Điểm đến Gia Lai

Chuyện cây mì trên đất Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời chiến tranh, mì (sắn) là một nguồn lương thực của lực lượng kháng chiến và những người dân Jrai sống giữa bạt ngàn rừng núi.
Là cây trồng có sức sống mạnh mẽ, nhất là trên các chân đất hoang, đất rừng rẫy, giống mì hễ chặt những đoạn thân hom cắm xuống đất là lên thành thân mới, cây mới. Qua mùa mưa là xanh tốt, cho lá, cho củ. Tôi nhớ một thời còn có quy ước nếu nhổ mì trên rừng lấy củ thì chặt đoạn thân cây cắm xuống ngay tại chỗ để người đến sau có cái mà ăn.
Có lẽ vì vậy mà cây mì rất gần gũi với đời sống người Gia Lai. Đồng bào Jrai gọi cây mì là phun blang (cây pơ lang ăn lá), còn bà con Bahnar gọi là bum blang (cây pơ lang ăn củ). Sau này, để phân biệt cây mì thân cao ăn được lá với cây mì nhặt đốt, mì cao sản thân lùn, người ta gọi cây mì truyền thống là mì gòn (thân và lá giống cây bông gòn, cây gạo).
Với cây mì gòn, người Tây Nguyên dùng củ tươi luộc chín để ăn, làm rượu cần để uống. Lá mì được chế biến thành nhiều món ăn ngon hấp dẫn. Lá mì gòn phổ biến nhất là làm nguyên liệu nấu món anhăm te, một món ăn không thể thiếu trong các lễ hội của người Jrai, Bahnar. Lá mì vò kỹ, thái nhỏ, ninh nhừ với thịt, cá, gia vị, quấy thêm ít bột gạo thành thứ sền sệt màu xanh như cháo đặc của người Kinh, như súp trong món ăn Tây. Khi ăn, chỉ cần múc ra lá dầu đồng, chia đều cho mọi người. Ngoài ra, lá mì còn được nấu với cá suối, thịt heo, bò dưới dạng món hầm. Sau này, người Kinh thêm nhiều thứ gia vị cay chua đắng thành ra món dé đắng hoặc nấu với thịt hộp. Lá mì còn được xào với lòng heo, bò, cá suối hoặc làm món trộn với thịt, cá khô, hạt bí rang giòn giã nhỏ, lá thơm, gia vị các loại, đều là thức món thơm ngon, hấp dẫn.
Ngày nay, mì đã trở thành cây hàng hóa, là cây chủ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Gia Lai. Đây là cây trồng xuất khẩu tỷ đô, chi phí đầu tư ít, lợi nhuận cao. Mì cao sản cho năng suất khá cao (khoảng 20-40 tấn củ/ha), hàm lượng tinh bột lớn. Củ mì được xắt lát phơi khô bán cho các nhà máy chế biến tinh bột để xuất khẩu làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, làm bột ngọt, thức ăn chăn nuôi, xăng sinh học...
Nông dân Krông Pa chăm sóc cây mì. Ảnh: Đ.T
Nông dân Krông Pa chăm sóc cây mì. Ảnh: Đức Thụy
Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, giống mì H34 được trồng đã cải thiện phần nào năng suất. Đến năm 1998, các giống mì cao sản KM94, KM419 đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ nông dân đưa vào trồng rộng rãi trên địa bàn, thay thế dần các giống mì cũ thân cao, năng suất thấp. Sau đó, các nhà máy chế biến tinh bột mì quy mô công nghiệp hiện đại đã được xây dựng tại An Khê, Krông Pa, Chư Prông, Mang Yang, với tổng công suất 83.600 tấn tinh bột/năm (418.000 tấn củ tươi/năm), tạo thế thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu mì chuyên canh rộng khắp toàn tỉnh, nhiều tập đoàn giống mì cao sản mới được du nhập, tạo bước đột phá về năng suất, sản lượng.
Đến nay, toàn tỉnh có xấp xỉ 80 ngàn ha mì (cao nhất cả nước), hơn 1,5 triệu tấn củ mì cao sản. Đây là một nguồn thu nhập khá lớn, tạo nhiều việc làm cho người nông dân.
Với các giống mì cao sản, cây mì Gia Lai đã chuyển từ cây lưỡng dụng ăn củ ăn lá tự cấp tự túc thành cây hàng hóa nguyên liệu chuyên canh năng suất cao, cho những nguồn lợi rất lớn, giúp người dân trong tỉnh từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Tuy vậy, khi cây mì phát triển nhanh đem đến không ít hệ lụy. Đầu tiên, vì sức chống chịu cao, cây mì dễ quảng canh trên đất dốc, làm suy kiệt tài nguyên đất, rửa trôi màu, bạc màu, thiếu bền vững. Thứ đến, cây mì cạnh tranh quỹ đất với các loại cây trồng khác, dễ gây nên tình trạng phá vỡ quy hoạch cây trồng, mất cân đối kế hoạch sản xuất. Cây mì phát triển vượt tầm kiểm soát có thể gây nên tình trạng xâm lấn rừng và đất rừng, tác động xấu đến môi trường sinh thái. Cuối cùng, cây mì cao sản tạo vùng chuyên canh cao, lấn át mì địa phương làm giảm nguồn gen đa dạng sinh học, mất một nguồn rau quý, nguyên liệu làm nên những món ăn mang đậm đà bản sắc Tây Nguyên.
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm