Chính trị

Tin tức

Tiến tới bầu cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp

Nỗ lực xây dựng Gia Lai phát triển nhanh và bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Triển khai kế hoạch công tác vận động bầu cử đối với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016, từ ngày 3-5 đến hết ngày 18-5-2011, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, qua đó nêu rõ chương trình hành động của mình nếu trúng cử. Báo Gia Lai trân trọng giới thiệu chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.
Ông Rah Lan Lâm
Ông Rah Lan Lâm
Ông Rah Lan Lâm-Phó Giám đốc Công an tỉnh: “Giải quyết tốt bức xúc trong nhân dân”
Nếu được cử tri tín nhiệm bầu vào HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, tôi sẽ cùng lãnh đạo Công an tỉnh có những kế hoạch, giải pháp tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp thực hiện quyết liệt, đồng bộ, xử lý tốt âm mưu của các thế lực thù địch, không để địch kích động, lôi kéo nhân dân chống phá Đảng và Nhà nước ta... Làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng hiểu âm mưu của địch và của đối tượng phạm tội; tham gia đấu tranh và phát triển phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc sâu rộng. Chỉ đạo tập trung lực lượng đấu tranh quyết liệt tội phạm; xử lý nghiêm minh cả an toàn giao thông. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an Nhân dân trong sạch và hưởng ứng thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Công an Nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ”.
Ông Hồ Văn Niên
Ông Hồ Văn Niên
Ông Hồ Văn Niên-Bí thư Huyện ủy Đak Pơ: “Mạnh dạn phân cấp một số nội dung về lĩnh vực kinh tế-xã hội cho cấp huyện quản lý”
Nếu được trở thành đại biểu HĐND tỉnh, tôi sẽ tích cực tiếp thu và phản ánh ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri lên HĐND và các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cử tri. Bên cạnh đó, tôi sẽ tham gia đóng góp với tỉnh mạnh dạn phân cấp một số nội dung về lĩnh vực kinh tế-xã hội cho cấp huyện quản lý, tỉnh chỉ tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo sự chủ động cho huyện.
Ví dụ như công tác bố trí, sử dụng, luân chuyển đội ngũ cán bộ thuộc thẩm quyền Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý từ khối hành chính sang sự nghiệp và ngược lại; lĩnh vực đấu giá đất, cho thuê mặt bằng... Đối với một số địa phương mới được thành lập còn nhiều khó khăn, địa phương nghèo, thuần nông tỉnh nên tạo điều kiện hỗ trợ phát triển bằng cách đứng ra kêu gọi đầu tư và mạnh dạn đầu tư nhiều chương trình, dự án như xây dựng các khu công nghiệp, các trạm dừng nghỉ, các nhà máy chế biến... vào đó. Riêng Đak Pơ và các huyện phía Đông của tỉnh phát triển nông nghiệp là chủ lực, vì vậy tỉnh cần kêu gọi các nhà khoa học nghiên cứu thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nông dân được hưởng lợi từ tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ tại chỗ gồm cả cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ người Kinh có hộ khẩu thường trú tại địa phương, phát triển nguồn cán bộ kế cận trong tương lai thực sự ngang tầm.
Ông Trần Cao Nguyên
Ông Trần Cao Nguyên
Ông Trần Cao Nguyên-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro: “Tập trung đầu tư đồng bộ các chương trình, dự án để xây dựng nông thôn mới”
Nếu trúng cử vào HĐND tỉnh, tôi sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của người đại biểu, góp phần đảm bảo cho HĐND phát huy hết vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân đề ra những quyết sách phù hợp với điều kiện thực tế để tổ chức thực hiện có hiệu quả, xây dựng tỉnh nhà thực sự ổn định và phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích chính đáng, thiết thực cho nhân dân; nâng cao lòng tin của nhân dân vào hệ thống chính trị. Đặc biệt, tôi sẽ tích cực tham gia đóng góp với tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện nhanh và hiệu quả chương trình này, theo tôi tỉnh nên tập trung đầu tư đồng bộ các chương trình, dự án như 132, 134, 135 cho địa phương. Về phía địa phương phải xây dựng, củng cố hệ thống chính trị thực sự vững mạnh, tạo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tham gia, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, làm quyết liệt, kiên trì và liên tục với những giải pháp đồng bộ, có lộ trình và bước đi phù hợp, góp phần làm cho diện mạo các vùng nông thôn đổi mới một cách toàn diện, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Nguyễn Dung (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm