Kinh tế

Nông nghiệp

Chương trình giảm nghèo bền vững: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tạo điều kiện giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, ngày 11-7-2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 04/2022/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp như: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản… cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người khuyết tật không có sinh kế ổn định đang sinh sống ở các thôn, làng và xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo trong cả nước.

Theo đó, những đối tượng này được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi do người dân lựa chọn; tư vấn giới thiệu nông sản phát triển theo chuỗi liên kết giá trị nhằm đổi mới phương thức sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo cùng tham gia.

Vợ chồng ông Nhân (làng Thung Dôr, xã An Phú, TP. Pleiku) chăm sóc bò lai sinh sản. Ảnh: N.D

Vợ chồng ông Nhân (làng Thung Dôr, xã An Phú, TP. Pleiku) chăm sóc bò lai sinh sản. Ảnh: N.D

Theo ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT): Cơ quan chuyên môn đang tập trung hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát các điều kiện theo đúng quy định; thành lập tổ thẩm định hồ sơ đề xuất dự án, phương án xây dựng mô hình giảm nghèo phát triển sản xuất cộng đồng. Các xã, thị trấn họp dân, thành lập tổ cộng đồng thực hiện dự án, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh với nhiều chương trình hỗ trợ về sinh kế khác nhau nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2022, TP. Pleiku được phân bổ 340 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp giảm nghèo bền vững hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Theo đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố phối hợp cùng các xã, phường rà soát đối tượng thụ hưởng phù hợp với thực tế để hỗ trợ. Cụ thể, thành phố cấp 17 con bò lai sinh sản và 12 con heo thịt cho 21 hộ nghèo tại 11 xã, phường để chăm sóc, nuôi dưỡng.

Ông Nhân (làng Thung Dôr, xã An Phú) phấn khởi cho biết: “Cuối năm 2022, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển giảm nghèo bền vững, tôi được hỗ trợ 1 con bò lai sinh sản. Tôi dành gần 1 sào đất vườn trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Hy vọng bò phát triển thành đàn, giúp gia đình vươn lên thoát nghèo”.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2023, nguồn vốn thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là 28,415 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn năm 2022 chuyển sang hơn 7,9 tỷ đồng và vốn năm 2023 hơn 20,4 tỷ đồng. Thời gian qua, Sở phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn cho 17 địa phương được thụ hưởng từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện các địa phương đang triển khai phân bổ vốn cho các xã, thị trấn làm chủ đầu tư các mô hình, dự án.

Ông Nhân trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Nhân trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Ảnh: Nguyễn Diệp

Tuy nhiên, theo ông Y Nguyên Ênuôl, bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Theo đó, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19-4-2022 của Chính phủ quy định nguồn vốn hỗ trợ phải thông qua HĐND các cấp nên quá trình phân bổ vốn còn chậm. Bên cạnh đó, định mức hỗ trợ cho 1 dự án cho 1 hộ tham gia còn chưa rõ ràng. Trong giai đoạn 2016-2020, định mức hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cho hộ nghèo là 20 triệu đồng/hộ, cận nghèo 18 triệu đồng/hộ và hộ mới thoát nghèo 16 triệu đồng/hộ.

Đến nay, Trung ương mới ban hành những quy định, hướng dẫn chung. Đặc biệt, việc vay vòng vốn để luân chuyển trong cộng đồng thực hiện dự án còn lúng túng bởi đa số hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc thực hiện vay vòng vốn hỗ trợ theo quy định và cam kết bảo đảm phần đối ứng thực hiện dự án của hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo rất khó thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho biết: Thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 3, đến nay, huyện đã phân bổ nguồn vốn năm 2023 cho 13 xã, thị trấn. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên thực hiện theo quy định mới nên các xã, thị trấn còn lúng túng trong xây dựng đề án. Bên cạnh đó, quy định mới về quay vòng vốn và tỷ lệ vốn đối ứng cao gây nhiều trở ngại trong việc lựa chọn các hộ tham gia dự án.

“Thời gian tới, cùng với việc tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm ban hành định mức hỗ trợ cụ thể, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hướng dẫn các địa phương khảo sát đúng đối tượng và nhu cầu thực tế của người dân để hỗ trợ kịp thời theo định mức hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò, dê, heo, phát triển lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản… Cùng với đó, tỉnh mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hướng đến mục tiêu giúp người dân các vùng nông thôn của tỉnh thoát nghèo bền vững”-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh nhấn mạnh.

Theo kết quả rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh còn 38.550 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,06%, trong đó có 34.387 hộ nghèo người dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh còn 37.253 hộ cận nghèo, trong đó có 28.565 hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể bạn quan tâm