Kinh tế

Chuyển đổi cây trồng để tránh hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khô hạn, nắng nóng kéo dài thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016 ở nhiều địa phương trong tỉnh. Riêng tại huyện Phú Thiện, vụ Đông Xuân 2015-2016 không bị ảnh hưởng của hạn nhờ làm tốt công tác chuyển đổi cây trồng.

Gia đình anh Ksor Thoan ở thôn Sơ Ma Lơng đang thu hoạch đậu xanh. Ảnh: G.H
Gia đình anh Ksor Thoan ở thôn Sơ Ma Lơng đang thu hoạch đậu xanh. Ảnh: G.H

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn huyện Phú Thiện, vụ Đông Xuân năm nay toàn huyện chuyển đổi được khoảng 200 ha lúa thường xuyên thiếu nước vào cuối vụ hoặc xa nguồn nước sang trồng cây đậu xanh, bắp lai, khoai lang. Diện tích chuyển đổi tập trung nhiều nhất tại các xã Chrôh Pơnan, Chư A Thai, Ia Sol… Nhờ đó, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện không chỉ tránh được thiệt hại do nắng hạn mà còn thu được lợi nhuận cao hơn việc trồng lúa nước.   

Vụ Đông Xuân năm nay, gia đình ông Nay Ni (thôn Sô Ma Biơng, xã Chrôh Pơnan) đã chuyển hơn 1 ha đất ruộng sang trồng đậu xanh. Ông Nay Ni cho biết: “Trước đây, gia đình trồng lúa nước nhưng những năm nắng nóng kéo dài là bị thiếu nước cuối vụ, năng suất lúa đạt thấp. Năm nay, gia đình đã chuyển toàn bộ diện tích ruộng sang trồng đậu xanh. Cây đậu xanh đòi hỏi nguồn nước ít hơn,1 tuần tưới nước 1 lần. Hiện cây đậu xanh phát triển rất tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Năng suất dự kiến khoảng 2-2,5 tạ/sào. Với giá đậu xanh ổn định (khoảng 26 ngàn đồng/kg), sau khi trừ chi phí, gia đình cũng thu lời hơn 30 triệu đồng/ha”. Tương tự, anh Ksor Thoan (thôn Sô Ma lơng, xã Chrôh Pơnan) cho biết: gia đình có khoảng 6 sào đất ruộng nhưng trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp nên đã chuyển toàn bộ sang trồng đậu xanh xen bắp lai. Với điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp, cây đậu phát triển tốt. Trồng đậu xanh vừa tiết kiệm nước vừa tiết kiệm công chăm sóc nên giảm được chi phí đầu tư mà lợi nhuận cao hơn cây lúa.

Tại xã Chư A Thai, nhiều hộ dân đã chuyển đổi hơn 100 ha lúa nước xa công trình thủy lợi Ayun Hạ sang trồng khoai lang xuất khẩu. Những hộ dân trồng khoai lang cho biết, cây khoai loang không cần nhiều nước, một vụ, chỉ cần 2-3 lần tưới nước là có thể đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao, bình quân 1,5-2 tấn/sào. Với giá khoai lang được thương lái thu mua ổn định như hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân thu lãi khoảng 40-60 triệu đồng/ha.

 

Vụ Đông Xuân 2015-2016, huyện Phú Thiện là địa phương không có diện tích lúa nước bị thiệt hại do hạn hán. Ảnh: G.H
Vụ Đông Xuân 2015-2016, huyện Phú Thiện là địa phương không có diện tích lúa nước bị thiệt hại do hạn hán. Ảnh: G.H

Ngoài việc chủ động chuyển đổi cây trồng nhằm tránh hạn, nhờ có nguồn nước của công trình thủy lợi Ayun Hạ và hệ thống các trạm bơm được đầu tư đồng bộ nên tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vụ Đông Xuân 2015-2016 ổn định, không bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Riêng đối với cây lúa nước, huyện Phú Thiện là địa phương duy nhất của tỉnh không bị thiệt hại do hạn hán gây ra. Hiện, người dân trên địa bàn huyện đã thu hoạch xong diện tích lúa Đông Xuân, năng suất bình quân đạt 69 tạ/ha.  

Ông Bùi Trọng Thành-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện cho biết: ngay từ đầu vụ, để tránh hạn cho những diện tích xa công trình thủy lợi, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện và khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng trên những chân ruộng không chủ động nguồn nước sang cây trồng cạn như khoai lang, bắp, đậu đỗ các loại. Qua thực tế, các diện tích chuyển đổi đã phát huy hiệu quả. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến cáo và hướng dẫn người dân sử dụng những giống lúa năng suất chất lượng cao như giống OM6976, OM4900, ML48, HC2,  RVT và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, IPM, ICM trên cây trồng để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình…

Gia Hưng

Có thể bạn quan tâm