Kinh tế

Nông nghiệp

Chuyển đổi đất lúa thường xuyên bị hạn sang cây trồng khác: Tăng thu nhập cho nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 5 năm (2016-2021), toàn tỉnh Gia Lai đã chuyển đổi 4.098 ha đất trồng lúa thường xuyên bị hạn sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp nhu cầu thị trường. Các mô hình chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2-5 lần so với cây lúa.

Tăng thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng

Vụ Đông Xuân 2021-2022, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Tinh dầu bạc hà Tây-Bắc Gia Lai thực hiện mô hình liên kết trồng bắp sinh khối với diện tích 16,3 ha tại xã Bờ Ngoong. Ông Kpuih Tên (làng Amo) cho biết: “Khi chuyển đổi 2 sào đất lúa thường xuyên bị hạn sang trồng bắp sinh khối, tôi được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật. Sau 2,5 tháng, tôi thu hoạch được khoảng 10 tấn, lãi hơn 5 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao hơn nhiều so với trồng lúa mà lại không lo mất mùa vì hạn”.

Còn anh Kpuih Dêm (cùng làng) thì cho hay: Năm trước, anh chuyển đổi 3 sào lúa nước sang trồng bắp sinh khối và thu hơn 11 triệu đồng. Thấy hiệu quả, năm nay, anh tiếp tục trồng bắp sinh khối. “Làm lúa năm nào mưa thuận gió hòa mới có thu hoạch, còn thời tiết bất lợi là coi như mất trắng. Khi chuyển qua trồng bắp sinh khối thì đỡ nhọc hơn vì dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư và nước tưới ít mà hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng lúa”-anh Dêm chia sẻ.

 Mô hình trồng trồng bắp sinh khối ở xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê. Ảnh: Lê Nam
Mô hình trồng bắp sinh khối ở xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê). Ảnh: Lê Nam


Theo ông Lê Duy Khương-Chủ tịch UBND xã Bờ Ngoong, cánh đồng Amo có diện tích 50 ha, trong đó có khoảng 20 ha được sử dụng nước của công trình thủy lợi, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Vụ Đông Xuân 2020-2021, với sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và PTNT, xã đã vận động người dân chuyển đổi 10 ha lúa thường xuyên bị hạn sang trồng bắp sinh khối. Vụ Đông Xuân 2021-2022, tiếp tục chuyển đổi 16,3 ha. Vụ tới, xã sẽ vận động người dân chuyển đổi hết những diện tích lúa không chủ động được nguồn nước sang trồng bắp sinh khối.

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho hay: Nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích, đặc biệt là giải pháp tránh hạn cho cây trồng, những năm qua, huyện đã đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, thường xuyên bị hạn sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời, hướng dẫn người dân chăm sóc theo đúng quy trình sản xuất. Bắp sinh khối được doanh nghiệp thu mua ngay tại ruộng, năng suất đạt 50 tấn/ha, trừ chi phí đầu tư, mỗi ha lãi trên 27 triệu đồng. Ngoài ra, cây bắp có thời gian sinh trưởng ngắn hơn cây lúa, sử dụng ít nước nên người dân sản xuất an tâm hơn.

Vụ Đông Xuân 2021-2022, người dân huyện Ia Pa cũng đã chuyển đổi được 260 ha đất lúa không đảm bảo nước tưới sang trồng thuốc lá, dưa hấu, khoai lang. Ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Để giúp nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, Phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan khuyến cáo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, phục vụ nhu cầu thị trường. Kết quả cho thấy, khi người dân chuyển đổi đất lúa sang trồng cây thuốc lá có năng suất khoảng 3 tấn/ha, giá bán bình quân 55 ngàn đồng/kg; dưa hấu cho năng suất khoảng 40 tấn/ha, giá bán bình quân 5-6 ngàn đồng/kg; khoai lang cho năng suất khoảng 30 tấn/ha, giá bán bình quân 8 ngàn đồng/kg. Như vậy, hiệu quả kinh tế khi chuyển sang trồng thuốc lá, dưa hấu, khoai lang cao hơn 80-120 triệu đồng so với làm lúa.

Tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng bền vững

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong 5 năm (2016-2021), toàn tỉnh đã chuyển đổi 4.098 ha đất trồng lúa thường xuyên bị hạn sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu thị trường. Riêng vụ Đông Xuân 2021-2022, bà con nông dân đã chuyển hơn 580 ha lúa thường xuyên bị hạn sang trồng 19,5 ha bắp, 54 ha rau, 244 ha khoai lang, 156 ha thuốc lá, 60 ha dưa hấu, 46,5 ha mì. Hầu hết cây trồng được chuyển đổi khá phù hợp với điều kiện đất đai và thích ứng với biến đổi khí hậu, cho năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa.

Mô hình trồng ớt ở huyện Đak Pơ. Ảnh: Lê Nam
Mô hình trồng ớt ở huyện Đak Pơ. Ảnh: Lê Nam


Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-thông tin: Huyện khuyến cáo người dân không gieo trồng lúa trên những vùng không đảm bảo nước tưới hoặc chủ động chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp với khả năng cung cấp nước tưới trên từng cánh đồng. Thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với nhu cầu của thị trường nhằm phát triển nhanh và bền vững.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật-cho biết: Các mô hình, đối tượng cây trồng chuyển đổi đem lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Bước đầu khai thác tốt ưu thế của đối tượng cây trồng chuyển đổi trên các chân đất không thuận lợi cho sản xuất lúa, nhiều đối tượng cây trồng mới, cây trồng có thị trường tiêu thụ tốt được đưa vào sản xuất đã phát huy những ưu điểm, lợi thế hơn hẳn. Đây là cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp, người dân cơ cấu lại hệ thống cây trồng hàng hóa cũng như mạnh dạn đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên diện tích thường xuyên bị hạn và diện tích cây trồng kém hiệu quả trong những năm tới.

 

 LÊ NAM - LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm