(GLO)- Ký ức về hoạt động dạy và học những năm đầu sau giải phóng vẫn còn in đậm trong từng câu chuyện kể của các cựu giáo chức. Với họ, đó là khoảng thời gian đầy ắp vất vả nhưng rất đáng tự hào khi cùng nhau góp sức cho nền giáo dục tỉnh nhà “nở hoa” trong gian khó.
1. “Dạy học với tôi là hạnh phúc và niềm hạnh phúc ấy như càng thêm nhân lên khi được đứng trên bục giảng trong những ngày đất nước hòa bình”-Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Chảng-Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thị xã An Khê mở đầu cuộc trò chuyện bằng những lời đầy tâm tình như thế. Ở tuổi 87, ông Chảng vẫn cho thấy sự minh mẫn khi nhắc nhớ về chuỗi ngày cùng đồng nghiệp “gieo chữ” cho học trò gian nan mà ấm áp cách đây gần nửa thế kỷ.
Tốt nghiệp đại học sư phạm ở Sài Gòn, năm 1971, thầy giáo trẻ Nguyễn Chảng về giảng dạy tại Trường Trung học Plei Me-một ngôi trường dành riêng cho nữ sinh tại thị xã Pleiku (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Sau ngày giải phóng, Trường Trung học Plei Me đóng cửa, ông Chảng tiếp tục giảng dạy ở Pleiku đến tháng 9-1975 thì xin chuyển về công tác tại Trường cấp II, III An Khê.
Hai thầy trò Nguyễn Chảng (bìa phải) và Bùi Tấn Dư nhắc về những câu chuyện dạy học tại Trường cấp III An Khê sau giải phóng. Ảnh: Hồng Thi |
Theo quyết định của UBND Cách mạng tỉnh Gia Lai-Kon Tum, tháng 6-1976, Trường cấp II, III An Khê được chia tách thành 2 trường dạy cấp THCS và THPT riêng biệt. Trường cấp III An Khê đặt tại vị trí của Trường THCS Đề Thám (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) hiện nay. Cơ sở vật chất khi đó chỉ có một dãy phòng học bằng ngói đã xuống cấp, không đủ bàn ghế cho học sinh và giáo viên.
Trước thực trạng ấy, một buổi họp giữa nhà trường và phụ huynh nhanh chóng diễn ra với quyết tâm: “Trường ta ta xây ta dạy, trường ta ta xây ta học”. Những ngày sau đó, mọi người chia nhau kéo xe bò lặn lội vào tận vùng núi cao Yang Bắc để chặt cây về dựng trường. “Sau 2 tháng, 6 phòng học mới bằng tranh tre nứa lá đã được dựng lên, cùng với 5 phòng học cũ tạo thành dãy nhà hình chữ U. Trước mỗi phòng học là bồn hoa tươi, còn đám cỏ dại sau trường thì trở thành vườn rau cải xanh tốt. Ngắm nhìn diện mạo trường lớp khang trang, sạch đẹp, thầy trò lẫn phụ huynh ai cũng phấn khởi”-ông Chảng nhắc nhớ.
Sau nhiều lần sáp nhập, chia tách và đổi tên, Trường cấp III An Khê hiện nay là Trường THPT Quang Trung với cơ sở vật chất tương đối khang trang, hiện đại; quy mô và chất lượng dạy học không ngừng được nâng cao; trở thành địa chỉ giáo dục tin cậy ở khu vực Đông Gia Lai. Là một trong những học sinh THPT đầu tiên ở An Khê sau giải phóng, thầy Bùi Tấn Dư-Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến (thị xã An Khê) hồi tưởng: “Ngày ấy, chúng tôi được học theo chương trình phân ban và không phải đóng học phí. Ban A gồm các môn Văn-Sử-Địa, ban C là Toán-Lý-Hóa và ban D học Toán-Hóa-Sinh. Mỗi khối 10, 11 và 12 có khoảng 3 lớp tương ứng với 3 ban; bình quân 42-43 học sinh/lớp. Những năm đầu sau giải phóng, điều kiện học tập rất khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng, thầy-cô giáo rất tâm huyết và nhiệt tình, sẵn sàng đồng cam cộng khổ để bồi đắp kiến thức cho học trò”.
