Kinh tế

Nông nghiệp

Chuyển đổi cây trồng: "Chìa khóa" nâng cao hiệu quả sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Gia Lai chủ trương chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả hoặc không chủ động nguồn nước tưới sang các loại cây khác có giá trị cao hơn. Đây là tiền đề để tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân.

Những tín hiệu lạc quan

Thời gian qua, nông dân ở các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, Chư Sê, Chư Pưh, Đak Đoa đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng khoai lang Nhật Bản. Theo tính toán, mỗi héc ta khoai lang Nhật Bản, sau khi trừ chi phí đầu tư, người dân đạt lợi nhuận khoảng 130-150 triệu đồng/vụ.

Nông dân huyện Chư Sê thu hoạch khoai tây. Ảnh: Lê Nam
Nông dân huyện Chư Sê thu hoạch khoai tây. Ảnh: Lê Nam


Ông Nguyễn Văn Bội (thôn Kinh Môn, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) cho hay: Vụ Đông Xuân 2020-2021, ông trồng 2 ha khoai lang Nhật Bản. Hàng năm, trên diện tích này, ông trồng 1 vụ khoai lang Nhật và 1 vụ lúa. Tuy trồng khoai lang vốn đầu tư cao, nhiều công chăm sóc nhưng lợi nhuận thu được cao hơn nhiều so với trồng lúa. “Vụ này, tôi thu hoạch hơn 45 tấn khoai và bán được với giá 11.000 đồng/kg, lãi hơn 130 triệu đồng/ha”-ông Bội phấn khởi nói.

Chị Rơ Lan Lok (làng A Mo, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) có 3 sào lúa nước nhưng thường xuyên bị thiếu nước tưới. Vụ Đông Xuân 2020-2021, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, chị chuyển sang trồng bắp sinh khối. “Trồng bắp sinh khối ít vất vả hơn so với cây lúa. Bên cạnh đó, mình còn được hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Ngoài ra, sau khi thu hoạch, mình còn được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm”-chị Lok nói.

Ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) đánh giá: Hầu hết diện tích cây trồng được chuyển đổi trong thời gian qua khá phù hợp với điều kiện đất đai và thích ứng với biến đổi khí hậu, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Một số mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cây dưa hấu lợi nhuận thu về khoảng 100 triệu đồng/ha; bắp ngọt, bắp sinh khối lợi nhuận thu được khoảng 23,5 triệu đồng/ha; đậu tương lợi nhuận khoảng 54 triệu đồng/ha...

 Mô hình sản xuất bắp sinh khối cho thu nhập cao ở huyện Ia Pa. Ảnh: Lê Anh
Mô hình sản xuất bắp sinh khối cho thu nhập cao ở huyện Ia Pa. Ảnh: Lê Anh


Bám sát lợi thế và nhu cầu thị trường
 

Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi 37.714 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu và một số cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu thị trường. Riêng năm 2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi 2.760,3 ha cao su, 3.909 ha mía, 445 ha hồ tiêu và 591 ha lúa thường xuyên bị hạn sang cây trồng khác.

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho hay: Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên những diện tích canh tác kém hiệu quả hoặc thường xuyên thiếu nước.

Đặc biệt, đối với những diện tích lúa không thuận lợi về nguồn nước, UBND huyện chỉ đạo kiên quyết không sản xuất mà chuyển đổi sang cây trồng khác cần ít nước hơn. Theo đó, UBND huyện sẽ triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ người dân từng bước chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng Đề án chuyển đổi cây trồng vùng hạn và kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của Đề án là chuyển đổi thành vùng chuyên canh hàng hóa tập trung rau, hoa, quả, dược liệu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính, có thị phần tiêu thụ lớn như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

“Tuy vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần phải dựa trên nhu cầu thị trường và khai thác có hiệu quả các lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, thực hành sản xuất theo các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ và tương đương.

Bên cạnh đó, tăng cường kêu gọi đầu tư phát triển các cơ sở bảo quản, chế biến ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung để đa dạng hóa sản phẩm và có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”-ông Khải thông tin thêm.
 

 LÊ NAM-LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm