Chính trị

Tin tức

Tiến tới bầu cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp

Chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Triển khai kế hoạch công tác vận động bầu cử đối với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016, từ ngày 3-5 đến hết ngày 18-5-2011, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, qua đó nêu rõ chương trình hành động của mình nếu trúng cử. Báo Gia Lai trân trọng giới thiệu chương trình hành động của bà Siu Hương- Chuyên viên Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước tỉnh Gia Lai, Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai khóa VIII; ông Hồ Văn Diện- Thị ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Ayun Pa và ông Lưu Trung Nghĩa- Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân huyện Chư Pưh.
*Bà Siu Hương: Góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân
Kính thưa các quý vị cử tri!
Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIII, tôi sẽ tập trung làm tốt 5 nội dung chính như sau:
1. Tích cực thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý cho dân, đặc biệt là người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn… góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, hạn chế tranh chấp, khiếu nại trái pháp luật xảy ra. Đồng thời tham gia vào công tác hoạt động lập pháp của Quốc hội nhằm xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, soạn thảo, thẩm định, góp ý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh Gia Lai, góp phần làm cho văn bản của Trung ương và địa phương bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và có tính khả thi cao. Trên cơ sở đó từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các tổ chức, công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật.
2. Tăng cường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, phát huy vai trò hoạt động của Hội đồng Nhân dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các tầng lớp cán bộ, nhân dân… Quan tâm mở rộng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành tài liệu, tờ gấp, tờ rơi, tuyên truyền pháp luật đến từng hộ gia đình, từng đối tượng nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thật vững mạnh, góp phần đập tan âm mưu của địch.
3. Quan tâm thực hiện Luật Bình đẳng giới đã được kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI thông qua ngày 21-11-2006. Ở Gia Lai, tỷ lệ cán bộ, công nhân viên-lao động trực tiếp tham gia hoạt động tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội ngày càng tăng. Bản thân là cán bộ nữ, là cơ hội tốt để tôi thể hiện rõ quan điểm cũng như đóng góp công sức, trí tuệ của mình vào các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung, phụ nữ tỉnh Gia Lai nói riêng. Trọng tâm của vấn đề là tham gia xây dựng hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách bảo đảm thực hiện bình đẳng giới; nâng cao trình độ hiểu biết, nhận thức pháp luật cho các tầng lớp phụ nữ, nhất là phụ nữ nông dân, phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số, vận động chị em sinh đẻ có kế hoạch, hạn chế sinh con thứ 3 để có điều kiện chăm lo đời sống gia đình tốt hơn, vươn lên thoát nghèo.
4. Tôi sẽ thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, tham gia các cuộc tiếp xúc, lắng nghe tiếp thu ý kiến nguyện vọng của cử tri, tìm hiểu tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương,  phản ánh đề đạt ý kiến nguyện vọng chính đáng của cử tri đến với Quốc hội và các bộ ngành, cơ quan hữu quan. Theo dõi giám sát việc giải quyết của các cơ quan, hướng dẫn, giúp cử tri thực hiện được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
5. Tiếp tục học tập nâng cao năng lực công tác, trình độ hiểu biết về nghị quyết, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Không ngừng tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, phong cách gần dân, gắn bó với dân và hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.
*Ông Hồ Văn Diện: Tích cực chăm lo lợi ích cộng đồng
Kính thưa các quý vị cử tri!
Nếu vinh dự được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIII, tôi xin dự kiến chương trình hành động như sau:
1. Tôi sẽ tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội, tích cực đóng góp ý kiến vào các vấn đề do Quốc hội đưa ra. Dành nhiều công sức đem hết khả năng để tham gia đóng góp cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Một trong những vấn đề hệ trọng mà tất cả cử tri chúng ta hiện nay đều quan tâm là cải cách hành chính. Xây dựng một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả, minh bạch với thể chế thống nhất, các thủ tục hành chính rõ ràng, hợp lý, công khai, tổ chức bộ máy nhà nước gọn nhẹ, khoa học, người công chức thạo việc, tận tâm, tài sản công được sử dụng hiệu quả, quyền lợi hợp pháp của người dân được bảo đảm, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, quan liêu làm cho nhân dân tin Đảng, tin Nhà nước.
2. Tôi sẽ tham gia tích cực vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo lợi ích cho cộng đồng như:
- Chương trình xây dựng luật, góp ý, bổ sung sửa đổi để hoàn chỉnh luật pháp về đất đai, quy hoạch, xây dựng và bảo vệ môi trường, chính sách đền bù, giải tỏa tái định cư, việc làm và an sinh xã hội.
- Chương trình phát triển nhà ở cho hộ nghèo 167, đặc biệt nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân- lao động và sinh viên. Quan tâm đến nguyện vọng đời sống của cử tri ven đô thị và bà con vùng sâu, vùng xa, giám sát việc phát triển công nghiệp tại địa phương, có ý kiến về hiệu quả kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, phát triển giáo dục, chăm lo đời sống văn hóa và sức khỏe của nhân dân.
- Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, có chính sách hợp lý về vốn, đào tạo tay nghề cho người lao động nghèo và nông dân. Đẩy nhanh chương trình nông thôn mới.
3. Thường xuyên tiếp xúc gặp gỡ cử tri để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc và những ý kiến đóng góp tâm huyết của cử tri. Trong nhiệm vụ và quyền hạn của mình những vấn đề thuộc thẩm quyền tôi sẽ trực tiếp giải quyết. Tôi luôn xem những bức xúc nguyện vọng của cử tri và nhân dân là của chính mình và hứa sẽ đề đạt đến các cấp, ngành liên quan một cách nhanh nhất thúc đẩy giải quyết trả lời đúng pháp luật và báo cáo kết quả ngay với cử tri bằng mọi cách, không nhất thiết phải chờ đến các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ.
4. Để hoàn thành trách nhiệm cử tri giao, tôi sẽ ra sức học tập và rèn luyện, giữ gìn phẩm chất và đạo đức, xứng đáng là đại biểu của nhân dân.
*Ông Lưu Trung Nghĩa: Đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân
Kính thưa các quý vị cử tri!
Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIII, chương trình hành động của tôi sẽ như sau:
1. Tích cực nghiên cứu tiếp thu và phát huy các tài sản đó của Quốc hội, đại biểu Quốc hội các khóa để tham gia vào hoạt động Quốc hội khóa XIII hiệu quả và chất lượng đúng theo địa vị pháp lý Hiến pháp đã quy định.
2. Chúng ta đang tích cực xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật được xem là tối thượng, vấn đề đặt ra là chúng ta phải có đầy đủ các Bộ luật tốt, tăng cường công tác giáo dục pháp luật sâu rộng trong nhân dân. Quốc hội đã tích cực trong công tác xây dựng các đạo luật, cơ bản đã điều chỉnh tất cả các lĩnh vực xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển xã hội một số điều trong một số luật đã không còn phù hợp, thiếu tường minh dễ gây hiểu lầm như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Dân sự…, một số các văn bản dưới luật, các Thông tư hướng dẫn của các bộ ngành còn chậm, thiếu và đôi khi chồng chéo, có cái không đủ tầm dẫn đến khi thực thi, vận dụng trong điều hành của cấp cơ sở khó khăn, lúng túng. Với vai trò là đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ phải khảo sát, rà soát những tồn tại đó và kiến nghị, yêu cầu điều chỉnh bổ sung. Đồng thời theo tôi cần phải chuyên hóa trong công tác xây dựng các dự án luật, cần phải cụ thể giảm tính ủy quyền cho Chính phủ và các bộ ngành.
3. Đại biểu Quốc hội của địa phương có thể là người công tác tại địa phương hoặc Trung ương giới thiệu, nhưng sẽ phải là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tại địa phương do đó phải thường xuyên quan tâm, sâu sát, không thể thoát ly tình hình địa phương, phải mang đời sống địa phương đó, xem xét các vấn đề còn tồn tại để đề đạt lên Quốc hội, kiến nghị với Hội đồng Nhân dân, các cấp, các ngành liên quan điều chỉnh góp phần làm cho đời sống ở đó được tốt dần lên.
Nếu được bầu là đại biểu Quốc hội hay ở bất cứ vị trí công tác nào được giao, tôi sẽ tích cực không ngừng học hỏi, nghiên cứu để hoàn thiện mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Liên hệ chặt chẽ, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, lắng nghe và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình, của Đoàn đại biểu Quốc hội, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri. Sau mỗi kỳ họp Quốc hội sẽ báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các luật và nghị quyết đã được Quốc hội thông qua. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chính sách của Nhà nước, động viên nhân dân tham gia quản lý nhà nước.

Có thể bạn quan tâm