Trường cấp III An Khê những năm sau giải phóng là tiền thân của Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê) ngày nay. Ảnh: Hồng Thi |
2. Những năm đầu thống nhất đất nước, Chính phủ tập trung vào 2 nhiệm vụ cho giáo dục miền Nam là xóa bỏ tàn dư của nền giáo dục cũ và thực hiện xóa mù chữ cho người dân trong độ tuổi 12-50. Theo đó, chương trình 12 năm mới khẩn trương được xây dựng và ban hành; 20 triệu bản sách giáo khoa được in để thay thế sách giáo khoa cũ; hầu hết giáo viên của chế độ cũ được tuyển dụng lại và đưa dần toàn bộ trường tư vào sự quản lý của Nhà nước.
Chính phủ cũng chủ trương nhanh chóng xóa nạn mù chữ và đẩy mạnh bổ túc văn hóa. Một lần nữa, hoạt động xóa mù chữ trở thành một biểu hiện của lòng yêu nước, thu hút hàng triệu người tham gia giảng dạy, học tập hoặc giúp đỡ người học. Tại Gia Lai, ngay sau ngày giải phóng, tỉnh đã phát động phong trào xóa mù chữ và huy động hàng ngàn thanh niên ở các thị xã, thị trấn, cơ quan cùng cán bộ ngành Giáo dục tham gia. Các lớp học xóa mù chữ được tổ chức khắp nơi, từ những buôn làng xa xôi hẻo lánh đến các thị trấn, thị xã và cả cơ quan, đơn vị.
Ông Trương Vĩnh Phúc-nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Hồng Thái giai đoạn 1983-2006 (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) là một trong những giáo viên đầu tiên tham gia hưởng ứng phong trào xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh. Sau khi hoàn thành chương trình cấp III, ông Phúc cùng với khoảng 70 người nữa đăng ký đi học lớp sư phạm cấp tốc trong 3 tháng do Ty Giáo dục Gia Lai-Kon Tum tổ chức tại thị xã Pleiku. Đầu năm 1976, ông được phân công giảng dạy tại Trường cấp II Pleiku (nay là Trường THCS Nguyễn Du, phường Ia Kring, TP. Pleiku); đến tháng 8 cùng năm thì bắt đầu tham gia phong trào xóa nạn mù chữ tại các thôn, làng thuộc 16 xã của huyện Chư Păh (cũ).
“Những lớp học bằng tranh tre nứa lá được nhanh chóng dựng lên ở các thôn, làng để làm chỗ học cho hàng trăm người dân. Tầm 6-7 giờ mỗi tối, bà con tay cắp sách vở, tay cầm đèn dầu tự chế từ ống tre, nứa hay chai lọ... soi lối đến lớp học chữ. Giai đoạn đầu, hoạt động của các lớp xóa mù chữ rất khó khăn vì người dân không chịu đi học. Một số sau khi tham gia, thấy việc học chữ khó hơn làm rẫy thì lại nghỉ. Do vậy, việc vận động, tuyên truyền vô cùng vất vả và mất khá nhiều thời gian. Thêm vào đó, phần đông lực lượng đi hỗ trợ xóa mù chữ đều chưa được đào tạo nghiệp vụ sư phạm; những bất đồng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán cũng là rào cản lớn để nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động xóa mù chữ. Thế nhưng, sau 3 năm vượt khó, kiên trì phấn đấu, chúng tôi đã căn bản xóa mù chữ cho người dân trong huyện và được tỉnh tuyên dương vì hoàn thành công tác này sớm hơn thời hạn”-ông Phúc phấn khởi nói.
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005), đến năm 1977, toàn tỉnh có 4 vạn người của 100 xã đã được xóa mù chữ; 86% số cán bộ xã trong độ tuổi thoát được mù chữ; 2 vạn người tiếp tục học các lớp bổ túc. Hệ thống trường học phổ thông phát triển thêm ở các vùng căn cứ cũ, vùng mới giải phóng và các khu kinh tế mới. Năm học 1977-1978, toàn tỉnh có 97.982 học sinh phổ thông, 12.500 học sinh mẫu giáo (tăng 30% so với năm học trước); trong đó học sinh dân tộc thiểu số có 40.754 em.
Học sinh Trường THPT Quang Trung tham quan Nhà trưng bày Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Hồng Thi |
3. Ngày 21-3-1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 63-CP về phát triển loại trường phổ thông trung học “vừa học, vừa làm”. Theo các cựu giáo chức, trường “vừa học, vừa làm” khi đó có 2 loại. Thứ nhất là trường dựa vào cơ sở sản xuất của xí nghiệp (nhà máy, công-nông-lâm trường, hợp tác xã...). Đối với loại trường này, xí nghiệp chịu trách nhiệm cấp vốn, thiết bị, công cụ và nguyên liệu cho sản xuất, dự trù lao động và hướng dẫn kỹ thuật cho học sinh; nhà trường chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức cho học sinh lao động. Thứ hai là trường có cơ sở sản xuất riêng và được coi là một đơn vị kinh tế của địa phương. Nhà nước cấp khoản đầu tư toàn bộ ban đầu về xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ cho sản xuất, học tập qua ngân sách địa phương; đồng thời, vận động Nhân dân và các cơ sở sản xuất đóng góp một phần. Về cơ bản, các trường vẫn tiến hành giảng dạy theo chương trình cấp III của hệ phổ thông nhưng có bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu đào tạo và phương hướng sản xuất của địa phương hoặc của xí nghiệp. Hàng tuần, học sinh lao động 5-6 buổi (3-4 giờ/buổi) dưới sự hướng dẫn của giáo viên hoặc cán bộ kỹ thuật. Tùy theo tính chất của lao động mà bố trí thời gian thích hợp, bảo đảm sự cân đối giữa học tập, lao động, giải trí và nghỉ ngơi cho học sinh.
Tại tỉnh Gia Lai-Kon Tum lúc bấy giờ, các tổ sản xuất trong trường phổ thông hoạt động khá mạnh, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Ông Nguyễn Chảng cho hay: “Trường cấp III An Khê khi đó có một số tổ sản xuất như: mộc, rèn, may mặc, sản xuất nông nghiệp... Tổ mộc của nhà trường đã đóng mới và sửa chữa bàn ghế để học tập; đồng thời làm ra nhiều đồ dùng học tập có giá trị. Trường cũng có vài ha lúa cao sản được giáo viên, học sinh thay nhau trồng trọt, chăm sóc. Hoạt động của các tổ sản xuất thường diễn ra vào trái buổi học và 2 ngày cuối tuần”.
Ông Bùi Tấn Tri-nguyên Hiệu trưởng Trường PTTH Bán công Pleiku (nay là Trường THPT Phan Bội Châu) hồi nhớ: “Tháng 8-1975, Trường cấp III Gia Lai-tiền thân của Trường PTTH Bán công Pleiku được thành lập tại số 44 đường Lê Lợi (thị xã Pleiku). Tôi được phân công phụ trách trường tạm thời trong thời gian chờ cán bộ từ ngoài Bắc vào làm hiệu trưởng. Khi Nhà nước chủ trương áp dụng dạy học kết hợp với lao động sản xuất, Ban Giám hiệu đã chủ động liên hệ với các nông trường để cho học sinh đi làm và Nông trường Chè Biển Hồ là đơn vị đầu tiên nhà trường triển khai hoạt động này. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức cho học sinh đi khai hoang, làm thủy lợi để sản xuất lương thực. Đến năm học 1990-1991 thì học sinh không phải lao động sản xuất nữa”.
*
* *
Nhấp ngụm trà nóng, ngước mắt nhìn ra quốc lộ 19 rộn ràng xe cộ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thị xã An Khê nhận định: Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song chuyện học hành bây giờ đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Tỉnh cũng đang dần khẳng định vị thế so với khu vực và trên cả nước về chất lượng giáo dục-đào tạo. Đó là nền tảng tốt để toàn ngành tiếp tục vững bước hơn nữa trong tương lai.
HỒNG THI