền Phát Gia Lai trao tặng hơn 200 bộ sách giáo khoa và 1.000 cuốn vở cho 8 trường học trên địa bàn. Kinh phí do Công ty TNHH một thành viên Sơn Huyền Phát Gia Lai tài trợ với khoảng 50 triệu đồng. Trực tiếp chở sách vở tới bàn giao cho các trường, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phạm Văn Đại cho hay: “Trên địa bàn huyện, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, chúng tôi vận động, kêu gọi Mạnh Thường Quân tài trợ kinh phí mua sách vở mới rồi phân bổ cho các trường để cấp cho học sinh. Năm học này, ngoài 200 bộ sách giáo khoa và 1.000 cuốn vở, chúng tôi cũng kêu gọi một đơn vị tài trợ 29 chai nước sát khuẩn loại lớn để các trường phòng-chống dịch Covid-19”.
Tiếp tục đồng hành với học sinh nghèo
Hiện nay, cuộc sống của một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học hành của trẻ em. Vì vậy, sự chung sức của các nhà hảo tâm sẽ tạo động lực để các em đến trường. Theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ia Grai, đơn vị đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân cũng như đội ngũ cán bộ, giáo viên tiếp tục ủng hộ kinh phí để mua thêm sách vở, đồ dùng học tập cấp cho các trường còn thiếu. “Riêng trong năm học 2022-2023, chúng tôi sẽ vận động Mạnh Thường Quân tài trợ kinh phí để xây dựng quỹ học bổng trao cho những em có hoàn cảnh khó khăn học giỏi”-ông Đại cho hay.
Phòng GD-ĐT huyện Ia Grai và Mạnh Thường Quân tặng sách giáo khoa mới cho các trường học trên địa bàn. Ảnh: Thiên Di |
Viettel Gia Lai cũng đang đồng hành với học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều chương trình thiện nguyện thiết thực. Ông Trần Văn Thuân-Giám đốc Viettel Gia Lai-thông tin: Trong năm học 2022-2023, đơn vị tiếp tục trao tặng 720 suất học bổng với tổng kinh phí 1,44 tỷ đồng cho học sinh tại 72 xã khó khăn của tỉnh. Ngoài ra, chúng tôi cũng dành nhiều suất học bổng cho học sinh nghèo trong cả nước theo chương trình “Vì em hiếu học” do Viettel phối hợp với Bộ GD-ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam triển khai từ năm 2014.
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định: Chuẩn bị năm học 2022-2023, Sở đã kêu gọi BIDV Nam Gia Lai tặng 791 suất quà với tổng trị giá hơn 238 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó; tổ chức Trả lại tuổi thơ tài trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của huyện Kông Chro 150 chiếc xe đạp; tổ chức Children Action hỗ trợ 5.000 cuốn vở cho học sinh huyện Ia Pa. |
Trước thềm năm học 2022-2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã trích ngân sách tặng 50 suất học bổng cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở 5 huyện: Phú Thiện, Đức Cơ, Đak Đoa, Kbang và Chư Prông. “Sở cũng đang tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ các đơn vị, cá nhân ủng hộ cho học sinh khó khăn trong năm học mới. Tới đây, chúng tôi sẽ trao lại cho các trường để đảm bảo việc dạy và học”-bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết.
Cô và trò Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Đoa bên những bộ sách giáo khoa mới được tặng. Ảnh: Đức Thụy |
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định nhấn mạnh: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động các nhà hảo tâm tài trợ cho giáo dục. Trong đó, sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trong nước tiếp tục đồng hành hỗ trợ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Bởi lẽ, chương trình này không chỉ góp phần thực hiện có hiệu quả việc dạy và học trực tuyến mà còn hướng đến mục tiêu ứng dụng phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội, nhất là phát triển xã hội số, chuyển đổi số.
NHÓM PHÓNG VIÊN