Xã hội

Chuyển biến từ mô hình "Công dân học tập"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2021, Hội Khuyến học tỉnh Gia Lai đã triển khai thí điểm mô hình “Công dân học tập” (CDHT). Mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song mô hình này bước đầu tạo được sự lan tỏa sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết phải học tập suốt đời. 
Nơi góc phòng, cô Nguyễn Lê Thanh Nga-giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku) tích cực tương tác với học sinh qua màn hình laptop. Cạnh bên là chiếc bảng điện tử để giúp tiết dạy trực tuyến đạt hiệu quả hơn. Chỗ nào học trò chưa hiểu hoặc hiểu chưa sâu, cô đều sử dụng bảng điện tử, vừa viết vừa giảng lại đến khi các em lĩnh hội được kiến thức. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, các trường học trên địa bàn thành phố chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến. Để thích ứng, cả giáo viên lẫn học sinh đều phải tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin. Với cô Nga, đây chính là cơ hội để bản thân trau dồi, tích lũy thêm nhiều kiến thức bổ ích. “Tôi tự tìm tòi, nghiên cứu mua sắm thiết bị, ứng dụng công nghệ vào việc soạn giảng cũng như dạy online sao cho hiệu quả. Bản thân cũng thường xuyên học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới”-cô Nga chia sẻ.
Gia đình cô Nga là 1 trong 13 hộ tự nguyện đăng ký thực hiện mô hình CDHT của phường Ia Kring. Kết thúc đợt thí điểm, cô Nga được đánh giá đạt 96/100 điểm. Cô cho biết: “Các tiêu chí mô hình đặt ra khá hay bởi ngoài năng lực tự học còn đề cập đến năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội. Khi tham gia, chúng tôi nhận thấy mình còn thiếu sót nhiều thứ. Đó cũng là động lực để các thành viên trong gia đình không ngừng học tập và rèn luyện hơn nữa”.
Cô giáo Nguyễn Lê Thanh Nga-Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku) không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ảnh: Mộc Trà
Ngay sau khi được Hội Khuyến học tỉnh lựa chọn là địa bàn thực hiện thí điểm mô hình CDHT, Hội Khuyến học TP. Pleiku đã quyết định triển khai mô hình tại 2 phường Ia Kring, Hội Phú và xã Chư Á. Theo bà Lê Thị Toan-Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Pleiku, thực hiện mô hình, Hội đã chủ động tuyên truyền các tiêu chí về CDHT đến tất cả Hội Khuyến học xã, phường và Ban Khuyến học các cơ quan, đơn vị để qua đó phổ biến đến từng gia đình. Hội cũng chỉ đạo 3 đơn vị thí điểm lựa chọn ít nhất 10 hộ tham gia, phân thành 3 nhóm đối tượng theo bộ tiêu chí; đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách tự kê khai, xác định minh chứng, cho điểm theo các tiêu chí, chỉ số đánh giá.
“Kết quả, thành phố có 43 hộ tham gia thí điểm, trong đó, phường Ia Kring và xã Chư Á mỗi đơn vị có 13 hộ, phường Hội Phú 15 hộ, 2 hộ còn lại là cán bộ thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố. Qua gần 7 tháng triển khai (từ tháng 2 đến đầu tháng 8-2021), có 41 hộ đạt từ 70 điểm trở lên (chiếm 95,3%), 2 hộ đạt dưới 70 điểm (chiếm 4,7%). Hộ cao nhất đạt 97 điểm, hộ thấp nhất là 49 điểm. Đây là kết quả khá khả quan, chứng tỏ nhận thức của người dân về việc học tập suốt đời ngày càng được nâng lên”-bà Toan cho hay.
Ngoài TP. Pleiku, Hội Khuyến học 2 huyện Đak Đoa và Chư Sê cũng được lựa chọn triển khai thí điểm mô hình CDHT. Ông Dương Chí Nghĩa-Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Chư Sê-thông tin: Hội Khuyến học thị trấn Chư Sê và 2 xã Ia Tiêm, Ia Hlốp là 3 đơn vị triển khai thí điểm mô hình CDHT của huyện. Mỗi địa phương chọn 1 trường học, 1 thôn (hoặc tổ dân phố) và 1 làng. Qua đăng ký, có 100 công dân tham gia thực hiện thí điểm với đủ lứa tuổi, ngành nghề, trong đó có 99 người đạt yêu cầu. Nhìn chung, các công dân được chọn làm điểm đều cơ bản nắm bắt được nội dung; phấn đấu học tập để nâng cao nhận thức và cập nhật kỹ năng để thực hiện tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, do thời gian ngắn, triển khai không đồng bộ nên việc xây dựng kế hoạch học tập của từng công dân chưa thật sự đầy đủ và khoa học. 
Đối với nông dân (nhất là người dân tộc thiểu số), việc học ngoại ngữ và xây dựng kế hoạch học tập là những chỉ tiêu khá khó đạt. Ảnh: Mộc Trà
Thời gian qua, nhiều mô hình học tập của tỉnh đã vượt các chỉ tiêu trong xây dựng phong trào học tập suốt đời. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai thí điểm mô hình CDHT với mục tiêu đưa phong trào xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả. Ông Ngô Minh Thúy-Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh-cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và UBND tỉnh, tháng 12-2020, Hội Khuyến học tỉnh đã ban hành kế hoạch thí điểm mô hình CDHT trên địa bàn tỉnh; đồng thời chỉ đạo 3 đơn vị được chọn làm điểm của tỉnh triển khai mô hình theo đúng lộ trình đề ra. Qua thí điểm, toàn tỉnh có 173 hộ đăng ký tham gia (TP. Pleiku 43 hộ, huyện Chư Sê 100 hộ và huyện Đak Đoa 30 hộ). Các hộ thuộc 3 nhóm đối tượng: nông dân và lao động nông thôn; công nhân, lao động tiểu thủ công, thợ sửa chữa thiết bị gia dụng; những người có trình độ từ cao đẳng trở lên (chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức…). Kết quả, 91,5% công dân thuộc nhóm 1; 81,8% ở nhóm 2 và 97,5% thuộc nhóm 3 đạt yêu cầu theo các tiêu chí mô hình đề ra.
“Đa số công dân đều đánh giá bộ tiêu chí CDHT có các nội dung, bước tiến hành, hình thức đăng ký, đánh giá, kiểm tra, công nhận kết quả khá phù hợp và có thể thực hiện, song đề nghị nên tăng thêm thời gian thí điểm mô hình lên tối thiểu 1 năm để các cá nhân có thời gian tự học, rèn luyện, bồi dưỡng. Thêm vào đó, trên thực tế, vẫn có một số tiêu chí của mô hình cần điều chỉnh cho phù hợp để nhân rộng đại trà. Chẳng hạn, rất khó cho phần lớn nông dân trong việc học ngoại ngữ và xây dựng kế hoạch học tập, nhất là người dân tộc thiểu số; việc tiếp cận về công nghệ thông tin cũng không dễ dàng đối với nhóm công nhân, lao động tiểu thủ công; cán bộ, công chức, viên chức không phải ai cũng đạt mức thành thạo về kỹ năng ngoại ngữ và tin học”-ông Thúy phân tích.
Bộ tiêu chí CDHT gồm 3 nhóm năng lực cốt lõi: năng lực tự học và học tập suốt đời; năng lực sử dụng các công cụ tương tác; năng lực xây dựng, thực hiện các mối quan hệ xã hội với tổng cộng 10 chỉ số đánh giá (kỹ năng cơ bản và phẩm chất mong muốn). Việc triển khai thí điểm xây dựng mô hình CDHT tại các địa phương trên cả nước là cơ sở để Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá CDHT và tổ chức thực hiện đại trà trong thời gian đến.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm