Xã hội

Đời sống

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Những kết quả ấn tượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững đã được các ngành, địa phương trong tỉnh Gia Lai chú trọng triển khai với nhiều cách làm hiệu quả và đạt được những kết quả ấn tượng.

Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả

Thực hiện dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các địa phương đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư theo nhu cầu, tạo động lực để người dân từng bước vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh Nguyễn Thế An (thôn Ngô Sơn, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) thuộc diện hộ nghèo. Nguyên nhân là do gia đình không có đất sản xuất. Khi được chính quyền địa phương hỗ trợ 1 con bò sinh sản, anh An rất vui mừng vì được tạo sinh kế để thoát nghèo. “Tôi sẽ chăm sóc con bò này thật tốt để nó nhanh chóng sinh sản, giúp gia đình có điều kiện phát triển kinh tế”-anh An nói.

Anh Nguyễn Thế An (thôn Ngô Sơn, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) chăm sóc con bò sinh sản được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1-Dự án 3. Ảnh: T.D

Theo ông Nguyễn Văn Nội-Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya: Phần lớn hộ nghèo và cận nghèo của xã không có đất sản xuất. Vì vậy, chính quyền địa phương lựa chọn dự án hỗ trợ bò sinh sản để tạo sinh kế bền vững. Đây là hướng đi phù hợp với thực tế vì một số hộ nhờ được hỗ trợ bò sinh sản đã vươn lên thoát nghèo.

Năm 2024, xã đã cấp bò giống để làm sinh kế cho 5 hộ nghèo. Sau khi các hộ nhận bò giống, UBND xã cử cán bộ chuyên môn và trưởng thôn thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc.

Thời gian qua, việc hỗ trợ người nghèo cũng được chính quyền xã Ia Phang (huyện Chư Pưh) đặc biệt quan tâm. Ngoài việc tạo sinh kế như cấp giống cây trồng, vật nuôi, xã còn mở các lớp học về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND xã Huỳnh Ngọc Nhi cho biết: “Năm 2024, xã đã hỗ trợ 106 con bò sinh sản cho 106 hộ nghèo, cận nghèo. Các nguồn lực hỗ trợ đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của xã còn 10,34%”.

Phấn khởi khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, bà Siu H’Pem (làng Plei Phung) chia sẻ: “Nhà mình có 3 sào mì và 3 sào lúa nhưng vẫn thuộc diện hộ nghèo do năng suất cây trồng thấp. Vừa qua, Nhà nước quan tâm hỗ trợ cho gia đình 1 con bò sinh sản và tạo điều kiện tham gia lớp học về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Khi có kiến thức, mình sẽ áp dụng vào sản xuất để phát triển kinh tế”.

Bà Siu H’Pem (thôn Plei Phung, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) chăm sóc con bò được Nhà nước hỗ trợ. Ảnh: T.D

Ông Ksor Pheng-Phó Trưởng thôn Plei Phung-cho rằng: Nhờ sự hỗ trợ từ các nguồn lực, từ 50 hộ nghèo vào năm 2023 đến nay thôn giảm xuống còn 38 hộ. Mong rằng chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm hỗ trợ để bà con có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước thoát nghèo bền vững.

Đưa chúng tôi đến thăm một số hộ thoát nghèo nhờ được hỗ trợ sinh kế, ông Siu Huen-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku) cho hay: Nhờ được hỗ trợ sinh kế, xây nhà ở và các nguồn lực khác, làng đã có 8 hộ thoát nghèo. Làng hiện có 203 hộ nhưng chỉ còn 1 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo.

Là một trong những hộ vừa vươn lên thoát nghèo ở làng Mơ Nú, bà Rơ Châm Hlêk bộc bạch: “Khi được Quỹ “Vì người nghèo” thành phố cấp cho 1 con bò sinh sản, tôi đã học cách trồng cỏ để có nguồn thức ăn chăn nuôi. Nhờ được chăm sóc tốt, bò mẹ đã đẻ được 2 con bê. Hiện nay, gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Gia đình chị Rơ Châm Hlêk (làng Mơ Nú, xã Ia Kêng, TP. Pleiku) thoát nghèo nhờ được hỗ trợ bò giống. Ảnh: T.D

Ia Kênh cũng là xã có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo của TP. Pleiku. Để giúp người dân cải thiện cuộc sống, xã đã tranh thủ nguồn lực từ các chương trình MTQG, Quỹ “Vì người nghèo” và huy động thêm các nguồn lực khác để hỗ trợ xây nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, nước sạch phân tán…

“Đến thời điểm này, xã chỉ còn 11 hộ nghèo (chiếm 1,05%) và 32 hộ cận nghèo (chiếm 3,06%)”-Phó Chủ tịch UBND xã Lê Quang Toản cho biết.

Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững

Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của TP. Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao.

Ông Nguyễn Thanh Bình-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku-cho hay: “Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Mặt trận và các tổ chức thành viên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động sản xuất, tiết kiệm chi tiêu để thoát nghèo bền vững”.

Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 còn 4,05% (giảm 2,02% so với năm 2024); tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS giảm 3%.

Tính đến cuối năm 2024, số hộ nghèo của huyện Chư Pưh giảm xuống còn 1.263 hộ, chiếm 6,8%; số hộ cận nghèo giảm còn 1.448 hộ, chiếm 7,8%. Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 4,76%, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo.

Ông Nguyễn Như Trường-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-thông tin: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và người dân về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; đổi mới phương thức, cách thức tiếp cận góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong công tác giảm nghèo”.

Năm 2024, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả ấn tượng. Ảnh: T.D

Trao đổi với P.V, ông Y Nguyên Ê Nuôl-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT)-cho biết: Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các địa phương đang tích cực hỗ trợ theo nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo về giống cây trồng và vật nuôi.

Tổng nguồn vốn sự nghiệp của Tiểu dự án 1-Dự án 3 trong năm 2024 là hơn 28,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hơn 26 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 2,5 tỷ đồng.

“Tiểu dự án 1-Dự án 3 thực sự là “đòn bẩy” giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương khẩn trương triển khai để hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng, sớm vươn lên ổn định cuộc sống”-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh nhấn mạnh.

Theo thống kê, kết quả giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 gồm: vốn đầu tư hơn 139,7 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 231,9 tỷ đồng. Tính đến ngày 31-10, tổng nguồn vốn đã giải ngân được 177,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư đã giải ngân hơn 86 tỷ đồng, đạt 61,58% kế hoạch; vốn sự nghiệp đã giải ngân hơn 91,7 tỷ đồng, đạt 39,56% kế hoạch vốn của các sở, ban, ngành và các địa phương…

Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh còn khoảng 23.884 hộ nghèo, chiếm 6,07%. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là 21.377 hộ, chiếm 12,71%; kết quả giảm hộ nghèo năm 2024 của tỉnh là 2,04%, đạt 101,91% so với kế hoạch; hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 4,34% đạt 144% so với kế hoạch. Toàn tỉnh hiện còn 34.546 hộ cận nghèo, chiếm 8,77%, giảm 0,44% so với năm 2023; trong đó, đồng bào DTTS là 27.671 hộ cận nghèo, chiếm 16,45%, giảm 0,42%.

Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho rằng: Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Các sở, ban, ngành của tỉnh trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được phân công thường xuyên hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố được phân công phụ trách thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Tích cực phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức các hoạt động giám sát trong công tác giảm nghèo; cùng với các hội, đoàn thể tỉnh tích cực phát động các phong trào, cuộc vận động để huy động nguồn lực, sự tham gia hưởng ứng của hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững.

“Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch và giải pháp giảm nghèo hàng năm; thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về nhận thức và hành động trong công tác giảm nghèo; phát huy vai trò của người nghèo trong tự lực vươn lên thoát nghèo; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025”-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm