Triển khai kế hoạch công tác vận động bầu cử đối với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016, từ ngày 3-5 đến hết ngày 18-5-2011, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, qua đó nêu rõ chương trình hành động của mình nếu trúng cử. Báo Gia Lai trân trọng giới thiệu chương trình hành động của ông Trịnh Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ và bà Trần Thị Kim Tuyến- Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah.
* Ông Trịnh Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ
Kính thưa các quý vị cử tri!
Nếu được cử tri tín nhiệm bầu vào đại biểu Quốc hội khóa XIII, tôi xin hứa trước toàn thể cử tri sẽ thực hiện các nội dung sau:
1. Thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác, năng lực quản lý đáp ứng nhu cầu công tác, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
2. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, cùng Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh xem xét đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, minh bạch những khiếu nại, kiến nghị, tố cáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Không để tình trạng kéo dài, né tránh, giải quyết không đúng thẩm quyền, thiếu minh bạch, vi phạm pháp luật và quyền của công dân.
3. Thường xuyên gần gũi với dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân lắng nghe và tôn trọng các ý kiến, kiến nghị của nhân dân để giải quyết kịp thời nếu các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền địa phương giải quyết. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với Đảng, Nhà nước về chế độ, chính sách chưa phù hợp, bất hợp lý sẽ có trách nhiệm báo cáo với Quốc hội để Quốc hội xem xét, bổ sung, sửa đổi, thay thế cho phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền dễ áp dụng trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời cùng Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh có trách nhiệm thông báo lại cho cử tri biết kết quả toàn bộ nội dung, chương trình sau mỗi kỳ họp Quốc hội để cử tri cùng theo dõi và tham gia ý kiến với Quốc hội một cách dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm trên nguyên tắc cừng xây dựng.
4. Có trách nhiệm tham gia vào các dự án luật do Chính phủ trình bày góp phần nâng cao tính pháp lý của từng dự án luật để làm sao mỗi dự án luật được Quốc hội thông qua đều được đi ngay vào cuộc sống, hợp lòng dân; hạn chế việc sửa đổi, bổ sung, tuổi thọ của từng dự án luật cao.
5. Tăng cường, giám sát trên tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư của mỗi công trình, dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình của Chính phủ mà trọng tâm là một số lĩnh vực thường gây bức xúc trong nhân dân như: Bảo hiểm y tế; giáo dục; quản lý đất đai; nước sạch và vệ sinh môi trường; chính sách thuế, tài chính; an sinh xã hội; các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; Chương trình 135, 167… và các chế độ chính sách đối với những người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, về cải cách các thủ tục hành chính của các cấp chính quyền. Giám sát việc chống tiêu cực, tham nhũng, tham ô, lãng phí đối với cán bộ, đảng viên thực thi trong các cơ quan nhà nước thông qua giám sát để nâng cao hiệu quả công tác, hiệu lực quản lý của Nhà nước; phản ánh kịp thời đến cấp có thẩm quyền những vấn đề mà cử tri quan tâm cần giải quyết để bổ sung hoặc có biện pháp khắc phục kịp thời đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong quá trình thực hiện quyền và trách nhiệm của mình.
6. Nghiên cứu và có chính kiến của mình trước khi biểu quyết các vấn đề quan trọng của đất nước; làm sao mỗi công trình, mỗi dự án được Quốc hội thông qua phải mang tính khả thi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đất nước, đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của toàn xã hội.
7. Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri và quá trình công tác làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân để nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước. Trực tiếp giải đáp hoặc đề nghị các cơ quan chức năng giải đáp kịp thời những ý kiến, kiến nghị mà cử tri quan tâm.
* Bà Trần Thị Kim Tuyến- Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah
Kính thưa các quý vị cử tri!
Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, tôi sẽ quan tâm đến một số nội dung cơ bản sau:
1. Luôn gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, thường xuyên nắm bắt, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; thường xuyên học tập nâng cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị để đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong Quốc hội, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của người đại biểu Quốc hội.
2. Tích cực tham gia vào quá trình lập hiến, lập pháp của Quốc hội, góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật của Việt Nam; tích cực giám sát, đề xuất, kiến nghị, sửa đổi hoàn thiện các chủ trương, chính sách, chế độ, đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội; việc chỉ đạo thực hiện các chế độ, chính sách, vì lâu nay Nhà nước tuy có quan tâm, tuy nhiên, theo tôi nghĩ vẫn còn thiếu và triển khai chưa triệt để, thiếu đồng bộ.
Công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chúng ta đã làm, song biện pháp thực hiện và hiệu quả chưa cao, tài sản của Nhà nước mà cũng chính là tài sản của nhân dân trong thời gian qua bị thất thoát nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc xây dựng phát triển kinh tế của đất nước.
3. Đối với tỉnh Gia Lai, trong những năm qua, chúng ta đã đạt thành tựu về nhiều mặt, kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa-xã hội đạt nhiều kết quả, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững; tuy nhiên, vẫn còn không ít những vấn đề mà cử tri quan tâm. Tôi thấy cần quan tâm một số vấn đề sau:
- Về kinh tế: Trung ương cần quan tâm ưu tiên nhiều hơn cho phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên. Vấn đề vốn đầu tư kèm theo các chính sách hỗ trợ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm cây công nghiệp, chính sách thuế, công tác khuyến nông, khuyến lâm, xóa đói giảm nghèo.
- Về văn hóa-xã hội: Triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách về y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin, chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ, chú ý chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người tàn tật không nơi nương tựa; các chính sách thu hút nhân tài, vấn đề cải cách tiền lương, việc làm cũng cần quan tâm lưu ý để đảm bảo chất lượng đời sống của cán bộ, công chức và người lao động.
- Về quốc phòng-an ninh: Nên có chính sách quan tâm nhiều hơn để đảm bảo tốt việc giữ gìn an ninh biên giới và chủ quyền lãnh thổ, gắn với việc phát triển kinh tế-xã hội đối với các huyện vùng biên giới.
4. Là phụ nữ, tôi sẽ quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, tham gia kiến nghị với các cấp lãnh đạo: Khi triển khai các chương trình, dự án cần quan tâm lồng ghép yếu tố giới; tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội học tập, cống hiện và phát triển. Từng bước hướng dẫn và giúp đỡ chị em phụ nữ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; đồng thời, thực hiện tốt thiên chức người phụ nữ trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.