Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Chuyện dạy học ở Ia Kha

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Năm học 1981-1982, tôi được chuyển từ xã B14 (xã Ia Tô, huyện Ia Grai ngày nay) về Trường Phổ thông cơ sở thị trấn huyện Chư Păh (nay là thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Khác với hệ thống giáo dục bây giờ, ngày ấy, nhà trường kiêm luôn cả 3 cấp học: mầm non, cấp I và cấp II. Toàn trường có gần 20 cán bộ, giáo viên.

Tiếng là thị trấn huyện nhưng dân cư còn rất thưa thớt, mỗi hộ được cấp đất làm nhà ở, ngang 25 m, chiều dài thì dường như không giới hạn nếu thuộc tuyến hai. Trục đường chính được rải nhựa dài chừng 2 km, còn lại là đường đất. Phòng Giáo dục nằm sâu bên trong, lợp tôn, vách ván và cả liếp tre, bên kia đường là rừng le. Cán bộ, nhân viên cứ vài ba ngày lại qua đó chặt củi le mang về cho nhà bếp tập thể. Trường thị trấn nằm ở tuyến hai (đường Quang Trung hiện nay), gồm một dãy 4 phòng học xây kiên cố, mái lợp tôn, phía sau là 2 gian nhà tạm lợp tranh, một phòng làm việc chung, phòng còn lại dành cho 2 cô giáo độc thân.

Một góc Trung tâm huyện Ia Grai hôm nay. Ảnh: P.V

Một góc Trung tâm huyện Ia Grai hôm nay. Ảnh: P.V

Ngoài cụm trường chính ở trung tâm thị trấn (lúc này chưa có tên Ia Kha), nhà trường còn có các cụm lẻ là lớp mẫu giáo ở làng kinh tế mới Thắng Trạch bên kia suối, 2 lớp cấp I ở làng mới Thắng Quang (dân Bình Định lên lập nghiệp gần dốc Ia Châm), lớp 1 ở làng Mít, giáp xã Ia Hrung, cụm lớp học Sư đoàn 359 phía cuối thị trấn, nay là Trường Tiểu học Kim Đồng. Ngày ấy, công việc quản lý nhà trường không quá vất vả. Ban Giám hiệu gồm tôi, hiệu trưởng và phó là anh Phan Đình Xiềng. Ngoài việc trực, dự giờ, chúng tôi phân công nhau đi thăm lớp, kiểm tra các cụm lẻ, tất nhiên đi xe đạp là chính, nơi xa nhất là làng Mít cũng chỉ cách trung tâm khoảng 4-5 km. Mỗi năm chỉ 3 lần làm báo cáo gửi lên Phòng Giáo dục: đầu năm học, cuối học kỳ I và cuối năm. Hầu hết học sinh nhà trường là con em cán bộ của huyện và con em đồng bào kinh tế mới trong vùng. Cơ sở vật chất còn khá thiếu thốn nhưng được huyện rất quan tâm. Tôi nhớ đã có lần điều học sinh cấp II sang trụ sở UBND huyện xin hàng chục chiếc băng ghế gỗ hội trường để các em ngồi học. Anh Trưởng phòng công nghiệp thì thuê thợ mộc làm tặng cho mấy trăm thước kẻ bằng gỗ tốt. Còn Giám đốc Xí nghiệp chế biến gỗ thì cho một bộ cổng trường bằng gỗ và mấy chục cây trụ về làm hàng rào.

Những năm ấy, việc nhà của đội ngũ giáo viên cũng đáng nói vì nó giúp chúng tôi vượt qua khó khăn về đời sống. Sau Tết, thời tiết chuyển mùa đến khi mỗi sáng sớm sương giăng kín trên những đọt cây và dưới thung lũng cũng bàng bạc một màu trắng xốp là báo hiệu mùa khô Tây Nguyên bắt đầu. Đây cũng là lúc người dân trong vùng chuẩn bị cho một mùa sản xuất mới. Vườn rộng nên ngoài giờ lên lớp, những giáo viên đã có gia đình riêng đều tăng gia. Hầu như nhà nào cũng nuôi heo, nuôi gà, trồng rau, làm lúa rẫy… Vườn nhà tôi bề ngang 25 m, chiều sâu đến cả trăm mét nên cứ đầu mùa mưa, sáng nào tôi cũng cuốc cỏ rồi vun lại thành vồng để trồng rau lang. Giống khoai lang Lệ Cần đọt thì ngọt, lá mềm và rất sai củ, khoai nấu chín có màu vàng nhạt, bùi và thơm. Lá thì vừa luộc ăn vừa nuôi heo. Tháng 3 nắng nóng đỉnh điểm. Một sào đất rẫy mà tôi phải cuốc đến hơn tháng mới xong, cứ đầu giờ chiều (trường chỉ dạy buổi sáng) là tôi đội nón, mang lon nước và vài quả chuối xuống rẫy. Cuốc được chục phút nắng quá lại vào núp dưới bụi le ngồi nghỉ. Đến giữa tháng 5, mưa đầu mùa vài đợt, nhân ngày chủ nhật, tôi nhờ mấy giáo viên đến làm đổi công. Dụng cụ kéo đất là một chiếc bừa gỗ 3 răng để rạch hàng, rồi thì người đi trước kéo, vài ba người đi sau tra hạt. Nghỉ hè vào mùa mưa. Đất rẫy không phân chuồng, phân hóa học chi cả, làm cỏ vài ba đợt đến tháng 9 là thu hoạch. Vậy mà cũng đủ bổ sung thêm vào nồi cơm vốn dĩ không mấy khi đầy nếu như ăn gạo tiêu chuẩn giáo viên 13 kg có độn 50% của thời bao cấp.

Ngày qua, năm hết, việc trường, việc nhà cứ vậy mà trôi đi. Thị trấn huyện được đặt tên Ia Kha vào năm 1985. Năm 1988, tôi chuyển nhà, sau đó chuyển ngành. Vị trí Trường Phổ thông cơ sở thị trấn ngày trước bây giờ là Trường Mầm non 17-3. Sau gần 50 năm, thị trấn đã có nhiều thay đổi, không chỉ dân cư đông đúc, đời sống khấm khá hơn mà đặc biệt là sự nghiệp giáo dục có bước phát triển vượt bậc: Hiện nay với khoảng 10 ngàn dân nhưng tại thị trấn Ia Kha có đến 6 trường học: Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Trường THCS Hùng Vương, Trường Tiểu học Kim Đồng, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, Trường Mầm non 17-3 và 2 cơ sở mầm non tư thục.

Sau chừng ấy năm, tôi vẫn không thể nào quên kỷ niệm về một thời hoa niên đầy ắp vui buồn, trong đó những ngày tháng ở Ia Kha là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời. Và tôi luôn tự hào rằng mình đã đóng góp phần nhỏ vào sự nghiệp phát triển giáo dục ở một huyện vùng biên.

Có thể bạn quan tâm