Phóng sự - Ký sự

Chuyện cổ tích của một ngôi chùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cứ mỗi mùa Vu Lan, nhiều người tìm đến chùa Thanh Sơn ở Huyện, Cam Lâm, Khánh Hòa để chia sẻ với những em bị cha mẹ bỏ rơi.
Chùa Thanh Sơn ẢNH: QUANG VIÊN
Chùa Thanh Sơn Ảnh: Quang Viên
Tôi đến đây trong một chuyến tham gia từ thiện đầu tháng 7 âm lịch. Trụ trì chùa Thanh Sơn là đại đức Thích Thanh Quang, thế danh là Chế Hoàng Thọ đã kể cho tôi và mọi người nghe về ngôi chùa và thân phận của những đứa trẻ như một câu chuyện cổ tích.
Những đứa trẻ không cha mẹ và đa quốc tịch
Thêm mùa Vu Lan nữa những đứa trẻ trong ngôi chùa Thanh Sơn, làng Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, H.Cam Lâm phải cài lên áo đóa hoa trắng. Vì hầu như gần 60 em được nuôi dưỡng trong ngôi chùa này đều không biết cha mẹ mình là ai. Chúng đều mang họ Chế (họ của đại đức Thích Thanh Quang). “Phần lớn các em được nhà chùa nhận nuôi khi chỉ mới một vài ngày tuổi. Mỗi em được đưa đến đây đều có số phận thật đặc biệt”, vị đại đức tâm sự.
Cậu bé có tên Chế Hoàng Trang bị mẹ bỏ trước cổng chùa chiều 30 tết. Khi phát hiện, đứa bé còn đỏ hỏn được quấn trong chiếc khăn. “Điều kỳ lạ là gương mặt của cậu bé giống ngài Tam Tạng Huyền Trang. Tôi đem vô chùa, định đặt cho bé tên Chế Huyền Trang, nhưng nghĩ lại như vậy thì phạm húy nên đặt trại lại thành Chế Hoàng Trang”, đại đức nói. Chế Hoàng Trang có gương mặt hiền từ, sáng trưng và lanh lợi.
Đại đức Thích Thanh Quang và chú tiểu Chế Kiến Phúc mang dòng máu cha là người Trung Quốc
Đại đức Thích Thanh Quang và chú tiểu Chế Kiến Phúc mang dòng máu cha là người Trung Quốc
Còn cô bé Chế Quỳnh Như hiện đang học lớp 6. Theo như mẹ của bé nói với đại đức khi ẵm đứa con vừa lọt lòng tới đây vào buổi sáng đúng dịp lễ Vu Lan, thì cha em là Việt kiều Canada. Trong một phút nhẹ dạ, người phụ nữ trẻ này đã trao thân cho chàng Việt kiều rồi anh ta bỏ đi biệt tích.
Vị sư này còn rất hài hước nói: “Các em bé có cha tên “Ăn Xong Dông” này rất nhiều”. Điển hình là cháu Chế Kiến Hoa (5 tuổi). Mẹ của Kiến Hoa là một sinh viên. Cũng vì “lỡ dại” với một người đàn ông có quốc tịch Hàn Quốc nên mang thai, cô gái bỏ học một năm, lén sinh con xong là đem vô chùa gửi. Lúc đầu đại đức khuyên cô nên nuôi con, nhưng cô khóc nức nở phân trần: “Thằng chả lấy con giờ dông mất tiêu rồi, con không có tiền nuôi bé và muốn đi học lại”. Vì vậy, nhà sư có tấm lòng nhân ái này cầm lòng không đậu phải nhận nuôi. Hôm ở chùa, đại đức gọi Kiến Hoa lên và nói với tôi: “Chú xem gương mặt Kiến Hoa có chính hiệu made in Korea không?”. Quả là như vậy. Tôi hỏi Kiến Hoa: “Cháu có biết cha mẹ mình là ai không?”, cậu bé ngơ ngác một hồi rồi chỉ đại đức Thích Thanh Quang: “Mẹ cháu mất rồi, còn cha cháu là thầy này”.
"Phần lớn các em được nhà chùa nhận nuôi khi chỉ mới một vài ngày tuổi. Mỗi em được đưa đến đây đều có số phận thật đặc biệt"
Đại đức Thích Thanh Quang

Trong khi đó, con có cha Đài Loan là bé Bảo Nam. Vào một buổi sáng, đại đức nhìn thấy một đứa bé  nằm chơ vơ ngay cửa vào chính điện, bên cạnh là tờ giấy khai sinh mang tên Nguyễn Hoàng Bảo Nam. “Sau này tìm hiểu thì được biết, mẹ bé là một phụ nữ nghèo, có bầu với một ông người Đài Loan. Ông này cũng quất ngựa truy phong sau khi biết cô mang bầu”, vị sư tiết lộ. Mang dòng máu cha người Trung Quốc có hai chị em Chế Mỹ Hảo (16 tuổi) và Chế Kiến Phúc (14 tuổi). Khi tôi đang viết bài này thì đại đức báo tin không vui: Chế Mỹ Hảo hiện đang ở trong một bệnh viện tại TP.HCM để chờ mổ ung bướu. Riêng chi phí ca mổ, chưa tính tiền thuốc đặc trị đã từ 80 - 100 triệu đồng, mà chùa Thanh Sơn chưa biết xoay xở cách nào.

“Thầy chưa dám kể hết chuyện thâm cung”
Đại đức Thích Thanh Quang nói như vậy khi tôi hỏi về thân phận của những đứa trẻ bất hạnh khác. Điều có thể nhìn thấy là ngôi chùa này quy tụ đủ kiểu thân phận trẻ em bất hạnh. Nhưng tội nghiệp nhất là những em khuyết tật. Có em bại não, ung thư, tâm thần… Tôi thắc mắc, tại sao có nhiều em khuyết tật như vậy, đại đức lý giải: “Vì một số người mẹ có thai ngoài ý muốn nên đã cố phá thai. Nhưng kỳ lạ là họ không thể nào phá được nên phải sinh ra. Những đứa trẻ này chào đời thường dễ bị khuyết tật hoặc thần kinh có vấn đề. Và lúc đó thì cha mẹ chúng đem vô chùa gửi như vất của nợ”.
Đại đức cho biết thêm, nhiều em ở chùa này có lai lịch cụ thể, nhưng không thể tiết lộ danh tính cha mẹ được vì sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình hiện tại của họ. Thậm chí, có thể ảnh hưởng đến địa vị, sự nghiệp của một số người. Điều mà vị đại đức này rất lo lắng là làm sao sau này các em biết được nguồn gốc, huyết thống của mình để không lấy nhầm, mang tội loạn luân. Vì thế, từ nhiều năm nay, đại đức âm thầm ghi chép cẩn thận tất cả những gì mà mình biết về lai lịch của các bé. Trong đó, có những chuyện được coi “thâm cung” liên quan đến thân phận của các em và cha mẹ chúng. “Trong thời điểm thích hợp, tôi sẽ công bố lý lịch của một số em. Còn lại, những gì ghi trong cuốn nhật ký mà tôi gọi là biên niên sử về ngôi chùa và thân phận của các em, tôi sẽ giao lại cho vị sư nào trụ trì kế tiếp trước khi tôi mất”, đại đức Thích Thanh Quang bộc bạch.
Nỗi niềm của nhà sư
Kể từ năm 1995 đến nay, chùa Thanh Sơn nuôi dưỡng và tạo điều kiện ăn học cho khoảng 500 trẻ em bất hạnh. Hiện nay, đã có nhiều em nhờ chăm chỉ, siêng năng và sáng dạ đã tốt nghiệp hoặc đang học các trường đại học như y dược, kiến trúc, ngân hàng... Nhưng cho dù trẻ lành lặn, thông minh hay khuyết tật, bệnh hoạn... thì nhà sư có tấm lòng bao dung này luôn cố gắng để nuôi dưỡng và cho các em học hành. Vì theo đại đức, “Duy tuệ thị nghiệp” tức là duy trì trí tuệ để có một sự nghiệp tốt đẹp. Tuy nhiên, theo tôi biết, để duy trì những hoạt động thiện nguyện của mình không hề dễ dàng với chùa Thanh Sơn. Chi phí mỗi tháng lên đến hàng chục triệu đồng chỉ trông chờ vào đóng góp của những tấm lòng từ tâm. Khi tôi đến, chứng kiến bữa ăn của các em quá đạm bạc, nghèo dinh dưỡng ngoài sức tưởng tượng. “Thấy các em ăn uống thiếu thốn, tôi đau đứt ruột, nhưng phải thắt lưng buộc bụng để còn lo lâu dài”, đại đức bùi ngùi.
Các em chùa Thanh Sơn lâu lắm rồi mới được nhận quà của các nhà hảo tâm
Các em chùa Thanh Sơn lâu lắm rồi mới được nhận quà của các nhà hảo tâm
Có một chi tiết mà đại đức bộc bạch chân thành làm mọi người “cười rơi nước mắt”. Đó là tình cảnh eo hẹp tài chính của chùa khi gần đây ít nhà hảo tâm giúp đỡ. Eo hẹp đến nỗi khi có các trò đi thi đại học, đại đức thắp nhang ngậm ngùi khấn “đừng có đậu”. Bởi nếu đậu thì lấy tiền đâu để đi học. Vậy mà em nào cũng đỗ đại học khiến ông “vừa mừng vừa run”. Nghe chuyện này, tôi bỗng thấy nghèn nghẹn trong lòng!
Quang Viên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm